“Cái cò lặn lội bờ ao” hay “bay lả bay la” ngoài đồng, người Việt Nam ai chẳng “quen” con chim ấy. Nhưng quen không phải là “biết” nhé. Cò gần ta đấy, mà cũng xa ta đấy: hiếm người biết cái tổ cò nó ra sao, càng hiếm những đứa trẻ rình rập tổ cò để bắt cò con về nuôi chơi. Ở nhà quê suốt đời, thấy cò lội cò bay đến mòn cả mắt, nhưng nếu được bảo rằng trứng cò màu xanh lơ, có lẽ nhiều bác nông phu sẽ ngạc nhiên, “thế à!”!

Ðỗ Chu dẫn ta vào vườn cò, cũng là vườn trám, nhân thể dắt ta đến thăm một cây gạo già, để ta nằm ngửa dưới gốc cây mà nhìn lên những “đám mây trắng vừa trôi lừ đừ vừa nhòm xuống”...

(Thu Tứ)



Đỗ Chu, “Vào vườn cò”




Hai bố con anh rủ nhau vào vườn cò.

Ðó là một khu đất rộng ven sườn núi, trám trắng mọc rất nhiều. (...) Ở đây, về mùa hè, cò từ khắp nơi tìm tới; chúng làm tổ trên những ngọn trám ấy. Lũ trẻ chơi tha thẩn trong vườn thường rút những sợi bìm bìm nhỏ quấn lại thành tổ rồi đặt lên những gạc trám. Cò mẹ, con nào khó tính thì làm lại, có con thì đẻ luôn vào đấy. Nhiều khi chúng đẻ lẫn cả vào tổ của nhau, cái giống cò phần nhiều đều thật thà và dễ tính như thế. Cò về đẻ trứng gần một tháng là bắt đầu ấp, từ trong mỗi quả trứng xanh lơ ấy sẽ có một chú cò con mổ vỏ chui ra kêu đói. Cò mẹ cò cha thay nhau tỏa đi các cánh đồng xa gần bắt mồi mang về mớm cho con. Những chú cò hương cần mẫn ra đi từ sớm tinh mơ, hai chân duỗi thẳng ra sau, nghiêm túc; những cô cò lửa duyên dáng nghiêng mình hát cho các con nghe lúc chiều tối, đôi cánh mỏng như được dát vàng trong ánh hoàng hôn (...)

Ở giữa vườn trám có một cây gạo già, nhưng cò không bao giờ làm tổ trên cây gạo. Cành gạo thưa, gió khẽ lay là rơi mất tổ. Ðứng trên đỉnh núi nhìn xuống vườn cò, giữa màu xanh rậm rì của những lùm trám, nổi bật lên màu hoa đỏ rực của cây gạo. Cây gạo rất đẹp, nhưng đấy là cái đẹp kiêu kỳ. Mùa xuân, cây gạo rụng lá và ra hoa, mùa hè hoa rụng để kết quả, và khi sắp sang thu thì cây gạo bắt đầu khoe bông trắng nõn. Cây gạo cứ sống cô đơn buồn tẻ như thế giữa tiếng đùa bỡn và kháo chuyện ầm ĩ của họ nhà cò trên các ngọn trám xanh ngắt xung quanh (...) bọn trẻ con trong làng vào chơi thường tìm đến gốc gạo. Ði qua những rặng trám âm u, tới gốc gạo, đứa nào cũng cảm thấy thoải mái. Trên những cành gạo đan rất thưa với nhau là cả khoảng trời xanh thăm thẳm, từng đám mây trắng vừa trôi lừ đừ vừa nhòm xuống vườn, nắng ấm rung rinh chảy xuống vườn cho cỏ mọc lên xanh non quanh gốc.

(...) Bài nhìn lên trời, con mắt anh mơ mơ màng màng; những đám mây trắng mệt mỏi trôi trên trời cao. Cái nắng sang hè ở quê nhà dễ làm người ta say và đâm ra buồn ngủ. Mùi hoa gạo tỏa lên chua mát cả bãi cỏ (...)

Bài đang chập chờn đi vào giấc ngủ như thế, bỗng một bông hoa gạo rơi độp trên ngực làm anh giật mình choàng ngồi dậy. Tịch híp há miệng cười khanh khách, nghe như tiếng cò bợ súc miệng. Một cơn gió đầu mùa ập tới như muốn tìm bắt tiếng cười ngây thơ ấy, và những cành gạo khắc khổ sẽ rung lên, hàng chục bông gạo chín nhừ lộp bộp rơi xuống nằm im trên cỏ (...)


(Trích từ bài Thung Lũng Cò trong tập truyện ngắn
Chuyện Mùa Hạ của Ðỗ Chu, nxb. Văn Học, 2010. Nhan đề phần trích do người chọn tạm đặt.)