Ca dao có nhiều câu về thuốc lào, như:

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.”

Tản Ðà lúc nào đó cũng viết chơi đôi câu:

“Ði ra rồi lại đi vào,
Vẩn vơ chỉ tốn thuốc lào mà thôi!”

Còn Nguyễn Tuân sang Hương Cảng đóng phim, có lúc bị thiếu thuốc lá trầm trọng, một hôm được mời thuốc lào, rít một hơi mà tai nghe tiếng điếu kêu tưởng tiếng quốc ca!

(Thu Tứ)



Đặng Xuân Viện, “Làm thuốc lào”



Cách trồng thuốc lào bắt đầu cày đất cho ải rồi vồ đập cho nhỏ, đem phân lợn trộn vào đất ấy, đánh lên thành luống, mỗi luống rộng hơn hai thước ta, cách hơn một thước trồng một cây (...) chọn mua những nhà họ gieo hột tốt, mọc thành cây hai tấc (...) mua về trồng (...) trồng tự cuối tháng chạp đợi cuối tháng giêng hay đầu tháng hai, mọc được sáu bảy lá, thời phải chăm bẻ những ngọn chánh, thời lá mới to mà dầy, sau mới được ngon thuốc. Ðến đầu tháng ba tháng tư thời phải hái lá đem về ủ, rồi lấy dao thái cho rất nhỏ (...) rắc thuốc lên (...) phên (...) đem phơi nắng (...) vừa khô thì thôi (...) phơi xong lấy gạo nếp sao cho cháy, rồi nấu cây thuốc, gạn lấy cái nước ấy hòa với gạo nếp đã sao rồi, đem đổ vào một cái ống nứa, dùi ra mấy cái lỗ nhỏ, tưới vào thuốc cho nó ẩm lại, gọi là hồ thuốc, hoặc là nấu cháo gạo nếp chắt lấy nước mà vẩy vào thuốc cũng được. Ðợi cho nó khô rồi đóng thành bánh (...) bọc bằng lá chuối nỏ, rồi đem xếp vào trong vại, nén cho rất chặt thì mới khỏi mốc, khi nào bán mới xếp sang sọt hay bồ (...)


(Đặng Xuân Viện, “Thụy Anh du ký” (1931), trong
Du ký Việt Nam (bài đăng trên tạp chí Nam Phong 1917-1934, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm), nxb. Trẻ, 2007, tập I, tr. 459-468)