Ðào Duy Anh khẳng định đồ đồng Ðông Sơn là bản địa trước khi ngành khảo cổ Việt Nam ra đời (cuối thập kỷ 1950). Vô số di vật đào được đã chứng minh ý kiến của ông hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, chủ nhân văn hóa Ðông Sơn là ai thì ý ÐDA không giống ý của khảo cổ VN hiện nay. ÐDA cho họ mới từ Giang Nam di cư xuống Bắc bộ trong thiên kỷ I trước Tây lịch, còn khảo cổ VN thì cho họ đã ở Bắc bộ từ rất lâu trước đó. Tính “bản địa” của văn hóa Ðông Sơn đối với ÐDA là chỉ độ vài trăm năm, còn đối với khảo cổ VN là ít nhất vài ngàn năm.

Luận điệu “Việt học của Tàu, Tàu học của Tây” không xuất phát từ di vật mà từ cái óc chủ quan đến phản khoa học của các nhà khảo cổ học Tây. Nó đã bị vô số di vật đào lên được từ bấy tới nay bác bỏ hoàn toàn.
(Thu Tứ)



“Ðông Sơn là bản địa”

Đào Duy Anh




V. Goloubew (...) khẳng định rằng: Văn hóa đồ đồng Ðông Sơn là do ảnh hưởng của công nghệ đúc đồng (...) Trung Quốc (...) Ông đoán rằng người Trung Quốc đã đem kỹ thuật đúc đồng của họ vào bắc Việt Nam khi họ chinh phục đất này từ trước Công nguyên (…)

Nhưng sau khi Triệu Ðà chiếm đất Âu Lạc mà chia làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, cũng như sau khi nhà Hán chiếm lấy đất hai quận ấy, thì họ chỉ đặt quan cai trị và đóng quân ở quận để đốc thúc phú cống, mà vẫn để cho các lạc tướng trị dân như cũ, chứ không đụng chạm gì đến tổ chức nội bộ và phong tục của người bản địa. Cho đến khi các thái thú Tích Quang (quận Giao Chỉ) và Nhâm Diên (quận Cửu Chân) ở đầu thế kỷ thứ I sau Cng. bắt đầu thi hành chính sách đồng hóa thì tổ chức và phong tục của người bản địa chưa thay đổi gì mấy. Chúng ta khó lòng có thể thừa nhận rằng, chỉ trong hơn một thế kỷ, ở dưới lối thống trị “dùng người Việt trị người Việt ấy” của nhà Triệu và nhà Tây Hán, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đã có thể tác dụng sâu xa đến nỗi xóa bỏ hẳn kỹ thuật đồ đá mới của người bản xứ mà tạo nên một kỹ thuật đồ đồng rất tinh xảo (...) chúng ta (...) không thể tin được rằng ở thời nhà Triệu và nhà Tây Hán, trong văn hóa của tổ tiên ta (...) đã có sự biến chuyển trọng đại như thế (…)

Có thể nói chắc rằng (...) kỹ thuật đồ đồng mà đại biểu là đồ đồng Ðông Sơn, là một kỹ thuật hoàn toàn do người bản địa sáng tạo (...) Nhưng tại sao V. Goloubew lại không thể tưởng tượng được rằng đó là một nền văn hóa hoàn toàn bản địa? Chỉ vì ông tưởng lầm rằng những người dân (...) Âu Lạc trong thời họ bắt đầu tiếp xúc với người Hán (...) đương còn là những người (...) dùng đồ đá mới (...) nếu ông hiểu rằng dân Âu Lạc bấy giờ là người Lạc Việt chứ không phải là (thổ trước lạc hậu) (...) và nếu ông biết rằng tất cả người Bách Việt ở Lĩnh Nam cũng như những nhóm Việt tộc ở lưu vực sông Dương Tử đều có văn hóa đồ đồng (...) thì ông sẽ thấy rằng không phải là do học kỹ thuật đúc đồng của người Trung Quốc ở thời Triệu và thời Hán mà người ta mới biết chế tạo đồ đồng. Nhưng chính cái tư tưởng thực dân chủ nghĩa đã xô đẩy ông vào sự nhận định hoang đường ấy, vì ông không thể nào thừa nhận được rằng tổ tiên của dân tộc Việt Nam đương bị nước Pháp thống trị lại có thể tự mình sáng tạo được một nền văn hóa ưu tú như vậy. Ông bèn phải dựa vào một số chứng minh mỏng mảnh mà khẳng định (...) nhờ ảnh hưởng văn hóa (...) Trung Quốc, mà tổ tiên chúng ta mới chuyển từ văn hóa đồ đá lên văn hóa đồ đồng. Nhưng, chính như nhà khảo cổ học Trung Quốc là Văn Hựu đã nói: “Ông ta lại không thể thừa nhận rằng dân tộc Trung Quốc bán thực dân địa, từ thời cổ lão đã có những sáng tạo trác tuyệt được, cho nên ông lại phải dùng cái luận điệu cũ rích về truyền bá luận để quy nguyên cho Bắc Âu.” Chúng ta lại thấy một lần nữa tư tưởng thực dân chủ nghĩa dẫn người ta đến những ý kiến phiêu lưu như thế nào (…)

V. Goloubew đặt thời hưng thịnh của văn hóa Ðông Sơn ở giữa thế kỷ thứ I sau Cng. (...) Janse đã bác hẳn bằng sự chứng minh rằng(...) sang thời Ðông Hán, tức từ thế kỷ thứ I sau Cng., thì văn hóa đồ đồng (Ðông Sơn) đã suy (...) Do điểm ấy và do những mối liên quan mật thiết mà ông nhận thấy giữa nghệ thuật Ðông Sơn với nghệ thuật Hoài Hà (Chiến Quốc), ông cho rằng thời hưng thịnh của văn hóa Ðông Sơn phải ở vào khoảng từ thời Tây Hán về trước. Ông còn nói rõ rằng theo tình trạng các tằng cổ vật mà xét thì thấy địa điểm Ðông Sơn đã có lâu trước khi có sự tiếp xúc với văn hóa Tây Hán (...) Karlgreen (...) cũng bác ý kiến của Goloubew mà cho rằng lấy chứng tích của nghệ thuật sử mà xét thì phải đặt thời hưng thịnh của văn hóa Ðông Sơn vào thế kỷ thứ III và thứ IV tr. Cng (…)

Sự chỉ định niên đại của V. Goloubew căn bản là dựa vào những tiền đồng tìm thấy trong các mộ. Nhưng do sự phát quật ở Ðông Sơn do ô. Pajot phụ trách tiến hành không đúng phương pháp khoa học (...) có thể đã làm lẫn lộn những di vật thuộc về những tằng đất khác nhau. Do đó không thể dựa vào sự tồn tại của một ít tiền đồng và mấy cái bình đồng gương đồng thời (Ðông) Hán mà đặt văn hóa Ðông Sơn vào đầu thời Ðông Hán được (...)

Chúng ta đã xác nhận rằng văn hóa đồ đồng ấy là của người Lạc Việt; chúng ta lại cũng biết rằng dưới sự thống trị của nhà Triệu và nhà Tây Hán, chế độ xã hội và văn hóa của người Lạc Việt không thay đổi mấy. Song văn hóa đồ đồng nếu vẫn được bảo tồn trong khoảng thời gian ấy thì cũng không thể phát triển thịnh vượng như trước được. Sang thời Ðông Hán thì dưới áp lực mạnh hơn của văn hóa Trung Quốc, nó tất phải suy đồi mau. Nó chỉ có thể thịnh vượng trước khi tiếp xúc với lực lượng Hán, nghĩa là trước khi nước Âu Lạc bị xâm lược. Như thế thì chỉ có thể đặt thời toàn thịnh của văn hóa đồ đồng vào khoảng nước Âu Lạc còn độc lập về trước (...)


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)