Sau đây là phát biểu hết sức đáng chú ý của một nhà nghiên cứu Tây phương.

Năm 1971 Wilhelm G. Solheim II đề xuất:

- Ðông Nam Á cổ (rộng đến tận phía bắc sông Dương Tử và đến một phần Ấn-độ) là nơi mà nhân loại đã đi những bước lớn đầu tiên hướng về văn minh, như: mài đá, thuần hóa thực vật, phát minh ra đồ gốm, phát minh ra đồ đồng.

- Chính Ðông Nam Á cổ đã truyền nhiều phát minh kỹ thuật lên phía bắc, chứ không phải ngược lại.

Bốn mươi năm đã trôi qua. Trong bốn mươi năm ấy, không có thêm nhiều bằng chứng khảo cổ như Solheim mong ước. Không phải vì tìm kỹ mà không thấy. Mà vì ý kiến của ông không làm người Tây phương thích thú. Không ai chịu bỏ tiền ra giúp khám phá thêm những bằng chứng làm vẻ vang giống khác! Tây không thích, Tàu cũng không thích, vì thuyết Solheim bảo Tàu học của phương nam. Nhà nước Trung Quốc đời nào chịu khuyến khích tìm kiếm thêm di vật để củng cố thuyết “phản động”.

Tây, Tàu đều làm lơ, chỉ người Ðông Nam Á xôn xao, nhưng anh em ta nói chung còn nghèo lắm, tiền đâu bỏ ra để khai với quật cho to tát mà mong thấy chứng kia tích nọ. Ðã không có tiền đào đất, đất lại đang bị nhà mới xưởng mới đường mới tới tấp phủ lên! Hơn nữa, cái đất cũ của ta một phần không nhỏ từ lâu đã thành đáy biển. Ðào đất khô đã khó, lặn xuống đáy biển mà đào còn khó đến chừng nào!

Ðiều kiện tự nhiên ở Ðông Nam Á rất bất lợi cho sự tồn tại của cổ vật. E rằng đến khi ta đủ giàu để tìm thì “cứt trâu” đã hóa “bùn” rồi. Sốt ruột không biết bao nhiêu, mà đành bó tay.

(Thu Tứ)



Solheim II, Wilhelm G., “Ánh sáng mới trên một quá khứ bị lãng quên”


(Nhan đề đầy đủ của bản dịch này là Ánh Sáng Mới Trên Một Quá Khứ Bị Lãng Quên. Nguyên tác viết bằng tiếng Anh, nhan đề
New Light On A Forgotten Past, do Wilhelm G. Solheim II, cố giáo sư khoa Nhân chủng ở Đại học Hawaii (Mỹ), đăng trên tạp chí National Geographic (Mỹ), số tháng 3-1971. Thu Tứ dịch.)


Trong thập kỷ qua thế giới đã chú ý đến Ðông Nam Á (ÐNÁ), nhưng nguyên nhân là chiến tranh. Bản chất dữ dội của những biến cố quân sự đã làm lu mờ một số khám phá đáng kinh ngạc về cổ sử và tiền sử của các cư dân trên vùng đất ấy. Nhưng về lâu dài những khám phá này, chủ yếu là bằng chứng khảo cổ, sẽ ảnh hưởng - có lẽ ảnh hưởng quan trọng hơn cả cuộc chiến tranh hiện nay hay hậu quả của nó - đến cái lối chúng ta nghĩ về đất và người ở ÐNÁ, và cái lối người ÐNÁ nghĩ về chính họ.

Ngay vị trí và vai trò của người Tây phương trong quá trình tiến hóa chung của nhân loại cũng có thể bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì những tín hiệu mạnh mẽ với ý nghĩa rõ ràng đang xuất hiện cho thấy một số bước tiến sớm nhất hướng về văn minh chính đã xảy ra ở ÐNÁ.

Con người trồng trọt và đúc đồng đầu tiên ở đâu?

Sử học Tây phương lập thuyết rằng cái gọi là văn minh đã bắt rễ ở khu vực Lưỡi Liềm Màu Mỡ (Fertile Crescent) thuộc Cận Ðông, hoặc trong những vùng đồi lân cận. Chúng ta từ lâu quen nghĩ rằng ở nơi ấy người cổ sơ đã phát triển nông nghiệp và phát minh ra đồ gốm và đồ đồng. Khoa khảo cổ đã ủng hộ thuyết này, một phần vì khu vực Lưỡi Liềm Màu Mỡ đã được các nhà khảo cổ tập trung đào xới kỹ nhất.

Hiện nay, tuy nhiên, những khám phá ở Ðông Nam Á đang bắt chúng ta phải duyệt xét lại hướng nghĩ truyền thống nói trên. Hiện vật đào được và đã phân tích trong năm năm qua gợi ý con người nơi ấy đã trồng trọt, làm đồ gốm, đúc đồ đồng sớm như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Bằng chứng xuất hiện từ những địa điểm khảo cổ ở đông bắc và tây bắc Thái Lan, từ những cuộc khai quật ở Ðài Loan, Bắc và Nam Việt Nam, một số vùng khác ở Thái Lan, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, và cả từ bắc Úc.

Hiện vật đã tìm được và định tuổi bằng phương pháp Carbon 14 là di vật văn hóa của những người mà tổ tiên rất có thể đã biết trồng trọt, biết chế tác đồ đá mài và biết làm đồ gốm hàng ngàn năm trước nhân loại ở Cận Ðông, Ấn Ðộ, hay Trung Quốc.

Tại một địa điểm ở bắc Thái Lan, đồ đồng đã được đúc bằng khuôn kép trước năm -2300 khá xa - có lẽ trước cả năm -3000. Như vậy là sớm hơn ở Ấn Ðộ hay Trung Quốc nhiều, có thể sớm hơn cả ở Cận Ðông, nơi mà cho đến bây giờ đa số chuyên gia vẫn tưởng là nơi đầu tiên khởi sự làm đồ đồng.

Người ta có thể thắc mắc: Nếu quả thực ÐNÁ có vai trò quan trọng như thế trong thời tiền sử, tại sao trước giờ không ai biết?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính đơn giản là đã có rất ít nỗ lực khảo cổ ở ÐNÁ trước 1950. Ngay bây giờ, công tác khảo cổ cũng chỉ xem như mới bắt đầu. Bộ máy cai trị thuộc địa trước kia không đặt ưu tiên cho việc nghiên cứu tiền sử, mà trong số những người tiến hành nghiên cứu lại rất ít người có căn bản chuyên môn chắc chắn. Tất cả các bản báo cáo hiện trường xuất bản trước thập kỷ 1950 đều không chấp nhận được xét theo tiêu chuẩn hiện đại.

Thứ hai, tất cả những gì mà các nhà nghiên cứu thời ấy khám phá đều được diễn dịch từ quan điểm văn hóa luôn chảy từ tây sang đông và từ bắc xuống nam. Họ lập thuyết rằng văn minh hé mở ở Cận Ðông, mãn khai ở Lưỡng Hà và Ai Cập, và sau đó ở Hy Lạp và La Mã. Văn minh cũng đông tiến sang Ấn Ðộ và Trung Quốc. Do ở xa “gốc”, ÐNÁ “tự nhiên” phải chậm được khai hóa hơn.

Người Âu gặp văn hóa cao ở Ấn Ðộ và Trung Quốc. Khi họ thấy về cấu trúc xã hội và về nếp sống của tầng lớp trưởng giả, giữa hai nước này với các nước ở ÐNÁ có một số nét tương đồng, họ tưởng rằng văn hóa ÐNÁ chẳng qua là ảnh hưởng Ấn, Hoa. Cái tên họ đặt cho vùng ĐNÁ - Indochina - phản ánh rõ ràng nhận định ấy.

Những dân tộc di cư và “những lớp sóng văn hóa”

Cho mục đích nghiên cứu tiền sử, cái mà chúng ta quen nghĩ là ÐNÁ cần được mở rộng để bao gồm đủ những nền văn hóa có liên hệ với nhau. ÐNÁ tiền sử, theo cách dùng của tôi, gồm hai phần. Phần thứ nhất là “ÐNÁ lục địa”, theo hướng nam bắc kéo dài từ dãy núi Tần Lĩnh (1) phía bắc sông Dương Tử bên Trung Quốc xuống đến Xin-ga-po, và theo hướng đông tây từ Nam Hải xuyên qua Miến Ðiện vào đến tận tỉnh Assam của Ấn Ðộ. Phần thứ hai, “ÐNÁ hải đảo”, là một cánh cung bắt đầu từ nhóm đảo Andaman phía nam Miến vòng qua tận Ðài Loan, bao gồm cả Nam Dương lẫn Phi Luật Tân. (Xem các phụ trương “Châu Á” và “Các dân tộc ở ÐNÁ lục địa”, kèm theo với số báo này.)

Robert Heine-Geldern, một nhà nhân chủng học người Áo, năm 1932 đã đưa ra một cách nhìn rồi trở thành quan điểm chủ đạo (ở Tây phương) về tiền sử ÐNÁ. Ông phác họa hình ảnh lớp lớp “sóng văn hóa” - tức những đợt di cư - tràn xuống ÐNÁ mang theo tổ tiên của những cư dân chính ở đấy ngày nay.

Ðợt sóng quan trọng nhất - gồm những người chế ra một thứ dụng cụ bằng đá hình chữ nhật gọi là cái adz (2) - từ bắc Trung Quốc đổ xuống ÐNÁ rồi lan ra bán đảo Mã Lai, các đảo Sumatra và Java, rồi lan đến Borneo, Phi Luật Tân, Ðài Loan, và Nhật.

Sau đó, Heine-Geldern tìm cách giải thích thời đại đồ đồng ở ÐNÁ. Ông lập thuyết rằng ÐNÁ biết đến đồng là nhờ một đợt di cư từ phía đông châu Âu khoảng năm -1000. Ông tin rằng những người Âu này di cư về hướng đông và hướng nam, vào Trung Quốc trong thời Tây Chu (năm -1122 đến năm -771). Ngoài kỹ thuật đồng, họ còn mang theo một phong cách nghệ thuật mới. Trên đồ đồng của họ có văn hình học, văn xoắn ốc, tam giác, chữ nhật, có vẽ cảnh, người, thú.

Về chuyện xảy ra ở Đông Nam Á, Heine-Geldern và Bernhard Karlgren (một học giả Thụy Ðiển) đề xuất những di dân nói trên chính là chủ nhân của văn hóa Ðông Sơn, một văn hóa khảo cổ mang tên địa điểm ở Bắc Việt Nam phía nam Hà Nội nơi người ta đã tìm được nhiều trống đồng lớn và một số di vật khác. Cả hai cảm thấy rằng chính những người Ðông Sơn này đã mang đồng và phong cách văn hình học xuống ÐNÁ.

Các nhà tiền sử học, cơ bản, đã chấp nhận thuyết Heine-Geldern, mặc dù có một số sự kiện bất ổn. Chẳng hạn, một vài nhà thực vật học chuyên tìm hiểu nguồn gốc của các giống cây thuần hóa đã cảnh giác rằng ÐNÁ dường như là một trung tâm thuần hóa cây hết sức lâu đời.

Năm 1952 địa lý gia Mỹ Carl Sauer đi xa hơn nữa. Ông lập thuyết hẳn rằng việc thuần hóa thực vật chính khởi sự ở ÐNÁ. Ông đoán tác giả của sáng kiến là những người đã ở trên đất ấy từ trước thời Ðông Sơn rất lâu, là chủ của nền văn hóa sơ khai gọi là văn hóa Hòa Bình. Các chuyên gia khảo cổ không dễ dàng chấp nhận ý kiến của Sauer.

Ðập làm tình hình thêm khẩn trương

Sự hiện hữu của văn hóa Hòa Bình đã được đề xuất từ những năm 1920, do Madeleine Colani, một học giả Pháp chuyển từ nghiên cứu thực vật qua cổ sinh học (paleontology) qua ngành khảo cổ. Bà nảy ra ý đó sau khi xem xét nhiều địa điểm cư trú trong vùng núi đá ở Bắc Việt Nam, địa điểm đầu tiên tìm thấy gần làng Hòa Bình.

Hiện vật điển hình ở những nơi cư trú này gồm những dụng cụ đá hình bầu dục, tròn, hay gần như tam giác chỉ đẽo một mặt, mặt kia để nguyên. Tại đa số hiện trường có tìm được những hòn đá mài gọn nhỏ và nhiều mảnh đá. Những lớp trên thường chứa đồ gốm và một ít đồ đá loại khác, lưỡi được mài bén. Thường gặp xương thú và rất nhiều vỏ nhuyễn thể.

Các nhà khảo cổ thời ấy cho rằng những đồ gốm gặp ở đây chỉ ngẫu nhiên mà nằm chung với đồ đá Hòa Bình và đã do những cư dân tiến bộ hơn sống gần bên chế tạo, có thể là những người làm ruộng xuống từ phương bắc. Họ cũng cho rằng chuyện biết mài lưỡi đồ đá cũng chỉ là học lại của ngoại nhân. Nhưng rốt cục không ai tìm ra được một chút vết tích nào của những bắc nhân làm ruộng tiến bộ ấy.

Năm 1963 tôi có tổ chức một cuộc thám hiểm chung giữa Bộ Mỹ Thuật Thái Lan (3) và Ðại học Hawaii để làm công tác khảo cổ “vớt” (4) ở một số vùng sắp bị ngập lụt do đập mới xây trên sông Mê Kông và phụ lưu. Chúng tôi định sẽ khởi sự ở phía bắc Thái, nơi những đập đầu tiên đang được xây.

Chưa ai từng khảo tiền sử vùng này cách có hệ thống. Tôi cảm thấy cần tiến hành khai quật thật gấp trước khi nước dâng làm biến đi hầu hết vết tích.

Nhiều ngạc nhiên từ một gò đất khiêm tốn

Trong đợt công tác đầu tiên chúng tôi phát hiện được hơn hai mươi địa điểm; trong đợt hai chúng tôi đào xới một vài chỗ và xem xét thêm một số chỗ khác; và trong năm 1965-66 chúng tôi tiến hành khai quật lớn ở Non Nok Tha. Mặc dù tuổi C14 của di vật không hoàn toàn chắc chắn, nơi đây rất có vẻ là nơi đã có nhiều lớp người cư trú (với vài gián đoạn) bắt đầu từ trước năm -3500 rất xa.

Non Nok Tha là một gò đất rộng chừng sáu mẫu tây, cao hơn mặt ruộng xung quanh không đến 1m80. Trong thời gian công tác, chúng tôi sống trong Bản Na Di, một làng Thái - Lào cách đấy khoảng hai trăm mét.

(...) (5)

Ý nghĩa của những cuộc đào xới ấy - đến nay tiến hành đã sang năm thứ bảy - thật đáng kinh ngạc, dù chỉ hiện ra dần dần theo kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm của chúng tôi ở Honolulu. Sau khi nhận được tuổi C14 của di vật, chúng tôi mới bắt đầu nhận ra Non Nok Tha là một địa điểm khảo cổ hết sức độc đáo.

Trong một mảnh gốm vỡ nhỏ hơn một đốt vuông, chúng tôi thấy vết hằn của vỏ một hạt gạo, Oryza sativa. Căn cứ vào niên đại C14 của di vật trong một lớp đất bên trên lớp chứa mảnh gốm, chúng tôi biết rằng nó - và hạt gạo - có tuổi trễ nhất là năm -3500. Tức một nghìn năm xưa hơn tuổi gạo ở Ấn Ðộ hay Trung Quốc - nơi một số nhà khảo cổ vẫn tin đã sáng kiến việc thuần hóa loài thực vật này.

Căn cứ vào niên đại C14 của than, chúng tôi biết rằng rìu đồng, đúc bằng khuôn sa thạch hai mang, đã được chế tạo ở Non Nok Tha sớm hơn năm -2300 rất nhiều - có lẽ trước cả năm -3000. Tức sớm hơn ở Ấn Ðộ ít nhất 500 năm, và sớm hơn ở Trung Quốc cả ngàn năm. Có thể sớm hơn cả tại những địa điểm Cận Ðông, nơi từ lâu vẫn được xem là cái nôi của đồ đồng.

Những cái khuôn chữ nhật chúng tôi tìm được ở Non Nok Tha đều có đủ hai mảnh, cho thấy chúng vốn ở tại chỗ, chứ không phải bị thất lạc hay bị vất đi. Căn cứ thêm vào những nồi nấu còn nguyên hoặc đã vỡ thu lượm được, và rất nhiều xỉ đồng rơi rớt xung quanh, chúng tôi hoàn toàn chắc chắn đã khám phá được một khu vực đúc đồng, hay cụ thể hơn, một xưởng chế tác rìu đồng tiền sử.

Có di tích gia súc xen lẫn vào những mộ sớm ở Non Nok Tha. Chúng tôi phỏng đoán đây là những con thú đã thuần hóa rất giống con zebu (Bos indicus). Nếu thế đây là bằng chứng thuần hóa gia súc sớm nhất ở phía đông châu Á.

Chester Gorman, một sinh viên của tôi ở Ðại học Hawaii, là người đã phát hiện ra Non Nok Tha, nhờ tìm thấy những mảnh nồi ở gò. Năm 1965 anh trở lại Thái Lan để nghiên cứu cho luận án tiến sĩ. Anh muốn có dịp đánh giá đề xuất của Carl Sauer và một số người khác về việc người Hòa Bình đã thuần hóa thực vật. Tại cực bắc Thái, gần biên giới Miến Ðiện, Gorman phát hiện Ðộng Ma (Spirit Cave) - cùng với thứ bằng chứng mà anh đang đi tìm.

Ðộng Ma cung cấp số liệu bất ngờ

Ðộng nằm cao trên một vách núi đá vôi nhìn xuống một dòng suối rốt cục chảy vào sông Salween bên Miến Ðiện. Nơi đây dường như từng được dùng vào việc chôn cất, do đấy mà có danh xưng.

Khi đào xới nền, Gorman tìm được một số di tích thực vật đã hóa than, gồm hai vật chắc là bean, một vật có lẽ là pea (6), một loại Chinese water chestnut, một loại tiêu, và một số mảnh bầu nậm và dưa leo, tất cả nằm chung với những dụng cụ đá Hòa Bình điển hình.

Các di tích xương thú, chặt thành miếng nhỏ nhưng thường không cháy, gợi ý người ăn thịt đã không nướng mà nấu, có lẽ trong một thứ đồ đựng bằng tre, như hiện nay vẫn còn sử dụng ở ÐNÁ.

Một loạt tuổi C14 của các di vật nơi đây cho thấy tầm niên đại từ năm -6000 ngược về năm -9700; có những di vật xưa hơn nữa, nằm trong những lớp dưới, chưa định tuổi. Vào khoảng năm -6600, bắt đầu thấy xuất hiện những món khác lạ. Gồm đồ gốm cầu kỳ, được đánh bóng, khắc vạch, ấn văn thừng, dụng cụ đá có mài hình chữ nhật, và dao mảnh đá nhỏ. Ðồ đá Hòa Bình và di tích thực vật vẫn tồn tại bên cạnh những thứ mới vừa kể.

Những hiện vật ở Ðộng Ma có thể xem là bằng chứng sơ bộ cho thuyết Carl Sauer, trong khi các cuộc thám hiểm khác đang khám phá thêm nhiều vết tích của một nền văn hóa Hòa Bình phức tạp và phân bố rộng rãi. U Ang Thaw, giám đốc Sở Khảo Cổ Miến Ðiện, năm 1969 có phát hiện được một địa điểm Hòa Bình đáng chú ý trong khu hang động Padah-lin ở đông Miến. Tại đây, ngoài những di vật khác, còn thấy nhiều bức họa trên vách hang. Về phía tây, Padah-lin đánh dấu ranh giới hiện biết của văn hóa Hòa Bình.

Ở Ðài Loan, kết quả khai quật trong một cuộc thám hiểm chung giữa Ðại học Quốc Gia Ðài Loan và Ðại học Yale (Mỹ), do giáo sư Kwang-chih của Ðại học Yale dẫn đầu, đã chứng tỏ trước năm -2500 trên hòn đảo này đã từng tồn tại lâu dài một nền văn hóa có gốm khắc vạch, gốm văn thừng, có dụng cụ đá mài láng, có mũi nhọn bằng đá phiến mài láng (polished slate points).

Những mảnh cắt rời đang bắt đầu ráp lại

Trên cơ sở những tư liệu tôi vừa tóm tắt, và những tư liệu khác, có lẽ quan trọng không kém, mà tôi không nhắc đến, thật thú vị khi thử phỏng đoán một ngày nào đó tiền sử ÐNÁ sẽ được tái tạo như thế nào. Trong một số bài báo đã xuất bản tôi đã bắt đầu cố làm việc này. Ða số ý kiến tôi đề xuất phải được xem là giả định hay phỏng đoán. Ðể chứng minh - hay bác bỏ - chúng, cần thêm rất nhiều nỗ lực nghiên cứu. Một số những ý ấy là:

- Tôi đồng ý với Sauer rằng việc thuần hóa thực vật xảy ra đầu tiên trên thế giới là do cư dân của văn hóa Hòa Bình, ở một nơi nào đó trong vùng ÐNÁ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu biến cố này có niên đại sớm hơn năm -15000.

- Tôi đề xuất rằng dụng cụ đá mài lưỡi mang niên đại sớm nhất, tìm thấy ở bắc Úc và có tuổi C14 khoảng năm -20000, là xuất phát từ văn hóa Hòa Bình.

- Tuy hiện nay niên đại gốm sớm nhất là khoảng năm -10000, căn cứ vào đồ gốm tìm thấy ở Nhật, tôi cho rằng sau khi tuổi của những địa điểm Hòa Bình có gốm văn thừng được xác định, ta sẽ thấy là cư dân của văn hóa này đã bắt đầu làm gốm trước năm -10000 rất xa, và có thể chính họ đã phát minh ra gốm.

- Thuyết cổ điển về tiền sử ÐNÁ chủ trương những di dân từ phương bắc đã đem những phát minh kỹ thuật quan trọng xuống ÐNÁ. Tôi đề xuất ngược lại, rằng nền văn hóa Ðá Mới đầu tiên ở Hoa Bắc, tức văn hóa Ngưỡng Thiều (Yang Shao), chính đã xuất phát từ một bộ phận văn hóa Hòa Bình bắc tiến từ bắc ÐNÁ trong thiên kỷ -6 hay -7.

- Tôi đề xuất rằng cái gọi là văn hóa Long Sơn (Lung Shan), vốn thường được xem là xuất phát từ văn hóa Ngưỡng Thiều rồi tỏa mạnh về đông và đông nam, thực ra đã phát triển ở Hoa Nam sau đó bắc tiến. Cả hai đều xây dựng trên cơ sở văn hóa Hòa Bình.

- Cư dân Ðông Nam Á có lẽ đã sử dụng thuyền độc mộc để đi lại trên sông từ trước thiên kỷ -5 rất xa. Có lẽ không lâu trước năm -4000, họ đã phát minh ra loại thuyền hai thân (outrigger), khó lật hơn, an toàn hơn khi đi biển. Tôi tin rằng việc thiên di ra khỏi khu vực bằng đường biển, bắt đầu khoảng năm -4000, đã ngẫu nhiên đưa họ đến Ðài Loan và Nhật, đưa vào Nhật kỹ thuật trồng khoai môn (taro) và có lẽ một số hoa màu khác.

- Vào một thời điểm nào đó trong thiên kỷ -3, những cư dân Ðông Nam Á nay đã thạo đi biển bắt đầu len lỏi vào quần đảo Nam Dương và Phi Luật Tân. Họ đem theo phong cách văn hình học - gồm những hình xoắn, hình tam giác, hình chữ nhật bố cục thành băng, dải - rất phổ biến trên đồ gốm, đồ gỗ, da xăm, vải vỏ cây, và vải dệt về sau. Ðây chính là những đồ án văn hình học thấy trên trống đồng Ðông Sơn và đã từng bị cho là có nguồn gốc đông Âu.

- Cư dân ÐNÁ cũng thiên di theo hướng tây, có lẽ đến tận Madagascar khoảng 2000 năm trước. Dường như họ đã đem vào đông Phi một số loài thực vật thuần hóa quan trọng.

- Cũng vào thời điểm nói trên, bắt đầu có giao thương giữa (đất nay là) Việt Nam và khu vực Ðịa Trung Hải, có lẽ bằng đường biển. Tại địa điểm Ðông Sơn, đã tìm thấy một số di vật đồng khác thường, rất có vẻ có nguồn gốc đông Ðịa Trung Hải.

(...) Ta xem như chưa biết gì về tiền sử của Miến Ðiện và Assam; tôi ngờ rằng hai vùng đất này có vai trò rất quan trọng trong tiền sử chung của Ðông Nam Á.

Cần hơn cả là có thêm thật nhiều chi tiết về những vùng đất nhỏ, định nghĩa được. Bằng cách tìm hiểu thật kỹ một vùng đất nhỏ, ta có thể biết văn hóa địa phương đã phát triển như thế nào, biết người nơi ấy đã thích ứng với sinh môi ra sao, từ đó có thể thấy được mối liên hệ giữa những cư dân hiện nay với cái khung tiền sử giả định (...)








___________________
Chú thích của người dịch:
(1) Nguyên văn là
Ch"in Ling. Ðiểm chính ở đây là biên giới phía bắc của ÐNÁ tiền sử lên đến tận phía bắc sông Dương Tử.
(2) Một loại cuốc nhỏ, dường như gọi là cuốc chim.
(3) Nguyên văn là
the Fine Arts Department of Thailand. Không rõ đây là cơ quan nhà nước hay là phân khoa của một trường đại học.
(4) Thuật ngữ phổ thông trong giới khảo cổ Việt Nam bây giờ là khai quật chữa cháy, tức chỉ nhằm thu thập thật nhanh được chừng nào hay chừng ấy trước khi chủ đất tiến hành xây dựng, cản trở việc đào xới.
(5) Bỏ một đoạn chỗ này vì chỉ chứa thông tin về nhân sự trong đoàn khảo cổ.
(6) Nguyên văn là:
“... two probable beans, a possible pea”. Beanpea là hai loại đậu, không rõ tiếng Việt hiện nay dịch ra sao.