Ði đã “mười mấy năm trời”, hứng gió phơi sương đã “nửa đời”… Nhưng năm 1940 Nguyễn Bính mới có 22 tuổi! Lại còn chuyện “Mẹ ơi, đừng bán cây lê con trồng…” khi mẹ đã mất chỉ mấy tháng sau khi sinh nhà thơ! Thôi, ta cứ theo văn bản mà bàn. Lớn thế, mà còn... nũng nịu! Ấy, với “thày mẹ tôi” thì dù đi gần hết đời, “tôi” vẫn cứ còn “bé bỏng”, tội nghiệp. “Mẹ cha thì nhớ thương mình / Mình đi thương nhớ người tình xa xôi...”! Lại ấy! Không phải Bính không nhớ thương cha mẹ đâu. Chẳng qua một đằng Bính thường giữ kín trong lòng, còn đằng kia Bính luôn để cho tha hồ trào ra thành thơ. “Một mai những tưởng cơ đồ làm nên”... Ấy lần chót. Nhà cao cửa rộng, thóc đầy kho, tiền chật tủ Bính quả không “làm nên”, nhưng tưởng cái sự nghiệp thơ của “đồng kẽm ngang đường bỏ rơi”, của “người con hư”, thì đã làm vẻ vang cho “thày mẹ” hơn bất cứ thứ cơ đồ vật chất nào. Công đẻ đứa con này thật không phải tiếc.

(Thu Tứ)



Nguyễn Bính, “Thư gửi thày mẹ”




Ai về làng cũ hôm nay
Thư này đưa hộ cho thày mẹ tôi
Con đi mười mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương
Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thày mẹ ơi! Thày mẹ ơi!
Tiếc công thày mẹ đẻ người con hư!
Con đi năm ấy tháng tư
Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba
Con đi quạnh cửa quạnh nhà
Cha già đập lúa, mẹ già giũ rơm
Cha dậm gạo, mẹ thổi cơm
Có con con vắng ai làm thay cho
Con dan díu nợ giang hồ
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên
Ai ngờ ngày tháng lưu niên
Ðã không gọi chút báo đền dưỡng sinh
Lại mang ân ái vào mình
Cái yêu làm tội làm tình cái thân
Bó tay như kẻ hàng thần
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành
Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi...
Ở thư này thày mẹ ơi!
Nhận cho con lấy vài lời kính thăm
Xin thày mẹ cứ yên tâm
Ðừng thương nhớ, một vài năm con về
Thày ơi, đừng chặt vườn chè
Mẹ ơi, đừng bán cây lê con trồng...
Nhớ thương thày mẹ khôn cùng
Lạy thày, lạy mẹ thấu lòng cho con.