“Thơ hát nói”, cái tên thể thơ mới ngộ làm sao. Tên ngộ mà nên tên đáng lắm. Rõ ràng, trong cùng một bài thơ hát nói có những chỗ du dương như hát, có những chỗ dõng dạc như nói! Chợt nghĩ, khi mềm mại khi rắn rỏi, tuy vướng đến ba thứ “nợ chơi” mà vẫn trả đủ “nợ làm”, cũng chính là nét độc đáo nơi con người Nguyễn Công Trứ. Thể thơ gặp đúng người thơ bèn “thích chí” sinh thật nhiều thơ hay. Một cái “duyên gặp gỡ” có ích!

(Thu Tứ)



Nguyễn Công Trứ, “Cầm kỳ thi tửu” (2)



Cầm kỳ thi tửu,
Ðường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay.
Ðàn năm cung réo rắt tính tình đây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.

Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,(1)
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.(2)
Thú xuất trần tiên vẫn là ta,
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng, ờ cũng đáng!

Thơ rằng: Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng,
Thi hoài lạc hỹ, tửu hoài nồng.
(3)
Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung,(4)
Người ở thế dẫu trăm năm là mấy!

Sách có chữ “Nhân sinh thích chí”,
Ðem ngàn vàng chác lấy cuộc chơi.
Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các cho người biết tay.(5)

Tài tình dễ mấy xưa nay!







____________
Theo
Thơ văn Nguyễn Công Trứ, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1983:
(1) Phẩm đề: bình phẩm. "Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa" (
Kiều). Câu nguyệt lộ: cây thơ tả trăng và sương.
(2) Chung: chén uống rượu. Tiêu sái: phóng khoáng, thanh cao. Cuộc yên hà: cuộc sống thanh nhàn ở chỗ sông núi.
(3) Tứ đàn thanh tao, nước cờ sáng suốt. Câu thơ thích thú, chén rượu nồng.
(4) Chung: cái thùng đựng lương. Giá muôn chung là rất giá trị.
(5) Ðài các: lịch sự, phong lưu.