Cây sen, được quá. Lá để con nít đội đầu, người lớn gói cốm; hoa để ngắm, ngửi, ướp trà; hột để ăn sống, làm mứt, nấu chè, tim của hột để uống cho dễ ngủ; củ để xào, hầm, nấu canh; ngó để làm gỏi, làm dưa. Cây bồn bồn, không biết ngoài làm dưa người Việt Nam có còn dùng nó vào chuyện gì khác nữa không... (TT)



“Dưa ngó sen, dưa bồn bồn”

Huỳnh Hữu Cửu




Ði chơi Vũng Tàu, mỗi lần tắm biển xong, buổi trưa thấy đói, lên ngồi nghỉ mát trong một cái quán lá để rồi được ăn cơm với canh chua cá kho tộ thì thật là không gì thích cho bằng. Nhưng ngon hơn hết là có dưa ngó sen hay dưa bồn bồn để chấm với cá kho tộ.

Ở Vũng Tàu có nhiều hồ sen, đường ra Bãi Sau có nhiều hồ sen rộng, lá xanh um, lúc nào cũng lác đác có vài bông nở. Có lẽ người ta lấy ngó sen ở các nơi đó về làm dưa. Ngó sen là những mầm non của cây sen, mỗi cọng lớn bằng chiếc đũa hay lớn hơn, màu trắng ngà, ruột có những lỗ bộng. Ngó sen làm dưa thì có thể ngâm trong nước gạo vo rồi để cho chua. Bồn bồn làm dưa cũng như vậy. Nhưng bồn bồn là cây gì? Chắc cũng là một loại cây thích mọc ở những nơi có nước, ở ao, đầm như sen và chắc người ta cũng hái hay cắt bồn bồn gần chỗ với sen. Mặc dầu đã ăn dưa bồn bồn và rất thích, nhưng có lẽ vì dạo đó tôi mải lo chạy theo nhiều thú vui nên không tìm coi cây bồn bồn, chỉ biết dưa bồn bồn giống như những tép hành lá hay những tép tỏi tây (poireau) bằng ngón tay cái, màu trắng hoặc hơi xanh, cắt ngắn từng khúc độ bốn, năm phân, khúc nào cũng hơi giập nát một chút vì bị ém. Dưa bồn bồn ngâm trong hũ hay khạp vớt ra cứ để vậy mà ăn. Thử tưởng tượng miếng dưa bồn bồn ăn chấm với cá kho tộ: cái chua của dưa làm tăng thêm cái ngọt của miếng cá kho, mà cái vị mặn của miếng cá kho cũng đồng thời giúp cho cái chua của miếng dưa trở nên thật vừa vặn, khoái khẩu! Nấu canh chua cũng có thể cho thêm dưa bồn bồn, những cọng bồn bồn nấu chín mềm mại ăn cặp với cá bông lau trắng tinh, béo ngậy, nóng hổi, chấm thêm một chút nước mắm giầm ớt thì thật là ngon tuyệt!