“Trai gái phải lòng nhau, quá nửa đêm (...) rủ nhau đi (...) đến cái miếu hoang giữa cánh đồng xa”. Ðến miếu làm gì “trong đêm lạnh mờ sương”? Chắc chắn không phải để tiếp tục hát quan họ. Móc ô, treo nón, áo và áo tạm không dùng đến hãy đem trùm lên đầu tượng cho mắt thiêng khỏi phải trông thấy cảnh phàm... Ðêm “dù lạnh lẽo (...) họ còn biết gì là lạnh lẽo?”!

“Trong 50 ngày ấy”, bao nhiêu cuộc tình đã “kết” nơi những miếu hoang? Hoàng Cầm cho biết “lệ làng quan họ là không được vượt qua ranh giới giữa tiếng hát và tình chăn gối” kia mà (xem “Nghịch lý quan họ”). Ờ, ra mặt vợ chồng mới bị…, chứ giờ Tý canh ba đưa nhau tới một chỗ “rất xa” mà “tình chăn gối” không gối không chăn thì ai biết mà khai với trừ.

Dĩ nhiên, nếu sự “trao duyên nồng nàn đằm thắm” rồi làm bật lên tiếng oa oa, thì đôi lứa đa tình sẽ phải trả giá.
(Thu Tứ)



Hoàng Cầm, “Quan họ tháng Giêng”




Trở lại ngày hội... Các phường hát thi xong thì tỏa ngay ra cánh đồng làng và tự do, phường nữ nào thích hát với phường nam nào cứ việc hát, dù là dưới gốc cây gạo đầu làng hay lên đỉnh đồi Lim gần đấy. Ðến đúng Ngọ thì các phường lại kéo nhau về làng Bựu để nghe bô lão tuyên bố kết quả cuộc thi (...) Mặt trời ngày 13 tháng giêng thường nhiều mây mờ che khuất, trời dâm mát, có khi còn cái rét đài, các cô các cậu lại kéo nhau ra bãi, lên đồi hoặc ra tận bờ sông, cũng có phường ngồi tại chỗ hát cho đến sẩm tối. Qua bữa cơm chiều đâu đó, lại hát đến nửa đêm rồi mới ai về nhà ấy. Nói riêng cho em biết nhé. Ðôi khi có những cặp trai gái phải lòng nhau, quá nửa đêm rồi không về nhà lại rủ nhau đi... Ði đâu trong đêm lạnh mờ sương ấy? Giá như em bấy giờ còn bé bỏng mà tò mò thì có thể theo chân đôi lứa ấy đến cái miếu hoang giữa cánh đồng xa, có thể còn rất xa đấy em ạ. Nhưng dù theo đến đâu cũng không thể biết chỗ tận cùng của cuộc giao duyên ấy là nơi đâu. Lứa đôi ấy như biến hẳn, như mất tích trong sương mù ấm áp (hay dù lạnh lẽo nữa thì họ còn biết gì là lạnh lẽo?) Dẫu (...) Xéc-lốc Ôm cũng (...) không thể tìm ra dấu vết cuộc tình quan họ, đành phải đứng trơ ngoài cánh đồng Tiên Du mà cười, thầm chúc mừng cho họ đã biết thương nhau. Ấy vậy quan họ là thế đấy, em ạ.

Thế là qua ngày hội chính. Từ ngày 14 tháng giêng trở đi, các cuộc hát vẫn cứ thế mà nối đuôi nhau, vào những năm được mùa thì hát suốt đến tháng hai, có khi hết cái rét nàng Bân, trời sắp sang hè rồi mới chấm dứt.

(...) Mỗi làng như làng Bựu, trung bình có ba phường nam, ba phường nữ. Một ngày có ba canh hát. Chỉ kể 49 làng quan họ thuở trước thôi, và cứ cho là hát hết tháng hai thôi, vị chi là khoảng 50 ngày, em tính xem bao nhiêu canh hát (...) Quan họ là tình ca, nghĩa là hát để yêu nhau - yêu nhau mà hát thì em ước tính bao nhiêu cuộc tình đã diễn ra trong 50 ngày ấy?


(Trích
Hoàng Cầm tác phẩm - văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)