Trong các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật, Rắn báo oán có câu chuyện xưa nhất. Việc xảy ra với truyện viết cách nhau đến hơn năm thế kỷ, ai biết tiếng Việt thời Lê Thái Tông nó chính xác là thế nào, vậy mà đọc lời đi lời lại giữa “Quan phục hầu” với “cô hàng chiếu” ta cứ có cảm tưởng họ nói đúng tiếng Việt cổ! Có lẽ cái tiếng Việt trong truyện NTL nó chỉ “cổ” hơn chính tác giả chừng mấy mươi năm thôi. Nhưng dường như như thế cũng đủ gây ấn tượng thích hợp nơi độc giả rồi... (Thu Tứ)



Nguyễn Triệu Luật, “Cô hàng chiếu”




Năm ấy là năm Thiệu Bình thứ tư đời vua Lê Thái Tông, lịch tây vào năm 1437. Việc binh định thiên hạ đã hồ yên, trong triều ngoài dã đều được thái bình vô sự. Vua hết nghĩ chế âm nhạc lại sắp đi quan ngư ở Tây Hồ. Quan ngư tức là đi xem đánh cá. Việc ấy nó cũng thường như việc đi săn đi bắn mà thôi, nhưng đối với các bực đế vương thì nó phải có vẻ khác. Nó lại là một vấn đề cho các quan bàn tán, vì việc ấy có chép ở Tả truyện. Các quan bấy giờ cũng có ông dở người, đóng các vai Tang Hi Bá mà khuyên can lôi thôi mãi. Mà những lời khuyên can toàn là chữ sáo cũ trong sách cả. “Xuân sưu, hạ miêu, thu tiển, đông thú” tóm lại cũng là săn cả mà các ông cứ ngồi cãi vã mãi. Làm sao được: nhà nho hay nhìn, bàn việc bằng sách kia mà! Vua Lê Thái Tông là ông vua phóng khoáng, ông kệ thây cả chữ nghĩa thầy Tả Khưu Minh mà cứ nhất định đi xem cất vó ở Tây Hồ.

Một buổi chiều tháng ba, vào lúc trời gần xế bóng, trên con đường phố Cầu Ðông, lững thững có một ông cụ già, theo sau một đứa tiểu đồng. Ông cụ già ấy tuy tóc đã hoa râm, nhưng trông người còn quắc thước lắm. Ðầu đội mũ ni vóc thâm, mình mặc áo địa lam chẽn, tay cầm gậy trúc, chân đi giầy văn hài, dáng ông đi có vẻ chắc chắn, vững vàng lắm. Cái gậy trúc ông cầm, chẳng qua chỉ là cái vật làm dáng cho bộ râu bạc mà thôi, chứ chẳng phải là vật để giúp vững chãi lúc tuổi già. Ði đến chỗ Cống Tréo (1) ông cụ nhác trông thấy một người con gái gánh chiếu đi bán trở về. Thấy người trông cũng dễ coi, ông bèn đọc bốn câu thơ hỏi bỡn:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh phỏng độ chừng bao nhỉ?
Ðã có chồng chưa? Ðược mấy con?


Người con gái đỡ gánh chiếu xuống, tươi cười đọc họa vần bốn câu thơ đáp lại rằng:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon.
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới độ giăng tròn lẻ!
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?


Người con gái họa bài thơ ấy thấy ông cụ già đạo mạo lại còn có tính chơi trống bỏi nên dụng ý nói xấc chơi. Câu thứ tư “chồng còn chưa có, hỏi chi con?” nguyên ý thẳng thắn là: chồng tôi còn chưa có, ông còn hỏi làm chi đến con với cái, nhưng có ý đặt câu hai nghĩa để gọi ông cụ là con.

Thấy người thiếu nữ hoạt bát tinh ranh, ông cụ bèn nửa cười nửa nghiêm mà nói:

- Con còn bé dại, chớ học chi những thói vô lễ như thế, đối với người già cả.

- Dám hỏi trưởng giả là ai?

- Ta là Quan phục hầu.

Người thiếu nữ nghe nói lùi lại một bước, nhìn kỹ ông cụ mà nghĩ bụng rằng: “Có lẽ phải thật. Ông lão này trông thần thái hơi giống ông Trần Hưng Ðạo ta thường nom thấy trên tranh. Trông bộ điệu ra dáng một vị cố lão thiên triều: Tiên đình (2) sáng sủa, khí đường phù (3) hiện ra nhật giác (4). Người này vị ở công hầu, tên ghi sử sách. Hơn mười năm nay ta chỉ mong được trông Tử Phòng (5), Khổng Minh (6) nước ta, ngờ đâu ngày nay ở trước mắt mà ta không biết. Mắt ta thật còn tục lắm. Ðã tục mà lại ngu: Quan phục hầu là khai quốc công thần, là ông quan to ở triều, là bực sư phụ Kim thượng, còn ai có thừa đầu đâu mà dám mạo nhận mà ta phải ngờ là thật giả!” Nghĩ vậy, nàng bèn phục xuống lạy mà thưa rằng:

- Xin quốc lão dung thứ cho con. Con thật mắt tục không nhận nổi anh hùng giữa đám trần ai. Con đây, bài cáo Bình Ngô vốn vẫn thuộc lòng, bây giờ con mới biết quốc lão. Con có phúc gì mà được gặp hôm nay. Chẳng hay quốc lão đi đâu mà trơ trọi có hai thầy trò như vậy?

- Kim thượng sắp lên quan ngư Tây Hồ. Ta đây muốn đến trước, xem dân và quan sở tại chúng nó đã sửa sang để nghênh tiếp thánh giá chưa? Ta vốn tính điềm đạm không ưa trương hoàng náo nhiệt, nên chỉ một thầy một trò đi cho tĩnh.

Người con gái đứng dậy nói:

- Gửi (7) quốc lão, con mười năm nay vẫn ca tụng cái công nghiệp vá trời lấp biển của công lão. Thân tàn này sở dĩ còn lại cũng là nhờ quân Bình Ðịnh ở Lam Sơn.

- Tiên đế vì thương muôn vạn sinh linh mà dựng cờ nghĩa ở Lam Sơn. Công bình thành ấy, ai ai cũng đội, chứ riêng gì một con.

- Thế mà riêng con đội ơn ấy dường như nhiều nhất. Con cùng quân Minh có cái thù chẳng đội chung trời. Quân Bình Ðịnh chém Liễu Thăng, đuổi Vương Thông là vì giang sơn tổ quốc, nhưng riêng đối với con thì như trả được thù cha.

- Con có thù gì?

- Cha con sinh gặp thời loạn, rớp nhà biến cố, bị chết oan dưới mũi dao quân thù. Năm Canh Tí, giữa năm tiên đế ra đóng quân ở Lỗi Giang là năm cha con mắc nạn.

Mẹ con vẫn thuật chuyện lại, con nghe rất lấy làm ghê sợ. Ðầu năm ấy, giữa hôm tết khai hạ, cha mẹ con đương ngồi ăn cơm. Cha con nói rằng: “Ta vẫn lấy làm áy náy lắm. Bức thư ta viết cho Lê Ngã ở Thủy Ðường rủi mà vào tay quân giặc thì tính mệnh nhà này cũng khó toàn.”

Cha con vừa nói đến đấy thì lũ đầu trâu mặt ngựa đứa dao, đứa phạng. Cha con bảo mẹ con chạy ra đằng sau tránh, rồi thì, với con dao treo trên tường, chạy ra sân chống với lũ giặc, cũng chẳng mong gì cứu được thân, chỉ là kế hoãn binh cho mẹ con chạy thoát. Trong giây phút, chúng giết xong cha con rồi kéo nhau ra đằng sau nhà. Lúc đó mẹ con vừa đến dệ hồ. Trông thấy lũ giặc gần tới, mẹ con nhảy tùm xuống hồ. Lũ giặc lấy giáo chọc xuống nước mấy cái rồi kéo lên. Mẹ con bấy giờ có mang được bẩy tháng. Bụng mang dạ chửa, trời rét phải ngâm nước, mười phần cầm chín phần là chết. May sao trong khi quằn quại dưới hồ, tay lại vớ được chiếc rễ si, bám lấy mà lần lên. Ngóc đầu lên, thấy quân giặc đi đã hết, mẹ con liền lên bờ sang nhà hàng xóm. Hai tháng sau, mẹ con sinh ra con. Con mang cái thù cha từ ngày còn ở trong bụng. Kịp khi hơi lớn lên, biết chuyện cũng không biết thù riêng đứa nào, vì lũ kia hạ tốt vô danh, vả cũng không biết những đứa nào được, con liền đem bụng thù cả lũ giặc Minh. Mỗi lần con thấy tiên đế đánh được giặc Minh là con reo mừng hả dạ, tưởng như trả được thù cha.

Người con gái nói đến đấy bỗng nắm tay mà cười. Cái nắm tay lộ vẻ giận quân thù, cái cười tỏ trong bụng đã có phần được hả.

Quan phục hầu lại hỏi:

- Nàng sinh năm nào, ta lại quên mất rồi?

- Con sinh năm Canh Tí. Giữa năm mẹ con đẻ con là năm tiên đế đánh được quân Lý Bân ở Thi Lăng rồi dời về đóng ở Lỗi Giang.

Quan phục hầu vừa tính đốt ngón tay, vừa cười, vừa nói:

- Canh Tí... Tuổi Canh Tí bây giờ mười tám tuổi rồi. Nàng đẻ giữa năm đức tiên đế về đóng ở Lỗi Giang à? Ấy cũng giữa năm ấy, ta vào yết kiến Tiên đế và được ngài dùng. Thế ra ta xuất thân giữa năm nàng sinh, hoặc Tạo hóa có ý gì vào chỗ đó chăng?

Người thiếu nữ đỏ mặt lên cúi đầu không nói gì.

Một tháng sau, người con gái bán chiếu ở Tây Hồ là Nguyễn Thị Lộ đã vào ở phủ đệ Quan phục hầu. Ngoài việc hầu hạ sớm khuya, nàng lại lấy nghề thi văn cầm ca mà vui lòng lão tướng.

Một hôm lui triều, Quốc lão coi như có vẻ tức giận. Phu nhân hỏi rằng:

- Chẳng hay hôm nay trong triều có việc gì mà tướng công coi có vẻ giận dữ như thế?

- Hỏng mất! Kim thượng bây giờ chỉ nghĩ về việc âm nhạc cùng nghi tiết nhảm thôi mà lại tin dùng bọn tiểu nhân. Thằng Lương Ðăng chỉ vì khéo hiến nịnh mà vừa rồi Kim thượng cất lên chức đô giám. Phép cũ của Tiên đế thay đổi hết, người trung lương nói thì làm ngơ đi. Cử triều bây giờ chỉ toan đường kéo bè, kéo đảng mà khuynh loát lẫn nhau.

Thị Lộ đứng hầu một bên cười mà nói rằng:

- Nước Ðại Việt ta từ Khúc tiên chủ (8) đến nay đã tám lần đỉnh cách (9). Họ Khúc tuy đứng chủ trương sơn hà, song danh vị vẫn còn là biên thần nhà Ðường, nhà Hậu Lương chứ vẫn chưa chính danh vị. Ðuổi cường địch, dẹp loạn lớn mà nổi nghiệp chỉ có nhà Ngô, nhà Ðinh, nhà Tiền Lê. Còn các nhà khác đều nhân lúc chúa gái vua non mà thay mệnh. Nhà Ngô, nhà Ðinh đều đoản tộ (10) cả. Hoặc giả địa mạch nước ta như thế mà hoàng triều bây giờ cũng theo khuôn nhà Ngô nhà Ðinh chăng?

Quan phục hầu quay lại bảo rằng:

- Mày biết gì mà dám nói cuồng dại như thế?

Thị Lộ nói:

- Ðiều tôi vừa nói là mạn tưởng xằng thế mà thôi. Nhưng có điều này tướng công cũng nên để tâm.

- Ðiều gì?

- Thường lệ xưa nay khi nghiệp lớn thành rồi, công thần bị giết. Tiên đế lên ngôi được hơn một năm thì giết quan Hữu tướng quốc Trần Nguyên Hãn; năm sau thì giết quan Thái úy Phạm Văn Sảo. Tướng công đã thoát cái vạ Văn Chủng Hàn Tín rồi, còn tham quyền cố vị làm gì nữa. Ðương lúc này tướng công nên theo gương ông Chu Văn Trinh (11) là hơn cả.

Quan phục hầu cười mà rằng:

- Ta có ý buồm mây khói tỏa, đã có Tây Thi khuyên thì lại càng nên lắm.(12)

Xã Chi Ngại thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương bây giờ có núi tên gọi Côn Sơn. Trong núi có động tên gọi Thanh Hư động. Hồi cuối đời nhà Trần, vua Trần Nghệ Tông thất chính, quyền về cả Lê Quý Ly. Ông Trần Nguyên Ðán thấy quốc chính gần đổ nát, bèn xin về trí sĩ ở núi Côn Sơn. Ông sửa sang vườn tược làm thành cái sơn trại con. Trại tựa vào núi có dẫy trúc mọc vòng trông rất ngoạn mục. Sau Trần Nguyên Ðán mất, nước lại gặp loạn lạc nên trại ấy bỏ hoang. Ông Nguyễn Trãi là cháu ngoại ông Trần Nguyên Ðán, nên nay ông muốn xin về trí sĩ ở Côn Sơn mà sửa lại vườn cũ cho ông ngoại.


(Đây là chương 1 của
Rắn báo oán.)




















___________________
(1) Chỗ ngã tư Hàng Lược bây giờ.
(2) Chỗ giữa hai lông mi.
(3) Khí đỏ hồng hào.
(4) Chỗ góc trên trán. Mấy chữ 3, 4, 5 này là chữ ở sách tướng.
(5) Tên hiệu Trương Lương.
(6) Tên hiệu Gia Cát Lượng.
(7) Tiếng cổ dùng như chữ thưa.
(8) Tức là Khúc Thừa Dụ.
(9) Ðổi vạc: đổi triều vua.
(10) Ngắn ngôi.
(11) Chu Văn An chết, thụy là Văn Trinh.
(12) Phạm Lãi giúp vua Câu Tiễn khi thành công đem nàng Tây Thi thả thuyền đi chơi Ngũ Hồ, không thèm ở lại mà hưởng giàu sang.