Nền nếp Việt Nam nghìn năm đấy, cao kém gì ai. Cái nền mới của ta, nó sẽ ra sao nhỉ? Một khối liền lạc, chặt chẽ, chứa chủ yếu là chất Việt với một số yếu tố ngoại nhập đã được Việt hóa đến nơi đến chốn? Hay một đống lổn nhổn những cục, những mảnh, những vụn nền Tàu nền Tây?! (Thu Tứ)



Tô Hoài, “Chào và hỏi”




Câu tục ngữ "tay bắt mặt mừng" ý rằng lâu không gặp nhau, vẫn nhớ nhau nên mừng rỡ nhìn mặt nhau nắm tay nhau (...) không giống "bắt tay" theo phép chào hỏi của người châu Âu (...) Tuy nhiên, việc bắt tay là một thói quen ngoại nhập đã được Việt Nam hóa và phổ biến hợp với "tay bắt mặt mừng" của ta (...)

Phong tục chắp tay chào hỏi của ta đã có từ lâu (...) Ðón khách hay tiễn khách, chủ nhà bước ra, hai bàn tay úp chắp nhẹ nhàng vào nhau, hơi cúi đầu (...)

Hai chữ chào và hỏi (...) nghĩa (...) là: chào người trên, người ngang vai và hỏi người dưới. Không chào người dưới, nhưng thường ngỏ lời khéo và thân: Thế nào, hồi này con (chú, cháu) có khỏe không, vẫn đi học chứ? (...)

Chào hỏi là bước giao tiếp đầu tiên và quan trọng vì người gặp sẽ nhớ mãi cử chỉ ấy, cho nên, đã có câu "lời chào cao hơn mâm cỗ" (...)

Ở trong nhà thì "đi hỏi về thưa" với các bậc trên, ông bà, bố mẹ, các anh chị. Về nhà hay ra khỏi nhà, đều chào hỏi, thưa gửi (...)

Ngoài đường, trong làng hay trong phố cũng thế (...) họ hàng, láng giềng và quen biết (...) đều chào hỏi nhau. Với các cụ ông cụ bà, các vị cao tuổi (...) miễn là biết mặt, biết tiếng, đều lễ phép chào hỏi. Ðương đi nhanh, bước chậm lại, dừng lại, chắp tay (trẻ con, học sinh thì khoanh tay) cất tiếng chào (...)

Khi nói, khi chào, không nói cộc lốc, trống không. Nói như thế, chào như thế, thà không chào, vì thế là ăn nói vô lễ (...)

Bây giờ chểnh mảng nhiều (...)


(Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)