Hoài Thanh bảo về thể cách Thơ Mới chỉ là thơ cũ “giãn”, “nới” và sửa lại cho “mềm mại hơn”. Theo ông, cũ và Mới khác nhau chủ yếu ở tinh thần: thơ cũ chứa ta, thơ Mới chứa tôi.

Có thể thấy tại sao tinh thần ấy dẫn đến thể cách ấy:

“Ta” tuy là tất cả nhưng không “to”, chỉ “tôi” một mình mới “to”! Vì “tôi” to nên thơ chứa “tôi” cũng phải “giãn”, “nới” cho to!

Rồi vì “tôi” vô số mà mỗi “tôi” lại khi này khi khác, thơ chứa “tôi” phải có vỏ mềm, thay hình đổi dạng được, thì mới vừa vặn!

(Thu Tứ)



Hoài Thanh, “Thơ Mới là thơ cũ làm mới”



Ta hãy định nghĩa thế nào là thơ mới (...)

Phong trào thơ mới trước hết là một cuộc thí nghiệm táo bạo (...) Cuộc thí nghiệm bây giờ đã tạm xong. Và đây là những kết quả:

Thể Ðường luật vừa động đến là tan (...)

Thất ngôn và ngũ ngôn rất thịnh. Không hẳn là cổ phong. Cổ phong ngày xưa đã thúc lại thành Ðường luật. Thất ngôn và ngũ ngôn bây giờ lại do luật Ðường giãn và nới ra. Cho nên êm tai hơn. Cũng có lẽ vì nó ưa vần bằng hơn vần trắc.

Ca trù biến thành thơ tám chữ (...) Yêu vận mất. Phần nhiều vần liên châu.

Lục bát vẫn được trân trọng (...) Song thất lục bát cơ hồ chết, không hiểu vì sao.

Thơ bốn chữ trước chỉ thấy trong những bài vè, nay cất lên hàng những thể thơ nghiêm chỉnh.

Lục ngôn thể trước chỉ thấy trong Bạch vân thi tập thỉnh thoảng cũng được dùng.

Từ khúc (...) hồi đầu người ta toan đưa làm thể chính thức của thơ mới, đã chết dần cùng với thơ tự do.

Luật đổi thanh rất tự nhiên trong thơ Việt vẫn chi phối hết thảy các thể thơ.

Nói tóm lại, phong trào thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó sẽ thêm bền vững. Hẳn tương lai còn dành nhiều vinh quang cho những khuôn phép này. Nó đã qua được một cơn sóng gió dữ dội trong khi các khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, thơ mười hai chữ, hay đương sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp (...)

Mặc dầu các lối thơ thông dụng đời nay chỉ là những lối thơ xưa phục hưng, nó vẫn mới như thường.

Huống chi ta đã thấy những lối thơ xưa phục hưng đều có biến thể ít nhiều. Nó mềm mại hơn. Nhạc điệu câu thơ cũng khác. Vì những chỗ ngắt hơi không nhất định. Nhất là vì cái lối dùng chữ rớt đã được nhập tịch đường hoàng.

"Hôm nay tôi đã chết trong người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi" (Xuân Diệu) (...)

Bây giờ hãy đi tìm cái điều ta cho là quan trọng hơn: tinh thần thơ mới (...)

Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gồm lại trong hai chữ tôita. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi (...)


(Hoài Thanh,
Thi nhân Việt Nam, in lần đầu ở Hà Nội năm 1942, nxb. Hoa Tiên tái bản ở Sài Gòn năm 1967, tr. 46-51)







_______________________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.