Thật vui quá thể là vui!

Là ông Nguyễn Quốc Văn, vì ông được xem diễn hát chèo ở Nhà hát Bến Thành y như đã diễn ở Nam Ðịnh quê ông hồi “cách đây chừng ba lăm, ba sáu năm”.

Thật may quá thể là may!

Cũng là ông Nguyễn Quốc Văn, vì ông được xem chèo ở Bến Thành chắc lâu rồi, chứ bây giờ Nhà hát mà có diễn chèo thì e ông vừa xem vừa “rơm rớm” lệ... căm hờn!

Chèo vốn là “lối diễn giao lưu giữa diễn viên với khán giả”, thế mà bây giờ khán giả ngồi trơ như Tây trong nhà hát Tây. Chèo vốn các tiếng nhạc không buộc phải ăn khuôn ăn rập với nhau như máy, thế mà bây giờ bỗng... nẻ ra một ông nhạc trưởng ngồi vung vẩy hai bàn tay đeo bao tay trắng như tay ma!!!

“Một đêm chèo nghiêng ngả”, cổ tích rồi.
(Thu Tứ)



Nguyễn Quốc Văn, “Một đêm chèo nghiêng ngả”




Không hiểu sao, dù đã xa quê từ lúc tuổi còn xanh, tính đến bây giờ cũng đã gần ba mươi năm có lẻ, cứ mỗi lần thoảng nghe trong gió một làn điệu dân ca, tôi lại nhớ tới chèo. Những làn điệu vui buồn quấn quýt. Cây đa, giếng nước, sân đình, ao làng sen nở, cá bơi, dòng sông bến nước... như đang trước mặt, sau lưng; với tay ra, quay người lại là đã rõ mồn một. Rồi những người muôn năm cũ; những cảnh đời éo le trắc trở hay hơn hớn những niềm vui dân dã; cô gái rạo rực tuổi đương thì; vợ chồng vừa giận đã quên; ông lý nghênh ngang; anh mõ, chị mõ thông minh và hài hước... Những thứ đó như được chèo thâu tóm lấy cái hồn rồi đem phô ra trên sân diễn bằng lời ca, điệu muá cách điệu nhưng sống động. Tôi nhớ những đêm xưa, cách đây chừng ba lăm, ba sáu năm, xóm làng quê tôi đêm đêm rộn rã tíêng trống chèo mời gọi. Đêm nay phường Nam Xang Hạ, đêm mai phường Nam Xang Thựơng, ngày kia lại đã phường thôn Đông, thôn Đoài... Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ những tích quen như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Đưa linh, Trương Viên, Tuần Ty Đào Huế... Sân chèo khi thì mở ở sân đình, khi thì diễn ngay trên diệc mạ gần chợ Thượng. Người diễn trò xong chạy ra đứng lẫn vào kẻ xem, vừa nói chuyện, vừa chờ tới khúc vai diễn phải có mặt trên sân. Trai thanh, gái lịch xích lại gần nhau hơn, cười rinh rích. Sân chèo lúc lặng, lúc ồn ào tưởng như mặt đất cũng chao nghiêng. Say chèo, nhiều bà lão thuộc lòng cả tích, thuộc cả ánh mắt, cử chỉ cuả vai diễn. Thành ra, đêm trước xem chèo, ngày hôm sau chỉ bàn ra tán vào về cảnh, về người. Đời còn cơ cực đấy mà vẫn thấy lên hương! Đối với tôi, chèo thấm vào lòng từ lúc nào không rõ. Có lẽ từ tấm bé. Cái thuở bà tôi hay ru cháu bằng những làn vui khi bà buồn. Lời ru dỗ cho ăn, cho chơi, cho áo quần mới, mong cháu sau này thành quan nghè quan cống... đôi lúc vẫn còn thức dậy và không ít lần đã làm tôi đỏ mặt. Chúng như những kỷ niệm xa lắc xa lơ mà gần gũi. Chúng không phải là quá khứ mà là hiện tại. Một quá khứ sống trong hiện tại, làm nền cho hiện tại. Quá khứ ấy là cái nền văn hoá quý báu mà cha ông để lại cho muôn đời con cháu. Tiếc thay, do còn mải miết lo cơm áo đời thường trong cơn lốc kiếm sống, do trăm ngàn lý do có thể biện minh được, chính đáng và chưa chính đáng, có lúc ta đã thờ ơ, sao nhãng với chèo...

Mang tâm trạng cuả người quê chèo, cả gia đình tôi hồi hộp đến Nhà hát Bến Thành xem chương trình biểu diễn cuả Đoàn nghệ thuật chèo Nam Định, lòng những mong tìm lại được một mảnh hồn quê. Tôi nhìn nhanh khắp một lượt các hàng ghế đã chật cứng người trong nhà hát. Các cụ già tóc phơ phơ bạc đang chụm đầu ôn cố tri tân. Nhiều gia đình, như gia đình tôi chẳng hạn, có tới bốn thế hệ đi xem. Tôi còn nhận ra mấy người bạn quê ở Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Đông, Hà Nam... nghe tiếng cũng đến xem chèo. Hình như ai cũng náo nức chờ đợi tấm màn nhung đỏ từ từ kéo lên trong những âm thanh rộn rã cuả tiếng trống chèo, tiếng réo rắt cuả đàn, cuả nhị... Rồi trên nền tấm phông cuả sân khấu nhà hát bừng hiện lên hình ảnh ngọn tháp đang họa thơ vào trời xanh chùa Phổ Minh, ngôi chuà nằm trong quần thể kiến trúc thời nhà Trần oanh liệt, biểu tượng cuả Nam Định. Vùng quê chèo ven sông Hồng như vỗ sóng trong tâm hồn những người con xa xứ. Mười bốn diễn viên nam nữ vào đêm diễn với bài dân ca Nam Định nổi tiếng, bài Mời Trầu, có nơi còn gọi là Mời Duyên... Những lời hát: “Trầu này trầu nghĩa trầu tình - Cho môi ai thắm, cho mình nhớ ai...”, đẩy đưa theo từng ánh mắt lúng la lúng liếng làm duyên, như uốn lượn theo từng bước đi, điệu muá. Nghe tình quê da diết trong những âm vực cao vút và uyển chuyển, lúc mau, lúc thưa, tôi nhắm nghiền hai mắt lại. Đồng quê, thôn nữ, giậu mồng tơi trong thơ Nguyễn Bính, phiên chợ Tết đầy màu sắc quê nhà trong thơ Đoàn Văn Cừ...hình như đều chắt ra từ văn hoá chèo? Và đâu đây còn vẳng vẳng những khúc nhạc Văn Cao, Đặng Thế Phong... Những khúc vui buồn, bi thương, hùng tráng. Và còn bao nhiêu giọng điệu, xưa như Không Lộ, Trần Nhân Tông... nay như Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo... Họ như bước ra từ chèo. Đi theo làn điệu đa dạng và phong phú. Nói và hát. Say mê và sáng tạo. Tự sự hay trữ tình... Thì đấy, một nét tươi vui, hóm hỉnh, hoặc cay độc đến mất lòng, chẳng từ chèo mà ra cả đấy ư? Cũng phải thôi, đất chèo đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học... bằng dòng sữa nhân aí đầy chất thơ cuả mình. Dòng suy tưởng cuả tôi chưa dứt thì Bích Thục, một trong sáu cô tiên cuả đoàn chèo Nam Định đã bưng cơi trầu tới trước mặt, vừa hát, vừa đưa cho tôi một miếng trầu cay. Tôi nhận miếng trầu và tỏ ý muốn tặng cho cô một bài thơ tôi viết đã hai mươi bảy năm mà chưa biết tặng ai. Nghe tôi đọc đến khổ thơ: “Lúng liếng là lúng liếng ơi - Câu hát một thời gái trai đung đưa mắt - Như vôi nồng têm vào trầu cay cau chát - Câu hát say lòng xui em đến cùng tôi...”, cô cười, bảo: “Hình như những câu thơ này anh làm giúp anh Hạnh”. Hạnh đang chơi đàn nhị, nhìn theo từng bước đi cuả người vợ, mỉm cười khích lệ. Tôi rất thích các trích đoạn Thị Mầu Lên Chuà, Lý Trưởng Và Mẹ Đốp, Vợ Chồng ng Chài rút ra từ các tích chèo nổi tiếng. Những trích đoạn mang hồn chèo, nói lên cái sinh lực dồi dào cuả người lao động trong các quan hệ ứng xử rất nhân bản giữa người và người bằng nhiều miếng diễn tài hoa... Tôi còn nhớ như in, ở đoạn Thị Mầu lên chuà có tất cả mười chín lời thoại, trong đó Thị Mầu có mười lời, tám tiếng đế và chỉ có duy nhất một lời cuả Thị Kính (tức tiểu Kính Tâm). Chẳng phải ngẫu nhiên mà chỉ trong mười lần hát nói, Thị Mầu mười hai lần nói lẳng. Tôi nói là mười hai vì ở lời thoại thứ hai và thứ tám, xen vào múa và hát cắm giá hay nói thường, Thị Mầu vẫn nói lẳng. Theo tính ước lệ, nói lẳng (nói lệch) là cách nói của các nhân vật có tính thích bỡn cợt, lẳng lơ, nhiều khi bộc lộ một quan niệm sống phóng khoáng, vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến cuả người bình dân xưa. Cùng với ánh mắt, những cử chỉ õng ẹo, những động tác di chuyển ngang kết hợp với tư thế lắc hông đầy gợi cảm, nhân vật Thị Mầu (doThanh Vân sắm vai) đã làm náo loạn cả sân chèo, làm người xem ngây ngất bởi vẻ đẹp cuả cuộc sống dồi dào sinh lực cuả người bình dân xưa trên dải đất ven sông Hồng. Nét đặc sắc Thị Mầu này - nhân vật nói lẳng hay nhất trong chèo cổ - quả thật, cho đến đêm hôm nay tôi mới được nghe trọn vẹn. Nghe và lòng lâng lâng sung sướng. Chèo đâu có phụ ta khi ta dốc hết lòng mình vào công việc làm sống lại một cách trung thành và sáng tạo những di sản văn hoá vô giá cuả cha ông?

Đêm chèo Nam Định khép lại với tiết mục Ba Giá Đồng trong Tứ phủ. Thu Hương một lúc thủ cả ba vai diễn: đồng cô, đồng cậu, đồng bà. Bốn cô gái hầu đồng. Chín chàng trai trong vai cung văn... Điều đáng nói là tiết mục này là một sáng tạo khá táo bạo cuả trưởng đoàn Lê Công Trí. Mượn chất liệu dân gian cuả lên đồng có tính chất tôn giáo trong các lễ hội Phủ Giầy, Đền Trần, Cổ Lễ, chuà Bi... anh Trí đã dàn dựng được một tiết mục lạ. Người dàn dựng và biểu diễn đã khéo lấy được cái không khí thiêng liêng cuả lễ hội tôn giáo để lồng vào đó những nội dung văn nghệ mới khoẻ khoắn và sinh động. Kết hợp với lối diễn giao lưu giữa diễn viên với khán giả, khán giả với diễn viên, sức lôi cuốn cuả tiết mục đạt được hiệu quả nghệ thuật ngoài sự mong muốn cuả đoàn.

Có lẽ vì thế chăng, mà khi Thu Hương, đầu đội mâm oản ngũ sắc, đi xuống từng hàng ghế biếu mọi người, nhận được một phẩm oản cô diễn viên trẻ trao cho, một cụ già ngồi gần tôi đã rơm rớm lệ, vội lấy khăn tay ra chấm chấm mắt? Cảm xúc ấy lan qua tôi rất nhanh. Tôi bỗng cảm thấy như đang được sống trong những ngày xưa xa, ngày sân chèo như có vẻ hơi chao nghiêng...