Người Việt ăn bằng mắt, mũi, tai, da, lưỡi, trong khi người Tây phương ăn chỉ bằng mắt và lưỡi. Nói Tây như vậy không ngoa đâu. Món ăn Tây nom cũng đẹp mắt nhưng gần như không tỏa một thứ mùi gì! Bỏ vào miệng, nhai, thì trừ món bít-tết ra món nào cũng nhão như cháo, khiến cái da lưỡi nó buồn muốn chết!(1) Mũi Tây u sầu, da Tây buồn bã, mà tai Tây cũng không được vui vẻ: khi ăn người Tây phương kiêng gây tiếng động, món nọ món kia nào được nói đâu để có tiếng cho tai nghe! Ăn là “cái khoái số một”. Tưởng nên để mũi, da, tai nó cùng hưởng với! (Thu Tứ)

(1) Nói đến lưỡi ta quen nhớ vị giác thôi, nhưng thực ra lưỡi cũng có da, tức có cả xúc giác.



Trần Văn Khê, “Cách ăn toàn diện”




Theo tôi người Việt Nam ăn một cách toàn diện (...) Chúng tôi ăn trước hết bằng mắt, thức ăn phải bày biện cho đẹp. Thứ nhì là ăn bằng mũi, sử dụng những gia vị (...) tỏa mùi thơm ngào ngạt. Thứ ba (...) ăn bằng xúc giác, thức ăn gắp bỏ vô miệng phải gồm nhiều dạng: dai dai của thịt, mềm mềm của bún, giòn rụm của bánh tráng, hoặc (...) đậu phọng rang (...) Cuối cùng thì tai phải nghe tiếng nhai giòn rụm, bẻ bánh tráng rốp rốp, húp sùm sụp, có vậy ăn mới thấy khoái. Ðó chính là cách ăn toàn diện.


(
Hồi ký Trần Văn Khê, nxb. Trẻ, 2001 (5 quyển), q. 3, tr. 104-105)