“Ấn Á, Ấn Âu”




Kinh Vệ-đà là một kinh đã thay đổi cơ bản về nội dung tư tưởng.

Vốn đó là kinh của đạo Bà-la-môn, một thứ tín ngưỡng hiến tế đa thần của người da trắng Aryan. Khi ấy kinh không hề chứa ý niệm nhất thể.

Cách nay khoảng 3500 năm, người Aryan bắt đầu xâm lăng vùng lưu vực sông Indus, lúc ấy thuộc về người Dravidian. Tuy văn minh hơn nhiều, có lẽ văn minh nhất thế giới cổ đại, người Dravidian đã bại trận. Một cuộc hợp chủng (miễn cưỡng, do phía Aryan kỳ thị chủng tộc) và hợp văn hóa khởi sự.

Cách nay khoảng 3000 năm, cư dân lưu vực sông Indus trở nên một giống người lai mới gọi là người Ấn. Người Ấn theo Ấn giáo là một tôn giáo mới, với kinh là kinh Vệ-đà. Nhưng kinh Vệ-đà bây giờ chứa ý niệm nhất thể.

Các nhà nghiên cứu Tây phương, như Stanley Wolpert, cho rằng triết lý này khó xuất phát từ phía người Aryan.(1) Nhưng họ chỉ cảm thấy thế, mà không đưa ra được lý lẽ cụ thể nào.

*

Triết trong Ðạo đức kinh là triết nhất thể: tất cả đều là Đạo biến hóa mà ra.

Chúng tôi cho rằng triết nhất thể xuất phát từ những người Việt tộc sinh sống ở vùng đất về sau là Hoa Nam.(2)

Tuy nguồn gốc của người Dravidian vẫn chưa rõ ràng, nhưng rất có vẻ họ là bà con của người Việt tộc. Cả hai cùng thuộc vào cái đại chủng mà địa bàn là toàn cõi Ðông Nam Á cổ (gồm cả Hoa Nam) và đất Ấn.(3)

Đồng chủng, đồng triết.

Tưởng có thể chắc rằng triết nhất thể trong Ấn giáo là đóng góp của người Dravidian.

Có cái chuyện này cũng nên thử giải thích. Trong Ấn giáo, ý niệm tương đương với Đạo được gọi là “Bà-la-môn”. Tại sao gọi linh hồn vũ trụ, thực tại duy nhất, thực tại cuối cùng, bằng cái từ ấy? Bà-la-môn vốn chỉ có nghĩa là giai cấp tu sĩ. Có lẽ bởi giai cấp này là hết sức cao quý, lúc nào đó Bà-la-môn đã nảy thêm nghĩa bóng là tột bực, rồi đến khi ý niệm linh hồn vũ trụ ra đời, người ta bèn gọi luôn đó là Bà-la-môn!

Để ý do vai trò thống trị của người Aryan lúc đầu, trong văn hóa Ấn có nhiều cái mà tên gọi là từ phía Aryan nhưng nội dung lại là từ phía Dravidian. Thắng làm vỏ, thua làm ruột!

*

Trong văn hóa Ấn, tổ tiên Dravidian góp triết lý. Còn tổ tiên Aryan thì góp những gì?

Trước tiên, là cách tổ chức xã hội. Theo các nhà nghiên cứu, xã hội Dravidian có một đặc điểm kỳ lạ là phát triển cao mà không sinh giai cấp. Thế mà xã hội Ấn lại kỳ thị giai cấp hết sức kịch liệt. Căn cứ vào diễn biến lịch sử và vào sự kiện giai cấp vốn gọi là varna (màu da), có thể đoán kỳ thị giai cấp đây xuất phát từ kỳ thị chủng tộc thời đôi bên còn phân biệt.

Thứ hai, là vô số cách suy diễn triết nhất thể. Ở Ấn-độ từng có không biết bao nhiêu luận sư, luận sĩ ngày đêm suy luận về cái bất khả tư nghị! Bà-la-môn hay chân như không thể làm đường mà đi đến được, thế mà họ vẫn cứ hì hục làm! Như thể cái máu Aryan nơi một số người lai đã bắt họ phải suy luận bất chấp.

Cuối cùng, hình như cũng chính máu Aryan đã làm cho linga trở nên khổng lồ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những vật rất giống linga ở di tích Mohenjo-Daro thuộc văn minh Indus của người Dravidian. Cũng như ý niệm nhất thể, linga rồi đi vào văn hóa tâm linh của giống người lai. Linga Indus kích cỡ bình thường, sở dĩ linga Ấn về sau to như thế, chắc là bởi cái óc suy luận Aryan đã thần hóa nó.

*

Luận về cái không thể và thờ linga thật to, không sao cả. Nhưng kỳ thị giai cấp thì căng.

Phật giáo ra đời sau Ấn giáo và về tư tưởng không khác Ấn giáo, cũng lấy triết nhất thể làm cốt lõi. Phật nhập thế là để diệt khổ. Cách “diệt” độc đáo: khuyên mọi người cố ra hẳn khỏi thế giới này. Hẳn đã có điều gì thật bất thường trong xã hội Ấn đương thời.

Ở Trung Quốc, xã hội thời Xuân Thu - Chiến Quốc chắc chắn chẳng lý tưởng gì, nên mới sinh bách gia chư tử ngày đêm nghiền ngẫm cách cải tiến. Chín người mười ý, tuy vậy dường như không có ý nào khuyên người Tàu nên tìm cách... lìa đời. Trang bảo “sống cũng là chết, chết cũng là sống”, xong cứ ngao du đến 80 tuổi mới chịu hóa bướm. Khổng suốt đời đâu “viết” về chuyện gì khác ngoài những chuyện quanh quẩn “trong cõi người ta”. Nhân sinh ở Trung Quốc bấy giờ, dù chưa thực hạnh phúc, rõ ràng vẫn đáng thiết tha.

Ở Ấn-độ xưa, tình hình khác. Khi thái tử Tất-đạt-ta bước ra khỏi hoàng cung, hẳn đã thấy chung quanh mình cái giá trị của đông đảo kiếp người nó rất lờ mờ. Phân biệt giai cấp cực đoan. Sinh nhầm giai cấp thì chẳng những suốt đời khổ, mà rồi con cháu chắt chút chít cũng phải chịu y... số khổ. Làm sao bây giờ? Nếu tình trạng xã hội bế tắc là do bị ngoại nhân áp bức, thì chỉ việc đánh đuổi ra là xong. Ðằng này, 1000 năm sau khi giặc Aryan tràn vào, không còn chuyện giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ nữa, bởi giặc bấy giờ đã nhập hẳn vào trong máu huyết của dân rồi! Ðứng trước “khổ hải” quá mênh mông, Phật không nẩy ý hô hào chấn chỉnh xã hội như Khổng Tử bên Tàu, mà chọn giải pháp tối hậu là giúp “chúng” vĩnh viễn thoát ly “sinh”.

Phật nhập diệt đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ. Nghe nói bên Ấn-độ, kỳ thị giai cấp không phải đã biến mất mà chỉ mang những hình thức mới.



Thu Tứ
Viết năm 2004
Sửa mới nhất tháng 3-2024












________
(1) Stanley Wolpert,
A New History of India, Oxford University Press, 2004.
(2) Xem bài “Trời Đông, trời Tây” của TT.
(3) Trong
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), Bình Nguyên Lộc khẳng định người Dravidian cũng thuộc vào chủng Mã Lai.