Kim Trọng “lân la” phục kích mới “tuần trăng thấm thoắt thèm hai” thì đã có kết quả. Thoa người ta giắt trên cành đào bên vườn nhà người ta, thế mà mình “giơ tay với lấy về nhà”! Lấy để chờ dịp kể lể: “Ðược rày nhờ chút thơm rơi, kể đà thiểu não lòng người bấy nay”. Kiều hẳn nghe giọng quen quen, nên mới “bậc mây rón bước ngọn tường, phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe?”. Dĩ nhiên chính thị. “Ngẫu nhĩ” tái ngộ, gái “sượng sùng” cúi đầu, trai xông tới kể công: “Trần trần một phận ấp cây đã liều”, rồi xin: “Tiện đây xin một hai điều, đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?” Gái còn “ngần ngừ”, trai lập tức kêu ca: “Lượng xuân dù quyết hẹp hòi, công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!” Thế này thì thôi, chịu... hắn luôn cho rồi. “Ðược lời như cởi tấm lòng”, Kim mới trả thoa, thêm khăn hồng với xuyến vàng: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Của tin trao qua, tức thì có của tin trao lại. Xong, rồi phần ai nấy... tẩu cho mau, vì “mái sau dường có xôn xao tiếng người”. “Từ phen đá biết tuổi vàng, tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ”. Tha hồ ngẩn ngơ, vì “chàng viện sách” và “nàng lầu trang” quan hệ với nhau lén lút nên “tin xuân đâu dễ đi về cho năng”...

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 287-368)



Nhẫn từ quán khách lân la,
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thèm hai.
Cách tường phải buổi êm trời,
Dưới đào dường có bóng người thướt tha. (290)
Buông cầm xóc áo vội ra,
Hương còn thơm nức người đà vắng tanh.
Lần theo tường gấm dạo quanh,
Trên đào, nhác thấy một cành kim thoa.
Giơ tay với lấy về nhà: (295)
"Này trong khuê các đâu mà đến đây?
Gẫm âu người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!"
Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai. (300)
Tan sương đã thấy bóng người,
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.
Sinh đà có ý đợi chờ,
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng:
"Thoa này bắt được hư không, (305)
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?"
Tiếng Kiều nghe lọt bên kia:
"Ơn lòng quân tử sá gì của rơi.
Chiếc thoa nào của mấy mươi,
Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!" (310)
Sinh rằng: "Lân lý ra vào,
Gần đây nào phải người nào xa xôi.
Ðược rày nhờ chút thơm rơi,
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay!
Bấy lâu mới được một ngày, (315)
Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là."
Vội về thêm lấy của nhà,
Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông.
Bậc mây rón bước ngọn tường,
Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe? (320)
Sượng sùng giữ ý rụt rè,
Kẻ nhìn rõ mặt người e cúi đầu.
Rằng: "Từ ngẫu nhĩ gặp nhau,
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.
Xương mai tính đã rũ mòn, (325)
Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay!
Tháng tròn như gởi cung mây,
Trần trần một phận ấp cây đã liều!
Tiện đây xin một hai điều,
Ðài gương soi đến dấu bèo cho chăng?" (330)
Ngần ngừ, nàng mới thưa rằng:
"Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong.
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Nặng lòng xót liễu vì hoa, (335)
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa!"
Sinh rằng: "Rày gió mai mưa,
Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi!
Dù chăng xét tấm tình si,
Thiệt đây mà có ích gì đến ai? (340)
Chút chi gắn bó một hai,
Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh.
Khuôn thiêng dù phụ tấc thành,
Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời.
Lượng xuân dù quyết hẹp hòi, (345)
Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!"
Lặng nghe lời nói như ru,
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng.
Rằng: "Trong buổi mới lạ lùng,
Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang! (350)
Ðã lòng quân tử đa mang,
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung."
Ðược lời như cởi tấm lòng,
Giở kim hoàn với khăn hồng trao tay.
Rằng: "Trăm năm cũng từ đây, (355)
Của tin gọi một chút này làm ghi."
Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ,
Với cành thoa ấy, tức thì đổi trao.
Một lời vừa gắn tất giao,
Mái sau dường có xôn xao tiếng người. (360)
Vội vàng lá rụng hoa rơi,
Chàng về viện sách nàng dời lầu trang.
Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ.
Sông Tương một dải nông sờ, (365)
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.
Một tường tuyết trở sương che
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)