Bùi Giáng có bài thơ “Ở Ðời Chút Kỷ Niệm Cỏ Thơm”. Chẳng biết “cỏ Bùi” có thơm như cỏ mật trên núi Voi không. Ở đời, đâu phải ai cũng có được một mùi hương dịu ngọt để tưởng nhớ suốt đời... (TT)



Đỗ Chu, “Hương cỏ mật”




Sau làng em có trái núi Voi, núi Voi đối với tụi nhỏ chúng em như người bạn lớn tuổi hiền từ. Voi cho chúng em bao nhiêu thứ: những cụm cỏ mật khô thơm ngào ngạt, những viên đá cuội trắng nõn, tối tối mang đập vào nhau, lửa tóe ra, một thứ lửa có mùi thơm như mùi mật ong cháy. “Vòi Voi” là một bãi cỏ tươi tốt quanh năm, đất ở đây mềm như đất ruộng màu, ngày xưa có chỗ chân trâu ngập móng. Chúng em thường lên đó chăn trâu. Trong các bạn cùng xóm, em thân nhất với Phương. Chính cái Phương đã bảo em cách làm cho cỏ mật còn xanh hết mùi hắc. Chỉ cần buộc túm những cụm cỏ xanh ấy lại, đem phơi nắng rồi hong gió, cỏ héo vàng đi, tỏa hương thơm dìu dịu (...) Khắp mình Voi mọc đầy cỏ mật, chăn trâu trên núi, khát nước, tìm những lá sạch ăn ngọt lắm. Tụi nhỏ làng em đứa nào cũng thích cỏ mật, trong túi cái Phương bao giờ cũng có một cụm đã héo. Dù nó đã bảo cách làm bao nhiêu bận, em cũng không thể làm được những cụm cỏ khô như thế: những sợi cỏ rất thơm, rất dai, rất óng. Cuối đông, người làng em lên núi đốt cỏ lấy tro, lửa cháy bập bùng suốt đêm. Sáng ra, đánh trâu qua núi sang Vòi nhìn thấy lưng Voi bị cháy loang lổ, đứa nào cũng thấy thương thương, tưởng như trên mình bị trầy da sướt thịt.

Cỏ đốt rồi là mùa xuân đến. Từ những đám đất phủ đầy tro trên mình Voi, cỏ mật non đâm lên mơn mởn, màu vàng óng, nếu có ngọn nào màu xanh là không phải cỏ mật. Những sớm như thế, dắt trâu lên mình Voi, chân thường cóng lạnh vì sương ướt trong tro đen và những gốc cỏ mật già chưa cháy hết đâm vào gan bàn chân rất đau. Lúc ấy, chỉ có cách ngồi lên lưng trâu, đánh trâu lên đỉnh núi, tìm những đám cỏ mỡ nhất, óng nhất cho trâu (...)

Vừa rồi, Tuân có nhận được một lá thư của cô:

“Tuân yêu của cô! Mùa xuân đang trở lại rồi, mưa phùn chắc là đang đánh thức cỏ mật trỗi dậy khắp trên núi Voi... Nếu như Tuân xin được phép trong mùa xuân này, dẫn cô về thăm quê thì cô vui biết bao! Thầy đã trở lại Tây Bắc từ chiều qua rồi, em biết chưa?”.

Lá thư rất mỏng, nhưng anh đã đọc nhiều lần đến nỗi thuộc lòng (...) cùng với lá thư, hương cỏ mật dịu ngọt của quê nhà sao lại như có ở quanh đây! Mấy tháng nay, anh đã hành quân qua nhiều đồng nhiều núi, nhưng chưa hề tìm thấy một cụm cỏ mật nào, dù là một cụm rất bé...


1962

(Trích từ bài Hương Cỏ Mật trong tập truyện ngắn
Chuyện Mùa Hạ của Ðỗ Chu, nxb. Văn Học, 2010)