Theo kể ở đây thì Hoàng Đình Bảo vốn muốn theo phe Trịnh Tông. Vì Trịnh Tông chẳng những không kết nạp mà còn buông lời đe dọa, Bảo mới xoay qua phò Trịnh Cán. Chưa có sức đánh người thì đừng đe người. Dĩ nhiên ai biết thực ra Trịnh Tông có đe “tịch thu hết cả gia sản nhà nó” hay không. (Thu Tứ)



Ngô Thời Chí, Hoàng Lê nhất thống chí (I.2)




Chương I

Hồi 2: CHƯA ĐÁNH ĐƯỢC ĐỪNG ĐE


Lại nói, lúc ấy chúa đã có thế tử là Trịnh Tông (sau đổi là Trịnh Khải), do cung phi họ Dương đẻ ra. Cung phi tên là Ngọc Hoan, người ở làng Long Phúc, huyện Thạch Hà. Chị nàng là cung tần của Ân vương (cha Thịnh vương, tức là Trịnh Doanh), sinh ra Thuỵ quận công, được Ân vương hết sức yêu quí. Nhờ chị, Ngọc Hoan được kén vào làm cung tần của Thịnh vương. Nhưng từ sau khi vào cung, nàng vẫn ngày đêm sống cô quạnh. Bỗng một đêm, nàng nằm mơ thấy vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Nàng không hiểu đó là điềm gì, đem hỏi viên quan hầu là Khê trung hầu. Khê trung hầu biết chắc là điềm sinh thánh.

Hôm sau, chúa cho vời cung tần Ngọc Khoan vào hầu. Khê trung hầu cố ý giả làm nghe lầm, đưa ngay Ngọc Hoan đến. Thấy nàng, chúa có vẻ không thích, nhưng đã trót gọi đến, không nỡ đuổi ra. Sau đó chúa đòi Khê trung hầu vào trách mắng. Khê trung hầu cúi đầu tạ tội, đoạn thuật rõ đầu đuôi chuyện Ngọc Hoan nằm mơ cho chúa nghe. Chúa cũng nín lặng không nói sao cả.

Ngọc Hoan trải qua một trận mưa móc, liền có thai ngay. Đến kỳ, nàng sinh ra một trai. Năm Quí-mùi, Cảnh hưng 24 (1763).

Chúa tự nghĩ đầu rồng tuy có khí tượng làm vua, nhưng là rồng vẽ không phải rồng thật, mà lại chỉ có đầu không có đuôi, như vậy chưa hẳn đã là điềm tốt cả. Vả lại ở triều trước, Trịnh Cối, Trịnh Lệ (Trịnh Cối là con Trịnh Kiểm, Trịnh Lệ là con Trịnh Doanh. Hai người này đều mưu đồ giành ngôi chúa, nhưng đều thất bại) cũng do người Long Phúc đẻ ra và đều mưu sự phản nghịch mà không thành.

Do đó, chúa có ý không vui. Các quan văn võ vào chúc mừng, chúa lấy cớ rằng đứa con ấy không phải là vợ cả đẻ ra, từ chối không nhận lời mừng.

Khi thế tử Tông đã lớn, dung mạo rất khôi ngô mà chúa cũng chẳng yêu chiều gì mấy.

Tính thế tử ham võ nghệ, không thích học hành. Năm lên bảy tuổi, chúa sai Nguyễn Khản (1) làm tả tư giảng và Trần Thản (2) làm hữu tư giảng, để rèn tập cho thế tử. Nhưng chẳng bao lâu Thản chết. Còn Khản thì đang được chúa tin dùng, phải quán xuyến mọi công việc trong ngoài, nên cũng không mấy khi đến được chốn “màn giảng”, chỉ có năm sáu viên tùy giảng bảo ban việc học cho thế tử theo như nếp cũ mà thôi. Chuyện đó chúa cũng có biết phần nào, nên lại càng không bằng lòng.

Theo lệ cũ, người con trai nối ngôi chúa hễ đến mười hai tuổi thì phải ra ở Đông cung. Bấy giờ các quan cũng có tâu trình việc ấy; song chúa không cho, bắt thế tử phải đến ở tại nhà riêng của quan a bảo là Hân quận công Nguyễn Đĩnh. Như vậy, ngôi Đông cung vẫn bỏ trống, như có ý chờ đợi người khác.

Đến năm thế tử mười lăm tuổi, thì con nhỏ là vương tử Cán ra đời, chúa hết sức yêu dấu đứa con nhỏ đó. Ba năm sau, thế tử đúng mười tám tuổi. Theo lệ cũ, thế tử đáng được mở phủ riêng; nhưng bấy giờ các quan chẳng ai dám tâu bày, mà chúa cũng không hề nhắc tới việc ấy.

Như thế là người nối ngôi vẫn chưa định, nên lòng người rất phân vân. Hễ ai thuộc về thế tử Tông thì hùa theo thế tử Tông, ai thuộc đảng Thị Huệ thì vào phe vương tử Cán. Trong phủ chúa dần dần sinh ra bè nọ cánh kia.

Thị Huệ cho rằng thế tử Tông đã khôn lớn, lông cánh đã đủ mà con mình hãy còn trứng nước, nên mưu mô để gây thêm thế lực.

Khi ấy Huy quận công Hoàng Tố Lý (nguyên trước là Hoàng Đăng Bảo) đang có danh vọng lớn, thường dựa vào sự giúp đỡ của Thị Huệ, mà Thị Huệ thường cũng lấy quận Huy làm chỗ nhờ cậy bên ngoài. Quận Huy người làng Phụng Công, là cháu Bình Nam thượng tướng quân Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, vẻ người thanh dật, là tay văn võ toàn tài. Khoa thi hương năm Ất Dậu (1765), Huy đi thi được trúng cách; đến khoa thi võ năm Bính Tuất (1766) Huy lại đỗ luôn tạo sĩ. Hồi ấy Ân vương còn đang trọng dụng quận Việp, mới gả con gái thứ cho quận Huy.

Uy quyền quận Việp mỗi ngày một lớn. Có người ngờ sẽ xảy ra điều gì bất trắc, hoặc cũng có kẻ bảo quận Việp sắp lấy thiên hạ để truyền cho quận Huy. Căn cứ vào lời sấm hồi ấy có câu: “Nhất thỉ trục quần dương” (“Một con lợn đuổi đàn dê”), có kẻ tán rằng: Thỉ tức là quận Huy, bởi vì quận Huy tuổi Hợi, mà dương đây chỉ vào chúa và thế tử, vì cả hai đều tuổi Mùi. Rồi những kẻ hiếu sự lại còn đặt ra câu sấm: “Thảo nhất điền bát” (“Cỏ một, ruộng tám”) để chỉ vào chữ Hoàng (thảo nhất điền bát chắp lại thành chữ Hoàng chỉ Hoàng Ngũ Phúc). Có kẻ lại nói: “Thổ sất vân gian nguyệt, hoàng hoa ánh nhật hương” (“Mảnh đất sánh trăng trong mây, hoa cúc ánh hương mặt trời”). Thổ, sất, nguyệt là chữ tế (chữ tế nghĩa là con rể, chỉ quận Huy). Hoàng, hoa, nhật là chữ Việp (Chữ Việp gồm chữ hoa và chữ nhất, còn chữ Hoàng là họ Hoàng), chỉ quận Việp. Thêm nữa, tên cũ của quận Huy là Đăng Bảo (có nghĩa lên ngôi báu) người ta cũng lấy đó để dị nghị. Vì vậy quận Việp muốn tránh sự hiềm nghi ấy mới bảo quận Huy đổi tên Đăng Bảo ra Tố Lý.

Sau quận Việp lấy cớ mắc bệnh đau mắt để xin từ chức, chuyện ấy chẳng nhắc làm gì nữa.

Lại nói năm Giáp Ngọ (1774), quận Việp phụng mệnh kéo quân vào đánh trong Nam, có đem quận Huy đi theo. Quận Huy vốn đã học được phép dùng binh gia truyền của quận Việp, nên được các tướng tá rất sợ phục. Huy lại khéo cắt đặt nhân tài, nên các tay hào kiệt đều vui lòng chịu sai khiến. Huy có công luôn luôn phá được quân địch, tiếng tăm mỗi ngày một lẫy lừng. Khi dẹp yên được xứ Thuận Hoá thì quận Việp qua đời. Chúa bèn giao luôn cho quận Huy quản lĩnh số quân của quận Việp, và cho làm trấn thủ Nghệ An.

Đóng ở trấn Nghệ An, Huy ra sức tiêu diệt trộm cướp, cấm đổi tiền (đổi tiền đẹp để tích trữ, làm cho tiền khan hiếm), trấn áp cường hào, ngăn chặn việc kiện cáo, làm cho trong hạt rất thịnh vượng, Huy lại thu dụng những kẻ anh tài, đặt ra nhiều chức liêu thuộc. Dưới trướng ông ta có những tên như tả, hữu tham quân chẳng hạn. Thế là thiên hạ lại ồn ào lên, đồn rằng quận Huy sắp sửa làm phản.

Chúa nghe tiếng, ngày ngày cùng viên triều thần tin cẩn là Nguyễn Khản và quan thế tử a bảo Hân quận công Nguyễn Đĩnh bàn cách giết Huy. Trong lúc bàn bạc, ba người vẫn dùng tiếng lóng “chữ thập” để chỉ quận Huy. Vì chữ thập cũng na ná chữ nghệ (chữ thập xoay chéo thành chữ nghệ viết tắt) là trấn Nghệ An, nơi quận Huy đóng quân.

Họ thường đuổi mọi người đi để bí mật bàn bạc, chỉ có Thị Huệ là biết được.

Quận chúa vợ quận Huy ngày đêm ra vào trong phủ luồn lọt Thị Huệ; Thị Huệ mới đem việc kín nói cho quận chúa nghe. Quận Huy trong dạ không yên, dâng thư xin về triều. Chúa cho phép ngay.

Huy nghĩ rằng Thị Huệ tuy được chúa yêu, nhưng con trai của Thị Huệ còn nhỏ, trong khi đó thế tử đã lớn rồi, hùa theo Thị Huệ e không phải là kế lâu bền. Vì vậy, sau khi đã vào hầu chúa, Huy liền lấy châu báu đút lót cho những kẻ chân tay của thế tử, để xin nương tựa vào thế tử. Rồi Huy lại đem một trăm lạng vàng và mười tấm đoạn Nam Kinh làm lễ yết kiến, để xin vào ra mắt thế tử. Nhưng thế tử không nhận đồ lễ, cũng không cho vào gặp, nói riêng với bọn hầu cận rằng:

- Thằng giặc ấy sao không ở trấn làm phản, mà lại vội về triều? Rồi đây ta sẽ tịch thu hết cả gia sản nhà nó, cần gì đồ lễ của nó bây giờ!

Quận Huy biết thế tử không dung mình, bèn quyết ý hùa theo Thị Huệ và âm thầm có chí phế lập.

Huy đem dâng ngôi nhà cũ của quận Việp cho vương tử Cán làm dinh thự. Từ đó, Huy thành ra người riêng của Thị Huệ. Mà trước mặt chúa, Thị Huệ cũng hết sức bao che cho Huy. Do đó, quận Huy được vào chính phủ (phủ của chúa Trịnh để phân biệt với triều đình của vua Lê) mở dinh quân Trung nhuệ, coi việc trong phủ, đồng thời kiêm lĩnh chức trấn thủ trấn Sơn Nam (địa bàn của Sơn Nam thời Lê gồm: Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình). Quận Huy và Thị Huệ, trong ngoài liên kết với nhau, thế lực nghiêng cả thiên hạ. Các viên quan võ đều do cửa của họ mà ra. Lúc ấy, duy chỉ có Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản, trấn thủ Sơn Tây, hiện đang làm tả tư giảng cho thế tử Tông, và Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân, trấn thủ Kinh Bắc, con nuôi của Hân quận công đang làm a bảo cho thế tử Tông, là còn dám có ý kia khác với quận Huy mà thôi. Như vậy là cái thế bè đảng đã thành rồi.






















__________
(1) Nguyễn Khản có sách chép là Nguyễn Lệ. Nguyễn Khản hay Nguyễn Lệ, là con của Nguyễn Nghiễm, anh của Nguyễn Du, thuộc dòng họ Nguyễn ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đậu tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760).
(2) Đậu tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769).