Dĩ nhiên không phải đợi có đàn tranh (gốc Tàu) thì người Việt mới “phải đẻ, trái nuôi” khi đàn. Nhạc cụ vừa lâu đời vừa độc đáo của dân tộc Việt Nam là đàn bầu. Cái âm thanh của nó quyến rũ tới nỗi cha mẹ phải dặn con: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”! Sở dĩ tiếng đàn bầu đặc biệt “nguy hiểm”, ấy chính nhờ mấy ngón tay trái của người đàn: khi rung, khi vỗ, khi vuốt, khi luyến v.v. Trên bìa sau của bộ Hồi ký, Trần Văn Khê cho in hai câu thơ của Văn Tiến Lê ca ngợi đàn bầu: “Một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả một trời âm giai”. Chính vì trước đã quen “nuôi” bầu, nên sau gặp tranh ta mới nảy ý “nuôi” tranh mà Việt hóa được tranh! (Thu Tứ)



Trần Văn Khê, “Phải đẻ, trái nuôi”




Tiểu phẩm, nxb. Trẻ, 1997

“Zheng” của Trung Quốc (...) đàn Tranh của Việt Nam và đàn Koto của Nhật Bổn cùng chung một loại nhạc khí (...) đàn Koto (...) có mặt tại Nhật Bổn từ thế kỷ thứ XII (...) đàn Tranh vào Việt Nam từ thế kỷ XIII (tr. 172)

Đàn Koto (...) bàn tay mặt có nhiều thủ pháp mà đàn Tranh Việt Nam không có. Ngược lại cách nhấn của người Việt rất phong phú và tinh vi. (tr. 173)

Theo truyền thống Việt Nam, bàn tay mặt sinh ra âm thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Sanh ra mà không nuôi dưỡng, thì không sanh làm gì. (tr. 173)

Tay mặt sanh ra cái xác, tay trái tạo ra cái hồn. (tr. 174)

Hồi ký Trần Văn Khê (5 quyển), nxb. Trẻ, 2001, q. 2

Đờn tranh (...) Cách nhấn thì rất phong phú và tinh vi, có nhấn-vuốt, nhấn-rung, nhấn-mổ, nhấn mượn hơi. Mổ thì mổ đơn, mổ kép, mổ kềm dây, phối hợp tất cả để âm thanh trở nên sinh động hơn. (tr. 140)

Đờn tranh Việt Nam có mười sáu dây (...) Chữ “Tranh” là do chữ “Zheng” (...) quí vị đọc là “Koto” (...) Đờn koto (...) có mặt tại Nhựt Bổn từ thế kỷ thứ VII (...) Đờn Kayageum (Hàn) (...) từ giữa thế kỷ thứ VI, còn đờn tranh có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ XIII, theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc.

Người Việt ở miền Bắc và miền Trung dùng ba ngón của tay mặt gồm ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để khảy đờn, còn nhạc sĩ miền Nam chỉ sử dụng ngón cái và ngón trỏ như người Mông Cổ. (tr. 253)

Hồi ký Trần Văn Khê, q. 3

Nhựt Bổn, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Mông Cổ có một cây đờn cùng loại thuộc loại đờn tranh, có một thang âm cơ bản là ngũ cung với cách biểu diễn giống nhau là có độc tấu mà cũng có hòa tấu. (tr. 341)

Hồi ký Trần Văn Khê, q. 4

Vừa nhấn vừa mổ, trong kỹ thuật đờn Gu Zheng (cổ tranh) không có (tr. 133)

Tất cả đều từ một nguồn gốc là cây đờn Cổ tranh xuất hiện từ đời nhà Tần bên Trung Hoa. Ðến thế kỷ thứ VI vua Kasil của Triều Tiên dựa theo đờn Cổ tranh mà tạo ra cây đờn Kayageum. Qua thế kỷ thứ VII (năm 672) bà Ishikawa Iroko của Nhựt Bổn gặp một đạo sĩ Trung Quốc đờn cây đờn rất lạ nên theo học (...) thành cây đờn Koto như ngày nay. Còn đờn tranh của Việt Nam và Mông Cổ xuất hiện từ thế kỷ thứ XIII. (tr. 398-399)

Hồi ký Trần Văn Khê, q. 5

Người Việt Nam khi đờn phải nhấn nhá, hát thì phải luyến láy (...) Bàn tay mặt đánh ra thanh có độ cao, độ dài, có tiếng to tiếng nhỏ, có cả màu âm, mà chưa có chất nhạc. Chỉ khi bàn tay trái nhấn vào biến thanh thành âm mới có chất nhạc: bàn tay mặt sanh ra xác còn tay trái tạo ra hồn (tr. 78-79)

Nhấn nhá (...) có (...) rung lơi, rung nhặt (tr. 326)