Trong lời giải thích tại sao chọn hoa sen làm biểu tượng, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam có nhận xét rằng hoa sen “vừa đời thường lại vừa cao quý”. Vì cao quý nên sen được lên tận Niết-bàn làm chỗ cho Phật ngồi. Vì đời thường nên sen ở dưới ao đợi học trò nhỏ đi qua hái đội. Ðến những hạt ngọc trai đọng trên sen, chúng cũng vừa nọ vừa kia: khi từng hạt trôi xuống cổ họng non tơ của bé, khi vô số hạt rủ nhau cùng chui vào ấm trà cầu kỳ của ông nội bé!

(Thu Tứ)



Thanh Hào, “Sen tuổi thơ”



Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng


Thuở nhỏ cắp sách đến trường làng, trường huyện (...) bên đường hương sen thơm ngát tỏa lên từ dưới đầm. Cái gió thơm phả vào mặt, vào người làm những cánh mũi phập phồng. Khi ta về nhà, mùi hương còn quyến luyến, tưởng như giơ tay xoa trên đầu, trên mặt vẫn còn thơm.

Thật thú vị, mấy đứa con trai, con gái để sách bên bờ đầm, lấy cái thước kẻ kều kều cái bông sen, túm lấy cẳng sen mà kéo, cẳng sen đứt “phựt” từ dưới nước. Những sợi tơ trong cẳng sen nhả ra, thả dài xuống mặt đầm, như còn lưu luyến cái cội rễ trong bùn. Cái chất “hôi tanh” ấy đã nuôi sen, để có hương thơm ngát trong trời. (Sau này đọc Kiều (...) mới hiểu (...) “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” là như vậy.) Tay cầm bông hoa sen đưa lên mũi, đứa nào cũng hít lấy, hít để (mặc dù chẳng cần làm thế), tận hưởng cái hương thơm mát rượi cây chắt lọc từ đáy bùn sâu. Những hạt nhị sen trăng trắng bao quanh cái đài sen vàng vàng như nắng đọng, có những lỗ lấm chấm, hàng hàng vòng quanh cái mặt đài sen hình phễu, báo hiệu sự hình thành của những hạt sen non. Ðứa háu ăn, tẽ đài sen ra, cái hạt sen non mới thành hình, vỏ hạt sen trắng như con nhộng non, bỏ vào mồm nhai, có tiếng “bép” nổ khẽ nơi đầu lưỡi, tứa cái vị chan chát, đủ làm cho nét mặt hơi nhăn lại, nhìn nhau cười (...)

Buổi sáng đi qua đầm sen, nhìn những hạt sương đọng giữa lá sen, lóng lánh như viên ngọc trai (...) Con trai, con gái ngồi xuống cạnh bờ, kéo tán lá, ghé miệng húp lấy giọt sương, uống cái mát lạnh từ mây trời gửi xuống. Những giọt nước ít ỏi, thơm mùi lá sen tưởng như đó là những hạt nước của bà tiên gửi cho bọn trẻ con học trò (...)

Trưa nắng, về qua đầm sen, hái cái lá đội đầu. Lá sen còn phấn trắng quệt vào bên má, mùi lá sen thơm thơm cứ ngỡ mình vừa được ăn cốm (...)


(Trích từ bài Ðầm Sen trong tập
Sông Hồng và làng bãi của Thanh Hào (nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2009). Nhan đề phần trích tạm đặt.)