Nguyễn Hiến Lê thường dùng giọng điềm đạm, nhưng gặp học giả Tây nói nhăng nói cuội về văn hóa Việt Nam, ông không ngần ngại khinh bỉ ra mặt, bảo thẳng kẻ ấy - và những kẻ theo kẻ ấy - là đồ ngốc.

Ðại khái, ông Tây kia bảo người Á Ðông nhờ Tây dạy mới biết có nước, có dân tộc, mới biết yêu nước, yêu dân tộc!!!

Hãy ôn lịch sử.

"
Bình Ngô đại cáo (1427) (...) là bản tuyên ngôn đầu tiên về quyền tự quyết dân tộc và định nghĩa đầu tiên của nhà nước dân tộc trên thế giới".(1)

Thực ra, vào năm 1077 Lý Thường Kiệt đã tuyên bố "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư", tức đã minh xác có một nước Nam độc lập do vua Nam cai trị.

Vào khoảng thời gian này, Âu châu mới bắt đầu ra khỏi giai đoạn Tối tăm của thời Trung cổ, nước Tây nọ nước Tây kia vừa lọt lòng, ý niệm quốc gia, dân tộc rất lờ mờ, còn vua thì "về cơ bản (...) chỉ là một lãnh chúa lớn".(2)

Chẳng những dân tộc Việt Nam đã có ý niệm nước từ rất lâu, mà cũng từ rất lâu dân tộc Việt Nam đã biết anh dũng đánh đuổi ngoại xâm để giành lại nước mà mình yêu quý cho chính mình, chứ không phải cho dòng vua nào cả.

Ta chẳng dạy cho Tây biết nước yêu nước thì thôi, làm gì có chuyện ngược đời!

Có lẽ là ông Tây "ngốc" đã nghiên cứu chuyện nước Tàu, rồi tưởng nước Á Ðông nào cũng thế. Chuyện Tàu có khác chuyện ta, nhưng chắc chắn cũng không phải là Tàu đã đi "thọ giáo" Tây cái đạo ái quốc đâu...

Ông Nguyễn mắng học giả Tây năm 1967, còn chính bài của ông Tây thì viết khoảng đầu thập kỷ 1950. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chắc chắn ý kiến của đa số học giả Tây phương về các nền văn hóa khác cũng vẫn thiên vị "hồn nhiên" y như trước thôi. Ngày nào Tây còn thấy Tây là cái rốn của vũ trụ, ngày ấy mắt Tây còn lé!

Rút kinh nghiệm của Nguyễn Hiến Lê, muốn biết văn hóa ta, chớ đọc kỹ sách Tây mà rước lấy bực mình. Có khi sẽ mắng chửi um sùm, dùng lời lẽ thô lỗ hơn ông Nguyễn nhiều!

(Thu Tứ)

(1) Phan Ngọc,
Bản sắc văn hóa Việt Nam.
(2)Trần Quốc Vượng,
Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm.




Nguyễn Hiến Lê, “Người Việt yêu nước”




Vào khoảng 1925, làng tôi (...) Sơn Tây (...) Không có lấy một trường sơ học (...) dân làng (...) quanh năm tuyệt nhiên không được đọc một tờ báo (...) Vậy mà Tết năm đó (...) tháng giêng hay tháng hai dương lịch 1926, tin "cụ Phan" bị bắt ở Trung Hoa, giải về giam ở Hỏa Lò Hà Nội rồi bị kết án tử hình, rồi toàn dân sôi nổi đòi ân xá cho cụ v.v. dân làng tôi đều biết hết (...) có người nào đó xuống phủ, xuống tỉnh nghe đồn rồi về làng kể lại (...) trong mấy ngày Tết, lại nhà nào cũng nghe tiếng la lớn: "Cụ Phan!" rồi tiếp theo là một tràng những tiếng cười ròn rã như tiếng pháo (...) Có gì đâu. Tết thì nhà nào ở quê Bắc chẳng đánh tam cúc (...) năm đó dân làng tôi gọi quân tướng điều là "Cụ Phan" (...)

Những năm 1920-1925 có thể nói là thời mà quyền lực của thực dân Pháp ở nước ta vững nhất (...) Ấy vậy mà cụ Phan đã làm khuấy động toàn dân (...) Thực dân dùng sức mạnh đàn áp họ thì tạm thời họ chịu khuất phục, nhưng đời cha tới đời con, chẳng ai bảo ai, trong thâm tâm, trong từng thớ thịt, sợi tóc, giọt máu của họ, họ vẫn hướng về những vị tướng điều, tướng đen đuổi xâm lăng cho họ (...) Dù bị đô hộ một trăm, một ngàn năm, dân Việt Nam vẫn còn tinh thần Việt Nam, trong thâm tâm vẫn không chịu thừa nhận chính quyền ngoại nhân (...)

Người Pháp (...) phân tích xã hội, lịch sử (...) thông thái quá. Mười mấy năm trước, tôi được đọc một cuốn trong đó tác giả (...) chứng minh một cách rất khoa học rằng các dân tộc phương Đông trước khi chịu ảnh hưởng của phương Tây không có tinh thần ái quốc mà chỉ biết trung quân, mà quan niệm về quốc gia, dân tộc là do phương Tây mang lại. Gần đây tôi lại thấy một nhà cầm bút Việt Nam lặp lại y hệt. Tôi tự hỏi năm 1925 dân làng Phương Khê chúng tôi không đọc sách báo Việt, chứ đừng nói là Pháp, thì được ai tiêm cho tinh thần quốc gia, dân tộc mà sao chúng tôi không "trung" với Khải Định, lại ngưỡng mộ cụ Phan như vậy?

Nhưng nào phải chỉ có Pháp mới ngốc.


(Nguyễn Hiến Lê,
Để tôi đọc lại, nxb. Văn Học, 2001. Nhan đề phần trích tạm đặt.)