Núi ấy mang tên thế từ bao giờ? Năm 1790 quan đặc sai đốc trấn Thanh Hóa là Nguyễn Quang Bàn có phát hiện được một chiếc trống đồng ở bờ sông Mã gần nơi thờ thần núi Ðồng Cổ. Cái việc thần hiện ra, xin phù hộ thái tử nhà Lý và được rước về Thăng Long, đó hẳn là sáng kiến nhằm nhấn mạnh tính chính thống trong hoàn cảnh tranh giành ngôi báu... (Thu Tứ)



“Chuyện thần Ðồng Cổ”

Lý Tế Xuyên




Truyện Báo Cực chép rằng: Vương vốn là thần núi Đồng Cổ (núi ấy ở tỉnh Thanh Hóa, tục danh là núi Khả Phong). Ngày xưa, thời Lý Thái tông đang làm Thái tử, Thái tổ sai đem quân đi đánh Chiêm Thành, quân kéo đến Tràng Châu, đêm đóng quân nghỉ lại. Chừng khoảng canh ba, giữa lúc mông lung bỗng thấy một người kỳ dị, thân cao tám thước, tu mi như kích, y quan nghiêm nhã, mình mặc nhung phục, tay cầm binh khí, cúi đầu khép nép tâu rằng:

- Thần là chủ núi Đồng Cổ, nghe quân thượng nam chinh chẳng nề nguy hiểm, xin theo trợ thuận vương sư, sau là có thể khiếp phục được hồ man, lập chút công mọn.

Thái tông cả mừng, vỗ tay cho ngay, hốt nhiên thức dậy thì ra là một giấc mơ. Trận đánh ấy quả được đại tiệp. Thái tông khải hoàn, đem lễ phẩm đến tạ ơn, nhân đó xin rước thần về kinh sư để bảo quốc hộ dân. Vua sai người đi xem chỗ để lập đền thì từ phía ngoài kinh kỳ chưa có chỗ nào quyết định là tốt. Đêm ấy, vương thác mộng cho vua xin chỗ đất trong Đại nội, bên hữu, sau chùa Thánh Thọ, nói rằng:

- Chỗ ấy tinh khiết, trông vào lộng lẫy, xét cho tường tận hẳn là có túc nhân vậy.

Vua liền nghe theo, chọn ngày khởi công, chẳng bao lâu mà hoàn thành. Thái tổ băng, Thái tông tức vị. Đêm đó, vương lại thác mộng tâu Thái tông rằng:

- Ba vương lâu nay hoài bão dị chí, muốn huy động binh giáp, xin vua sớm lo phòng bị hầu khỏi hậu hoạn.

Vua tỉnh dậy cũng chưa lấy gì làm tin chắc. Đến lúc trời mờ sáng, quả nhiên đúng như lời nói trong mộng.

Thái tông kinh dị, chiếu phong làm Thiên hạ Minh chủ thần, thêm tước Đại vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Linh Ứng Đại vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Chiêu Cảm. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Bảo Hựu.


(
Việt điện u linh tập, bản dịch Lê Hữu Mục)