Chuẩn bị kỹ thế, trách nào Tết... vui như Tết. Nhưng đó là Hà Nội ngày xưa, chứ Hà Nội bây giờ thì xuê xoa, quấy quá Tết đi nhiều lắm. Người người ngày ngày giờ giờ phút phút đua nhau “kéo” như quân đèn cù để cải thiện đời sống vật chất hơn nữa và hơn nữa, nên mọi sự chuẩn bị Tết đều nhường cả cho các nơi chuyên môn, chỉ việc chạy đi mua... Thế kỷ 21 không còn bói tuồng thì có thể bói truyền hình, bói Mạng. Nhưng coi chừng, rất dễ gặp cái xúi quẩy. (Thu Tứ)



“Tết Hà Nội xưa”

Băng Sơn




Cái gì quý nhất, ngon nhất người ta để dành ăn Tết. Nhà giàu mâm cỗ tám đĩa tám bát, chồng đôi chồng ba đã đành, người nghèo cũng có “mâm cơm cúng cụ” với món này món khác, dẫu cho quanh năm bóp mồm bóp miệng.

Hàng tháng trước Tết, người Hà Nội đã tranh thủ vỗ béo lợn, gà và tích lũy các món khô như măng, nấm hương, miến mọc, tôm he, bóng bì v.v. Còn các làng ngoại thành thì thi nhau tát ao, bắt cá chép, cá trắm to làm nồi cá kho (...) Các nguyên liệu làm mứt như múi khế, quả mơ, miếng bí đã được phơi khô trước đó cả tháng (...)

Sửa sang, dọn dẹp bàn thờ là (...) để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Người Hà Nội trang trí ban thờ cũng rất công phu: từ hoành phi, câu đối, chân chỉ hạt bột, rồi tam sự, ngũ sự bằng đồng, cho đến ngai thờ, tranh chân dung, bình hoa, nhang nến...

Trước Tết nhiều ngày (...) bộ quần áo trưng diện mấy ngày xuân. Nhà có ông bà cao tuổi, phải sắm được quần áo đỏ, khăn đỏ; còn trẻ nhỏ không thể thiếu bộ đồ xúng xính, mới tinh, nước hồ còn sột soạt... Thanh nữ cũng lo chuẩn bị xiêm y, giày dép, son phấn, đồ trang sức.

Tết Việt Nam là dịp dành cho sự sum họp gia đình. Mấy ngày đầu năm mới ít ai đi ăn cơm khách (...)

Đêm giao thừa người Hà Nội có tục lệ đi chơi xuân hái lộc (...)

Nhiều người quanh năm không biết cờ bạc là gì, nhưng Tết đến cũng có cỗ bài tam cúc để cả nhà cùng chơi. Đẹt mũi, đẹt tay, đẹt đùi rồi cười vang cả nhà.

Hà Nội trước có lệ bói tuồng đầu năm. Chiều mùng một, các rạp hát mở cửa, không đề tên vở diễn. Khách vào xem mới biết là vở gì, có người còn vào rạp lúc giữa vở, như kiểu bói Kiều, xem mình gặp cảnh gì trên sân khấu. Nhà rạp khôn khéo, bao giờ cũng chỉ diễn những vở tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc, đoàn viên để ai cũng hài lòng.