Nhà Trần sau khi thay nhà Lý vẫn giữ lệ thề ở đền Ðồng Cổ. Rõ ràng thần Trống Ðồng là thần rất to của cả dân tộc. Tức sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, trong tâm thức người Việt vẫn còn sừng sững một chiếc cầu bắc về quá khứ Ðông Sơn!

(Thu Tứ)



Trần Trọng Kim, “Lệ thề ở đền Ðồng Cổ”




Thái tổ vừa mất chưa tế táng xong, thì các hoàng tử là bọn Võ đức vương, Dực thánh vương và Đông chinh vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử.

Bấy giờ các quan là bọn Lý Nhân Nghĩa xin Thái tử cho đem quân ra thành quyết được thua một trận. Khi quân của Thái tử và quân các vương đối trận, thì quan Võ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào Võ đức vương mà bảo rằng: “Các người dòm ngó ngôi cao, khinh dể tự quân, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này!”. Nói xong chạy xông vào chém Võ đức vương ở trận tiền. Quân các vương trông thấy sợ hãi bỏ chạy cả. Dực thánh vương và Đông chinh vương cũng phải chạy trốn.

Thái tử Phật Mã lên ngôi, tức là vua Thái tông.

Dực thánh vương và Đông chinh vương xin về chịu tội. Thái tông nghĩ tình cốt nhục bèn tha tội cho, và lại phục chức cũ cho cả hai ngừơi.

Cũng vì sự phản nghịch ấy cho nên vua Thái tông mới lập lệ: cứ hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Yên Thái, Hà Nội) làm lễ đọc lời thề rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỉ thần làm tội”. Các quan ai trốn không đến thề, phải phạt 50 trượng.


(Trần Trọng Kim,
Việt Nam sử lược)