Thì ra cá lóc là cá “lóc”. Làm sao nó biết ở đằng kia có ao, đìa mà lóc tới? Đã vậy, lại biết chọn đêm hôm tăm tối sương sa mù mịt làm lúc lên đường... “Khôn” mà rồi cũng lọt hầm, lọt khạp, nhảy “tung, tung” đợi sáng, đợi thành cá nướng trui. (Thu Tứ)



“Bắt cá nhảy hầm”

Huỳnh Hữu Cửu




Sau Tết là mùa lúa chín, đồng ruộng khô ráo, chỉ ao và đìa là còn nước thôi. Nhưng rồi những vũng nước ấy cũng cạn lần, các loại cá sặc, cá rô hoặc cá lóc bị kẹt lúc bấy giờ thật là dễ bắt, chỉ cần lấy rổ xuống xúc. Có khi nước chỉ còn là một lớp sình mỏng, cá đưa lưng cựa quậy trông thấy rõ ràng. Nhưng thường đó là cá nhỏ thôi, vì những con cá lớn, nhứt là cá lóc, thì đã biết sớm rời bỏ vũng nước đang cạn để di chuyển đến một nơi nước sâu hơn. Thường thường cá lóc di chuyển theo một con đường mòn trũng thấp, có chút nước lấp xấp, hoặc có khi “lóc” ngay trên cạn. “Lóc” nghĩa là con cá uốn cong thân mình qua mặt, qua trái thật nhanh, rồi dùng đầu và đuôi đập xuống đất để lấy trớn và trườn tới. Có lẽ cá lóc là loại cá “lóc” mau lẹ và giỏi nhứt nên mới có tên như vậy. Cá lóc chẳng những lóc trên mặt đất mà còn có thể nhảy qua một chướng ngại vật như là một bờ đất, một bờ mẫu. Những đêm có sương xuống nhiều thì cá di chuyển nhiều hơn. Chính mắt tôi nhiều lần trông thấy những con cá lóc lớn đang lóc nhanh dưới một cái mương đã khô cạn, cạnh đường lộ hoặc ở ruộng. Người dân quê biết cá hay đi tìm chỗ có nước sâu, nên đào hầm trên con đường di chuyển của cá, để cho chúng rớt xuống. Cũng có thể đào hầm ở phía bên kia bờ đất, chỗ cá hay nhảy, để khi cá nhảy qua là lọt ngay vào cái hầm. Có lẽ vì vậy mà gọi là bắt cá nhảy hầm. Thường thì cái hầm rộng độ hai gang tay, sâu sáu, bảy gang, cá lọt xuống hầm rồi, khó nhảy ra được. Có khi người ta đem chôn ngay chỗ đó một cái khạp nhỏ (một loại lu bằng sành, hông thẳng đứng) để làm cái hầm. Mỗi ngày ra thăm hầm buổi sáng sớm khi trời đang còn đầy sương trắng xóa, nếu hên thì mỗi hầm có thể có hai, ba con cá lóc lớn, từ đằng xa đã nghe tiếng chúng nhảy “tung, tung”. Cá lóc nhảy hầm vào mùa khô không hiểu tại sao rất mập, nướng trui ăn rất ngon. Có khi lấy sình non bên bờ ruộng đắp chung quanh con cá, rồi lấy rơm nổi lửa lên nướng ngay tại chỗ. Khi lớp sình đen cháy khô đổi ra màu xám trắng và nứt nẻ cả ra thì con cá đã chín. Banh cá ra, thịt trắng phau như bông bưởi, khói nóng bốc lên thơm phức, ăn không có gì ngon, bổ dưỡng mà lại tinh khiết cho bằng. Thường thì ăn theo lối gói bánh tráng nhúng nước, ăn với rau húng cây, húng lũi, lá quế, chấm nước mắm chanh ớt. Và nhiều khi ăn với những ngọn rau đắng tươi xanh vừa mới hái ở bờ ao, bờ đìa gần đó.