Ở Bình Ðịnh, bồng chanh có nghĩa là hay xía vô chuyện người khác, xía cách hiền lành, vô tư.

“Làng tôi” trong bài ký sau đây là một làng ngoài Bắc. Cái con chim bồng chanh “mình đỏ như lửa lúc nào cũng lim dim đôi mắt đậu trên một cọng sen khô” trong đầm sen cạnh làng, con chim ấy qua lời Ðỗ Chu chẳng hề bồng chanh Bình Ðịnh một chút nào. Tên nó thế, không biết có phải vì quanh nơi nó đậu từ bồng chanh mang một nghĩa khác?

Dù sao, đó là một con chim thật ngộ. Ước gì có dịp ghé “làng tôi” thăm nó.

(Thu Tứ)



Đỗ Chu, “Bồng chanh đỏ”




“... Vợ chồng đôi bồng chanh đỏ năm nay đã về làm tổ ở chỗ gốc vối chưa, anh tin là thể nào nó cũng quay lại đầm nước làng mình. Nó bỏ làm sao được cái đầm sen đẹp như vậy, phải không em (...) Trong cánh rừng bọn anh đóng quân có rất nhiều giống chim lạ, nhưng bồng chanh đỏ thì anh chưa hề gặp (...)”.

(...) Tôi có cảm tưởng chỉ ở đầm nước làng tôi mới có bồng chanh đỏ (...)

Con chim ấy thường đậu trên một cọng sen khô ven đầm. Trông nó thật rực rỡ. Cái mỏ nhọn hoắt và oai vệ, dài như một cái quản bút. Lông ức hung hung vàng, còn thì toàn thân đỏ hồng như một đốm lửa. Chao ôi, đã bao nhiêu lần anh em tôi đứng trên bờ đầm ngắm nhìn không mỏi mắt bộ cánh rất đẹp của nó. Ðừng bao giờ bạn tưởng nó đang ngủ gật nhé, cứ lim dim mắt và đậu lì một chỗ như thế đấy, nhưng chỉ cần một hòn sỏi nhỏ rơi xuống nước là lập tức cái đầu tinh khôn của nó nghểnh cao lên ngay. Lúc đó, bạn sẽ thấy nó láu lỉnh một cách lạ lùng. Chính tôi đã phải thất vọng vì không sao lại gần nó được (...) Hãy thử bước thêm lên một bước. Một bước nữa. Thế là rõ rồi, nó vờ ngủ đấy thôi. Nó chẳng bỏ qua một hành động nhỏ nào của ta hết. Cái đầu ranh mãnh của nó lại đang nghiêng nghiêng ngó ngó kia rồi. Chỉ cần ta tiến lên một bước nữa hoặc vung tay một cái là nó sẽ bay vụt đi ngay.

Tôi không còn nhớ chính xác vào khoảng thời gian nào mình đã gặp bồng chanh lần đầu tiên trong đời (...) Dạo ấy tôi còn là một thằng bé con, thường theo anh ra ngoài đầm nước sau làng để anh dạy bơi (...) chính anh đã chỉ cho tôi nhìn thấy nó.

- Một con chim màu đỏ, mày không nhìn thấy sao. Hãy nhìn thật kỹ, nó rất dễ lẫn với hoa sen.

Rồi biết tôi có nhìn lâu hơn nữa cũng khó mà thấy được, anh Hiền nhặt một hòn đất ném mạnh. Giữa bãi sen xanh rì, một con chim nhỏ, không, một bông hoa đỏ rực, một đốm lửa, bỗng bay bổng lên cao. Nó không bay xa, chỉ một thoáng đã quay lại, đậu xuống chỗ cũ. Từ phút đó tôi biết là mình sẽ không bao giờ quên được con chim kỳ lạ này.

(...) bồng chanh chỉ là một con chim nhỏ bé, rất dễ lẫn với những bông hoa. Nhưng bọn trẻ chúng tôi chẳng đứa nào quên được sự có mặt của nó ở đây và dù nó luôn luôn khiêm tốn, ngủ gà ngủ vịt trong một góc đầm, chúng tôi vẫn nhìn thấy như thường.

Có một lần, dăm đứa vốn hay đi lang thang nhất làng đã ngồi trên bờ đầm tranh cãi với nhau mãi về nó.

- Tao cam đoan đây là một chú chả.

- Bồng chanh bồng quít gì cho nhiêu khê, cứ gọi nó là bói cá, mắt tao đã nhìn thấy nó lao xuống chộp mồi như một chú bói cá. Nó cứ đứng im như treo trên không trung rất lâu rồi vút một cái, cắm thẳng xuống nước.

- Bói cá hay chả thì lông phải xanh chứ sao lại đỏ?

Chẳng hiểu chúng nó còn phải gân cổ lên với nhau như vậy đến bao giờ nếu lúc đó anh tôi không kịp thời xuất hiện để đứng ra phân giải:

- Bồng chanh, bói cá đều thuộc họ chả. Nó làm tổ trong lòng đất. Chỗ gốc vối đằng kia nhất định phải có tổ của nó. Hai vợ chồng bồng chanh thay nhau một con đi kiếm ăn, một con ở nhà. Chúng đẻ trứng vào mùa xuân, sang mùa hạ thì chim non đã lớn và bắt đầu đi kiếm ăn một mình. Chúng sống thành từng đôi một, rất đầm ấm và chuyên cần. Các cậu nhìn, kia là con vợ đang chờ chồng mang mồi về mớm cho con.

Thật là tài tình, vừa hay khi chúng tôi quay ra nhìn theo tay anh Hiền chỉ thì một chú bồng chanh thứ hai, cũng đỏ rực như một ngọn lửa, từ đâu đã bay về. Nó đậu trên cành vối, cái mỏ ngậm mồi quay ngang quay ngửa như đang tỏ ra e ngại trước sự có mặt của chúng tôi. Không một tiếng kêu, bồng chanh vợ vội bay từ dưới đầm lên đậu bên cạnh chồng. Chúng rù rì trao đổi với nhau vài lời gì đó, chắc là con vợ bảo:

- Nhà nó chớ có ngại, bọn kia từ làng ra tắm và tán gẫu đấy thôi.

Nghe lời vợ, anh chàng liền cất cánh bay bổng lên, làm một động tác giả để đánh lừa chúng tôi, xong sà sát mặt nước rồi mất hút sau đám lá sen. Chúng tôi đều biết thừa là nó đã chui tọt vào tổ rồi.

(...)

Bạn nhớ nhé, làng tôi nằm bên một đầm sen rộng, mùa hạ hoa nở bát ngát, làng có cổng làng, còn trong đầm thì có một con bồng chanh mình đỏ như lửa lúc nào cũng lim dim đôi mắt đậu trên một cọng sen khô (...)


Tháng 5 năm 1972

(Trích từ bài Bồng Chanh Ðỏ trong tập truyện ngắn
Chuyện Mùa Hạ của Ðỗ Chu, nxb. Văn Học, 2010)