Ngày mồng hai Tết mà phải “dậy từ tờ mờ đất” để làm việc! Việc khác thì mất Tết như chơi, nhưng việc này không sao cả, nhất là đối với “tôi”, là người phụ trách những công tác “ngồi xem”, “nuốt nước bọt”, “ăn trước Thành Hoàng” nắm bỏng, “cắn thử” viên bi đường, và hẳn rút cuộc là nhai thử thỏi chè lam đầu tiên... Thứ quà ngọt ấy có cái tên lạ. “Chè”, có thứ đựng trong chén mà uống, lại có thứ để trên đĩa mà cầm lên ăn. Vừa uống chè vừa ăn “chè”, Tết thật! (Thu Tứ)



“Làm chè lam ngày Tết”

Thanh Hào




Phải đợi đến ngày mồng hai Tết bà tôi mới làm chè lam. Bà tôi bảo: ngày ba mươi Tết không thể làm bánh chè lam được. Hôm ấy phải gói bánh chưng, ăn đụng thịt lợn phải có người cùng làm. Rồi còn làm cơm cúng chiều ba mươi, cúng giao thừa, nên không còn thời gian làm bánh chè lam. Ngày mồng một Tết, mọi người phải đi chúc Tết và tiếp họ hàng, làng xóm đến chơi Tết nhà mình. Mọi việc phải được xếp đặt theo đúng như ý định của ông bà.

Sáng ngày mồng hai Tết, bà tôi đánh thức các cô tôi, mẹ tôi dậy từ tờ mờ đất. Người rang gạo nếp cái thành bỏng, người rây bột, người rang vừng đem ra xát vỏ. Làm nhiều bánh hay ít, tùy theo bà lấy gạo, lấy vừng. Còn nước đường và nước gừng cùng với kẹo nha chính tay bà pha chế.

Anh em tôi, tuy không phải dậy sớm làm gì, nhưng có nỗi háo hức chờ đợi từ hôm bà nấu nha. Nên khi thấy bố tôi dậy để pha nước cúng sớm cho ông, tôi cũng dậy xem mọi người làm bánh. Vả lại, không khí làm việc của mọi người, tôi cố nằm gan cũng không được. Chao ôi, mùi vừng rang, gạo nếp rang cứ bay quanh sực nức khắp nhà. Dường như những mùi thơm ấy luồn cả vào trong chăn, vào đầu, vào cổ, ai có thể nằm yên được. Tôi dậy ngồi xem mẹ xay bột gạo nếp rang, thấy hình như mình vừa nuốt nước bọt thì phải. Mẹ tôi chỉ tay vào bà ngồi bên cạnh, ra hiệu ngầm, như bảo: Bà cấm đấy! Bất ngờ bà trông thấy. Bà nhìn tôi không nói gì, tay bà sục xuống dưới cái vỉ buồm đậy bỏng nếp, vốc cho tôi một nắm. Bà bảo: "Lại sứ giả ăn trước Thành Hoàng!". Bà giúi nắm bỏng vào tay tôi, mắng yêu: "Con giai cứ quanh quẩn xó bếp!". Tôi sung sướng ngồi xem mọi người làm việc.

Nước đường cô tôi đun, thỉnh thoảng bà lại lấy đầu đũa nhúng vào nồi. Lấy một giọt, nhỏ vào bát nước lã nguội. Lần cuối cùng giọt đường trong bát nước tròn xoe như viên bi nhỏ. Bà vớt viên đường ra đưa cho tôi, bảo cắn thử. Tôi cắn viên đường, nghe tiếng vỡ giòn tan trong mồm. Bà sai cô tôi đổ bột gạo nếp xay vào nồi nước đường, tiếp tục đun và đảo cho đều. Một lát sau, chè lam được đổ ra mấy cái mâm đồng đã rắc vừng lót dưới lòng mâm, cùng với bột nhỏ mịn rây ra. Sau đó, dàn mỏng chè cho đều trên mâm, rồi lấy chai, lấy con lăn bằng gỗ rắc bột, rắc vừng vào, cán cho chè mỏng đều và kết vào nhau thành một bánh. Cuối cùng để chè nguội, lấy thước đặt vào, dùng dao cắt thành từng thỏi hình chữ nhật, to hơn con tam cúc. Cắt được miếng nào đều đem tẩm bột làm áo để những miếng chè không dính được vào với nhau nữa.


(Trích “Bánh chè lam” trong tập
Sông Hồng và làng bãi, nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2009)