Sau cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, nghe nói tới năm 2015 sẽ có cầu Vàm Cống.

Cầu Vàm Cống xây xong thì coi như miền tây thôi văn hóa phà. Cầu, quá tiện lợi, xe được thể chạy hoài, chạy ngày đêm, đâu có lúc nào “nên thơ” để “bạn” ôm đàn “buông rỉ rả vài tiếng thánh thót” cho bạn thưởng thức. Dĩ nhiên trước tiên, cầu thay phà thì bà con cô bác đi xe đò hết được nghỉ xả hơi, ăn quà...

(Thu Tứ)



Phạm Thăng, “Bắc trên sông Hậu”



Dòng Hậu Giang chảy qua chợ Long Xuyên, xuôi về nam khoảng 12 cây số là gặp chiếc bắc được người dân miền tây nhớ nhứt: bắc Vàm Cống.

Đây là chiếc bắc mỗi lần qua sông phải mất nhiều thì giờ nhứt trên sông Hậu. Lâu vì khoảng sông nơi đây rộng hơn 1000 thước mà phà còn phải chạy vòng qua một đầu cù lao mới đến bờ bên kia..

Các xe khách từ Hà Tiên, Rạch Giá, Châu Đốc, Tân Châu đi Sài Gòn đều phải qua đò này vì gần hơn, nếu không muốn chạy vòng ngả Cần Thơ, đường tốt nhưng xa hơn 60 cây số.

Dù là tuyến quan trọng nối liền bốn tỉnh địa đầu biên giới, nhưng so với bắc Mỹ Thuận và bắc Cần Thơ, bắc Vàm Cống ít xe hơn nên tại đây chỉ có những chiếc bắc nhỏ cũ kỹ không mui, nếu gặp mưa giữa sông thì chịu. Những năm 1960, Mỹ Thuận được tăng cường những chiếc bắc có trọng tải lớn, một lần có thể chở mười xe hàng lớn và sáu xe du lịch, nhiều xe gắn máy, nên bắc Vàm Cống được thừa hưởng những chiếc bắc Mỹ Thuận trước kia, có mui, trọng tải được sáu xe lớn, hành khách có chỗ ngồi và mui che nắng mưa.

(...)

Dòng Hậu Giang còn một bến bắc không kém phần quan trọng là bắc Cần Thơ (...) Trước đây bến bắc ở phía bắc khoảng sáu cây số, xa thành phố nên rất thơ mộng. Vào những đêm trăng, khi chưa có xe nào lên xuống, đứng hóng gió trên cầu phao dưới ánh trăng vằng vặc, nhìn sang bờ bên kia thấy đèn của những gian hàng bán thức ăn (...) tỏa ánh sáng lung linh trên mặt nước... xa xa vài chiếc thuyền câu, thuyền bán chè cháo cho ghe thương hồ, thỉnh thoảng một giọng rao hàng lanh lảnh vang trên mặt sông. Thỉnh thoảng vài bạn yêu vọng cổ ôm đàn ngồi trên bục xi-măng cầu phao, buông rỉ rả vài tiếng đàn thánh thót cho bạn bè thưởng thức.

Trước 1940, cầu bắc do bị sóng vỗ, đất sụp lần lần nên được dời về chỗ hiện nay. Những buổi hóng mát, đờn ca không còn nên thơ nữa, vì với mức độ xe cộ gia tăng, hành khách lên xuống rộn rịp, cầu bắc Cần Thơ là chỗ thị tứ (...)


(Trích
Xuôi dòng Cửu Long. Nhan đề phần trích tạm đặt.)