Nhắc hồ Tây, Tô Hoài nhớ “làn nước bao giờ cũng mênh mang ra ngoài những áng văn tôi đã thấy”, nhớ “sương mù dịu dàng mùa thu”, nhớ “những đợt sóng oàm oạp lên cao ngang tầm mắt”, nhớ “cá úi” trong đêm, nhớ “những đàn sâm cầm bay như trấu vãi ngang trời”, nhớ “ngồi thuyền đêm vào hồ, giữa mênh mông trời nước mà như chỉ thấy hư không”...

Nhớ nhiều cái thế, mà ông quên cái “chiều trời bảng lảng” (1) trên Tây Hồ nhỉ. Cũng trời chiều ấy, vẫn Hà Nội, đứng ở nơi khác mà nhìn, thấy khác. Hẳn "làn nước bao giờ cũng mênh mang" dưới thấp có làm nổi bật “bóng hoàng hôn” sừng sững trên cao...

Hồ Tây thời Nguyễn Huy Lượng “lạ thay”. Thời Tô Hoài vẫn còn lạ. Hồi năm 1991, về Hà Nội lần đầu, ra hồ lần đầu, cũng thấy hồ lạ. Từ đó, mỗi vài năm lại về, mỗi thấy hồ bớt lạ, vì bờ hồ cứ thêm và thêm những thứ nhà cửa xấu xí rất quen! Ðến năm 2010, Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi, về đứng bờ hồ, cứ ngước mãi mặt lên, để tránh thấy cái viền giờ rất khó coi của “một vũng tang thương”(1).

(Thu Tứ)

(1) “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn” (trong bài Chiều Hôm Nhớ Nhà của Bà Huyện Thanh Quan).
(2) “Một vũng tang thương nước lộn trời” (trong bài Chơi Ðền Khán Xuân của Hồ Xuân Hương).




Tô Hoài, “Lạ thay hồ Tây!”




Lạ thay cảnh Tây Hồ! Lạ thay cảnh Tây Hồ! Chương lĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn đã ngạc nhiên kêu lên như thế.

Không bao giờ, biết ai mà có thể nói hết được về cái đẹp hồ Tây - tôi ngỡ thế (...) vùng nước mênh mang, mà sóng nổi, mà sương mù dịu dàng mùa thu bao phủ. Ai thiết tha với Hà Nội mà không bồi hồi, mỗi lần đến với hồ lại thấy mình như có lỗi với chính mình. Những điều đã trông thấy mà nghĩ lại thật cũng chưa thấm vào đâu... Lạ thay cảnh Tây Hồ... (...)

Hồ Tây trước mặt tôi kia dường như làn nước bao giờ cũng mênh mang ra ngoài những áng văn tôi đã thấy. Mùa đông xám ngắt đã về rồi, từng đàn bồ nông, những le le, vịt trời, những đàn sâm cầm bay như trấu vãi ngang trời (...)

Gió to quá. Sóng vỗ giữa đường Cổ Ngư. Rét cong người (...) kìa, những đợt sóng oàm oạp lên cao ngang tầm mắt (...)

Khi bắt đầu tan sương (...) mặt hồ rộn lên tiếng gõ đuổi cá. Tiếng vang đưa lại từ những bến nước sâu dưới gốc vối, gốc sung ở Nghi Tàm, Quảng Bá. Ðáy hồ Tây nghiêng, không phẳng, rốn hồ chếch về phía bắc. Các bến từ Yên Phụ lên, chỉ một bước chân đã ngập đầu (...) Tiếng gõ trên thuyền đuổi cá, dồn cá cứ chập chờn lộng xuống mặt nước từ sang canh (...)

Những tiếng khuấy động lạ lùng, có khi nổi ngay trong đêm. Có lẽ trở trời, có lẽ cá úi (...)

Ngồi thuyền đêm vào hồ, giữa mênh mông trời nước mà như chỉ thấy hư không (...) vẳng xa một tiếng chuông chùa. Chùa Bà Sách hay chùa Thiên Niên, hay tiếng chuông đeo cổ con trâu vàng lạc dưới âm phủ nhô lên trong lòng hồ (...)

Đêm mùa hạ lồng lộng, khắp Tây Hồ ngợp mùi sen. Những ngôi sao lung linh sa xuống đầu. Đẹp quá (...)

lúc nào bóng nước hồ Tây cũng đằm một ý nghĩ sâu thẳm (...)


(Trích Tô Hoài,
Bút ký, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2000, tr. 190-198. Nhan đề phần trích tạm đặt.)