Những cái vạt sau của chiếc áo dài Huế, chúng mà biết mắt Nguyễn Tuân để ý đến nơi chúng “ấp” thì e bao nhiêu màu sắc cầu kỳ sẽ biến cả thành màu đỏ ửng vì thẹn!

Con mắt Nguyễn không chỉ theo dõi áo thôi đâu mà vừa bao quát “quần áo trên dưới” vừa soi tỉ mỉ “trong ngoài”. Chao ơi, những “hàng tơ” ấy khéo đến thủng mất!

Lên cầu mà không chịu qua, mà cố đứng đợi xem gió Huế giở đủ thứ trò “si tình” với gái Huế, ờ, không thế sao nên tùy bút nhỉ.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Đứng trông Huế qua cầu”



(...) Cái thứ mưa dầm ở Huế có cái công dụng là đay nghiến chì chiết đến lòng người.

Những ngày lữ thứ, ngồi co ro ở quán trọ nhìn Huế mưa liên hồi, mà lại tuyệt lương nữa thì tưởng có thể uống ngay được một liều thuốc vĩnh biệt, nếu sức sống trong lòng mình không còn nhắc cho một chút phấn đấu gì. Thường niên Huế không có Tết Trung Thu. Vào cữ này quả kim phong vũ biểu ở đây lúc nào cũng chỉ lả lay ở khoảng mưa và ấm thôi. Tôi là người vốn thích thú chơi mưa mà tôi cũng phải khiếp cái lối Huế mưa “mang mang và tuyệt kỳ”.

Nằm nghỉ ở nhà bạn ngày hai buổi đi dạy học, tôi tựa cửa nhìn mưa bay và chờ cái phút tan buổi học, Ðoàn về hai đứa mang rượu ra khiển muộn (...) Ðoàn ra trường rồi, tôi khoác cái áo mưa nhẩn nha đi về nẻo đầu cầu Thành Thái nhìn những khách qua cầu. Muốn thấy người Kinh cho đầy đủ mặt trong cuộc sống không gì bằng ra đứng ở đầu cầu Thành Thái. Rồi tôi lại thấy thêm rằng trong cuộc sống ở đây cái gì cũng có vẻ ít cần lắm. Nước chảy chầm chậm. Lá rơi nhè nhẹ. Con sông lừ đừ. Người ta lờ phờ. Và hình như ở Kinh này, người ta biết vội vàng chỉ vào cái lúc qua sáu nhịp cầu Thành Thái này thôi.

Những ngày mưa đứng ở đầu cầu mà nhìn những người đàn bà bộ hành qua trên sông, mặt hoa chùm lụm dưới nón lá, phận liễu co ro trong áo tơi lá - cũng đã là tội rồi mà dáng dấp của người không khoác áo tơi lá, mình chiếc áo đơn, lúc này trông lại càng bắt ngán. Những màu áo hàng đơn lộng lẫy và dìu dịu dưỡng mục vào những kỳ hạ trời khô sáng ấy, giờ đã nhẽo nhèo và xuống màu càng làm tối thêm sắc trời u ám trên sông mưa. Nó dính chặt vào da thịt và tố cáo những thân hình khẳng kheo. Vào ngày hè rực rỡ thì những cái khẳng kheo này có cái nghĩa là dong dỏng, thuôn thuôn, manh mảnh rất quý tộc và rất dễ thương. Thật vậy, vào cữ hè không mưa, đứng ở đầu cầu như một gã du thủ du thực mà ngắm người qua sông tôi lại thấy được tất cả cái sán lạn nõn nường của đất Kinh. Những thân hình cao vút - đi ngăn ngắn như thiếu phụ Nhật bản chân bước vướng bận vì tấm xiêm y và đôi guốc lôi thôi - một tay kéo nghiêng mép nón bài thơ xuống, một tay mím lấy gấu tà áo sau ấp lấy mông trông mà chỉ muốn vẽ ngay. Những màu hỏa hoàng, màu khói nhang, hoa liên, nguyệt bạch, cánh sen, phấn hồng, tử vi, hồ thủy, tím than, tím bạch nhật, xanh nõn liễu, xanh da trời, xanh lá mạ, xanh cánh chim chả, xanh lúa con gái, tình ơi! còn xanh những gì nữa? Quần áo trên dưới, trong ngoài đều là hàng tơ cả, mỗi đợt gió sông bắt gặp vừa thổi lồng vào là cả một điệu vũ cuồng dại. Và tôi cũng chưa thấy cái thứ gió nào mà si tình đến như cái luồng gió sông Hương, lúc có người đàn bà qua sáu nhịp cầu Thành Thái, nó cứ tríu chặt lấy thân người.

Mưa mãi. Mưa hoài. Mưa rào đổ xuống mái nhà thầy đồ Ðoàn và mau nghe cứ như tiếng máy khâu lúc kim chỉ ăn nhanh xuống vải hồ. Ðến lúc cái chậu thau ngoài hiên chỉ còn kêu lóc bóc rất thưa thớt để đón lấy giọt gianh thõng thẹo trong đêm tối, mấy đứa tôi lại lần qua sông mưa. Cầu đêm vắng người, rộng hẳn ra và sáu dịp sắt xám buông trên dòng đen lạnh cũng dài thêm được chút nữa.


(Trích từ bài Một Lần Ði Thăm Nhau trong tập
Tùy bút. Nhan đề phần trích do người chọn tạm đặt.)