“Sông Hậu Giang lớn lắm (…) mà chiếc xuồng thì nhỏ xíu. Mỗi lần có sóng lớn (…) xuồng bị nhồi lên nhồi xuống và nghiêng qua nghiêng lại như sắp bị lật chìm. Nhiều lúc sóng lớn đến nỗi một chiếc xuồng đang bơi ở phía trước (bỗng) thấy hụp xuống chỗ trũng giữa hai lượn sóng rồi biến mất (…) sóng lớn dựng lên như một bức tường. Nhưng liền sau đó lại thấy chiếc xuồng trồi lên cao trở lại, nằm ngay trên lưng một con sóng khác”. Dễ sợ!

“Nhưng mà những lúc ấy tôi lại không sợ, vì tôi ngồi với ba tôi, có ba tôi ôm chặt, còn thằng bé này mới thật là đáng phục, vì nó chỉ đi một mình với má nó thôi, và lại còn phải ngồi ở mũi xuồng để bơi tiếp nữa”. Dễ nể!

Trước giờ chỉ biết cái bùng binh trước chợ Bến Thành, đọc đây mới hay bùng binh vốn ở dưới sông!
(TT)



Huỳnh Hữu Cửu, “Bùng Binh, Bến Bạ”




Lúc ấy nhà tôi ở tại Xóm Giá trên bờ sông Cái Răng, một nhánh của rạch Cần Thơ, và rạch Cần Thơ là một nhánh lớn của sông Hậu Giang. Tôi còn nhớ một buổi chiều trời gần tối, mưa lạnh lất phất thì có một chiếc xuồng đến cặp bến sông trước nhà tôi. Rồi có hai mẹ con một người đàn bà nọ, người mẹ độ ngoài ba mươi tuổi, dắt đứa con trai là một đứa bé trạc tuổi tôi, lên gặp bà ngoại tôi để xin ngủ nhờ. Người đàn bà ấy là một người cháu xa của bà ngoại tôi, chở dưa bồn bồn từ một nơi ngoài sông cái tức sông Hậu Giang vào bán ở chợ Cái Răng, và nhân dịp đi như vậy ghé thăm bà ngoại tôi, đồng thời cũng xin ở lại ngủ qua một đêm để sáng hôm sau sẽ chở dưa ra bán ở chợ. Bà ngoại tôi niềm nở hỏi thăm tin tức rồi vui vẻ mời ở lại liền. Thế là người đàn bà và đứa bé trở xuống xuồng dọn đồ đạc lên. Giữa xuồng có để một cái khạp lớn gọi là khạp da bò, đựng đầy dưa bồn bồn, đậy lá sen, kế bên có nhiều hũ nhỏ hơn đựng dưa ngó sen. Ngoài ra còn có lá sen tươi chất đầy và bông sen, gương sen nữa. Ðồ đạc dọn lên chẳng có là bao nhiêu, một gói quần áo, cái mùng, chiếc chiếu, nồi cơm, chén đũa, nhưng người đàn bà ấy có cho bà ngoại tôi một gói dưa bồn bồn thật lớn gói trong lá sen và có cho một bó bông sen để cúng. Còn đứa bé thì cho tôi vài chùm gương sen. Ðêm đó tôi ngồi gỡ từng hột sen từ gương sen ra ăn, những hột sen tươi màu xanh, ruột còn non màu trắng ăn rất ngọt. Dưới ánh đèn dầu lửa, thằng bé ngồi nhìn tôi ăn hột sen mà không nói gì. Nó mặc một bộ đồ bà ba vải trắng đã cũ, bèo nhèo, hơi ẩm ướt vì nước mưa lúc nãy. Tóc nó đen láy, cũng hơi ươn ướt. Mặt nó hơi xanh, nhợt nhạt, có lẽ vì lạnh. Trên cái cằm vuông, nó có đôi môi thật mỏng, và đặc biệt là nó có đôi mắt thật sáng, trông nó giống như một đứa học trò giỏi. Nhưng mà nó có đi học không? Ở chỗ nó ở có trường học không? Nó ít nói chuyện mà tôi cũng ít nói thành ra chỉ nhìn nhau. Nó đi theo mẹ nó bơi xuồng từ xa đến đây để bán dưa bồn, bị mưa lạnh, phải đi ngủ nhờ, làm tôi hơi tội nghiệp cho nó. Nhưng mà đồng thời nó có một cái vẻ gì phong trần, giang hồ lưu lạc làm tôi cảm thấy phục nó. Cái vẻ phong trần, giang hồ lưu lạc của nó là do nó mang từ một nơi rất xa xôi về đến đây. Và cái nơi xa xôi ngoài sông cái, nơi chân trời góc biển ấy có cái tên rất nên thơ và đầy quyến rũ đối với tôi: Bùng Binh Bến Bạ! Cái tên sao mà nghe hay quá! Tôi tưởng tượng Bùng Binh là chỗ một khúc sông thật rộng của dòng sông Hậu, nước chảy đến chỗ đó thì gặp nước biển đổ vào thành chảy chậm lại và quanh tròn trên mặt sông, và bao nhiêu lục bình trôi trên sông cũng bị cuốn đi quanh tròn trên sông như vậy. Bùng Binh còn gợi cho tôi về một nơi rất hoang vu, đầy bí mật, dưới sông có nhiều thứ cá lạ cùng những loài thủy quái. Còn Bến Bạ tôi cũng tưởng tượng là một cái bến sông rất vắng vẻ, cây cao lá rậm, họa hoằn lắm mới có một chiếc ghe lạc vào cặp bến để nhóm bếp nấu một nồi cơm chiều... Tôi đã nghe nói đến Bùng Binh Bến Bạ rồi và mơ tưởng một ngày nào đó sẽ đi đến tận nơi, vậy mà thằng bé đang ngồi trước mặt tôi hôm ấy chính là từ nơi đó mà đến đây, như vậy có phải nó đáng cho tôi ngưỡng mộ hay không? Ngoài ra tôi còn phục nó ở chỗ nó đi xuồng trên sông lớn chỉ với mẹ nó mà thôi, ngoài ra không có ai nữa. Lúc đó tôi cũng đã từng đi xuồng trên sông Hậu Giang. Sông Hậu Giang lớn lắm, lớn mênh mông mà chiếc xuồng thì nhỏ xíu. Mỗi lần có sóng lớn, chiếc xuồng bị nhồi lên nhồi xuống và nghiêng qua nghiêng lại như sắp bị lật chìm. Nhiều lúc sóng lớn đến nỗi một chiếc xuồng đang bơi ở phía trước thấy hụp xuống chỗ trũng giữa hai lượn sóng rồi biến mất luôn, như đã chìm khỏi dưới mặt nước. Lúc ấy hoàn toàn không thấy chiếc xuồng đâu cả và người ngồi trên xuồng cũng biến mất, chỉ thấy một lượn sóng lớn dựng lên như một bức tường. Nhưng liền sau đó lại thấy chiếc xuồng trồi lên cao trở lại, nằm ngay trên lưng một con sóng khác. Và cứ như vậy mãi làm cho ai nấy trên xuồng tôi đều sợ. Nhưng mà những lúc ấy tôi lại không sợ, vì tôi ngồi với ba tôi, có ba tôi ôm chặt, còn thằng bé này mới thật là đáng phục, vì nó chỉ đi một mình với má nó thôi, và lại còn phải ngồi ở mũi xuồng để bơi tiếp nữa. Ðêm đó tôi nằm nghĩ vẩn vơ như vậy rồi ngủ quên lúc nào không biết. Sáng hôm sau khi tôi thức dậy thì cả hai mẹ con thằng bé ấy đã dọn đồ đạc xuống xuồng và ra đi tự hồi nào. Dĩ nhiên là ngày hôm ấy và những ngày hôm sau nữa tôi được ăn dưa bồn bồn. Và đó chính là lần đầu tiên tôi biết hương vị của dưa bồn bồn, những miếng dưa mang về từ một vùng xa xôi bên bờ dòng sông Hậu.

(...) gần đây tôi có mua được một tấm bản đồ tỉnh Cần Thơ cỡ lớn (...) tôi lần dò theo dòng sông Hậu chảy ngang thị xã Cần Thơ để xuôi ra cửa biển, và khi đến chỗ đầu Cù Lao Mây, về phía hữu ngạn, thì thấy ngay hai con rạch nhỏ nằm song song và có đề tên đàng hoàng: rạch Bùng Binh và rạch Bến Bạ! Như vậy là người đàn bà và đứa bé năm xưa ở vùng này, bên bờ sông Hậu, đúng là một nơi xa, tuy không xa lắm như trong trí tưởng tượng của tôi thuở trước. Về nghĩa của chữ Bùng Binh, Bến Bạ thì tôi tìm không đâu ra, cho đến một hôm tôi tự hỏi tại sao mình không tìm trong một quyển tự điển xưa là quyển Ðại nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, biết đâu sẽ có. Bèn giở ra xem, thì quả nhiên thấy trong đó có ghi rõ, gần đúng như là tôi đã tưởng tượng: “Bùng Binh: khúc sông lớn mà tròn, Bến Bạ: chỗ ghé đỡ, không phải thiệt bến”!


(Trích tác phẩm xuất bản năm 1995. Nhan đề phần trích tạm đặt.)