“Thổ mộ”, cái tên với người không quen nghe hơi... lạnh, nhưng xe thổ mộ thực ra trông rất ấm. Dưới cái mui khum khum như mui thuyền, và nhiều khi treo cả hai bên thùng xe, là giỏ rau, giỏ bông, giỏ trầu - trầu Bà Ðiểm... Ở “thành đô” giờ không biết còn “bà già trầu” nào không, nếu còn thì cái lá bà nhai bỏm bẻm đó cũng không phải do cái xe thổ mộ nào kéo vô. Xe xuống... mộ lâu rồi, giờ muốn coi... xác phải đi khu du lịch Bình Quới. Giờ ba bốn giờ sáng ở ven đô không còn tiếng mưa vó ngựa, ai hay trăn trở được thưởng thức tiếng sấm bánh xe cơn-ten-nơ... (Thu Tứ)



Phạm Thăng, “Xe thổ mộ thân yêu”




Trầu Bà Ðiểm (...)

Ðặc biệt là người dân ở đây chở trầu về Sài Gòn không bằng các loại xe hàng, xe khách (...)

Từ ba giờ khuya, chủ vườn nhẹ nhàng thức dậy không để vợ con mất giấc vì họ đã thức khuya đếm trầu thành từng ốp và sắp gọn vào giỏ bội. Ông lọ mọ cho ngựa ăn trong cái mát lạnh của miền đông có sa mù buổi sớm, rồi bập bập điếu thuốc vấn, thót lên càng xe quen thuộc từ đời ông, đời cha đến nay, lọc cọc lên đường (...)

Mỗi khuya từ Hóc Môn Bà Ðiểm đổ về những chiếc xe thổ mộ thân yêu quen thuộc đó, người dân thành đô dù dậy sớm để đi làm hay còn trăn trở chờ sáng không bao giờ quên được tiếng vó ngựa đều đều trên quốc lộ (...)

Chốc chốc ông chủ lại rà cây roi vào bánh xe bằng cây bằng lăng, tạo ra tiếng kêu leng keng nhờ cái chuông cột theo căm. Suốt những năm từ xa xưa đến thập niên 1970, tiếng xe ngựa leng keng là tiếng báo thức quen thuộc của dân ven đô.


(Trích
Xuôi dòng Cửu Long. Nhan đề phần trích tạm đặt.)