Ðại khái, theo Võ Phiến, truyện Hoàng Ngọc Tuấn chủ yếu là Tình Yêu và Thiên Nhiên diễn bằng thứ lời từ “thơ thơ” cho đến rất thơ.

Nói văn xuôi thơ, dễ nghĩ đến văn cầu kỳ, trau chuốt, bóng bẩy, du dương... Không phải văn HNT đâu. Ông chỉ viết ra những lời hết sức giản dị, đời thường, có khi gồm cả lời chửi. Thơ, đâu cứ phải là thơ mộng.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Truyện Hoàng Ngọc Tuấn”




Thư về đường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng? - Không. Là thơ đấy. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít nhiều hoặc rất nhiều tính chất thơ. Ðến như Thư về đường Sơn Cúc thì chính là một bài thơ. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.

Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác - những tác phẩm “hình như là tiểu thuyết” - Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài: Tình Yêu và Thiên Nhiên. Trong Thư về đường Sơn Cúc, hai mối say mê nọ càng quấn quít mật thiết, càng như chan hòa làm một: Tình yêu giữa người Bạn Lớn với người Bạn Nhỏ được phát khởi do lòng thiết tha của cả hai đối với Thiên Nhiên. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn về mặt đề tài.

*

Người Bạn Nhỏ mà chúng ta gặp ở đây là một người bạn quá nhỏ. Người Bạn Lớn cũng nhận thấy thế, cho nên cuối thư chỉ xin đặt một chiếc hôn ở nơi trán. Nhưng ai nấy hãy yên trí: Trước sau gì rồi chiếc hôn cũng sẽ được đưa xuống xa hơn, cũng sẽ được đặt ở một nơi nào thích hợp với tình yêu hơn. Bởi vì, bất chấp sự cách biệt tuổi tác, đây chính thị là Tình Yêu.

Đối tượng bao nhiêu tuổi là chuyện không đáng kể, là không thành chuyện trong các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn. Người Bạn Nhỏ không nên ái ngại: cô ta đâu có phải là một trường hợp đặc biệt? Trong tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn đã từng có những người tình bé bỏng hơn nữa, được gọi là “nó” (Mùa Xuân Cuối Cùng), là “con bé”, là “con sóc nhỏ” (Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên) v.v., cũng như đã có những người tình lớn tuổi hơn hẳn (như trong Thuở Ấy Có Nhà). Cách biệt tuổi tác không cản trở, mà cơ hồ cũng không có cái gì khác cản trở được tình yêu ở đây. Hoàng Ngọc Tuấn có thể viết rất hồn nhiên: “Thuở ấy tôi yêu cô Dạ Thảo vô cùng và tôi quả quyết với bạn bè là cô giáo cũng mê tôi như chết” (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ). Có mối tình giữa cô giáo và học trò, có mối tình giữa chị em họ (Thuở Ấy Có Nhà), có mối tình với gái giang hồ (Canh Bạc Của Một Vài Người) v.v.

Nhân vật của Hoàng Ngọc Tuấn yêu hết sức hồn nhiên và yêu hoàn toàn trong sạch. Giữa cái xã hội văn minh đầy khích động của dục tình hiện nay, nếu thỉnh thoảng gặp một người cần tìm đến ẩn lánh ở một cõi thanh khiết thoát phàm, ta có thể không chút ngần ngại giới thiệu người ấy với thế giới tình yêu của Hoàng Ngọc Tuấn. Thế giới của những người tình chị mỗi sáng ra lệnh cho người tình em đếm hộ những cánh buồm trên mặt biển, của những người tình chú mỗi ngày sắm đủ cả kem và bàn chải đánh răng cho người tình cháu, của những người Bạn Nhỏ gửi lá cỏ chông chông cho người Bạn Lớn xa xôi... Chỉ có tình, không hề có dục. Ðẹp và lành không chịu được.

Các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn gợi lên cái thời của ca dao, của cu gáy bướm vàng v.v. Nghĩa là một thuở nào hoàn toàn xa lạ với thời kỳ của thân xác hừng hực, thời kỳ nhiễm độc vì những khích động cao độ mà chúng ta đang sống.

Bởi nó không giống với thứ tình yêu hỗn hễn, đổ lửa của hôm nay, cho nên nó khiến cho kẻ đối diện còn ngờ ngợ: “Hình như là tình yêu đây chăng?”.

Nhưng đã biết rõ Hoàng Ngọc Tuấn rồi thì không còn ngờ vực gì nữa. Chính Nó đấy. Chính là thứ Tình Yêu tuyệt vời mà cuộc sống văn minh toan đánh mất của chúng ta.

*

Người ta gặp lại ở Hoàng Ngọc Tuấn thứ Tình Yêu đó một cách bất ngờ. Cũng như gặp lại Thiên Nhiên thật bất ngờ.

Nguyên sự có mặt của thiên nhiên trong tác phẩm văn nghệ lúc này đã là điều lạ. Thật vậy, hồi gần đây, trong tác phẩm cơ hồ chỉ có ta và địch, có kẻ giàu người nghèo, có thân phận với suy tư dằn vặt, có tự kỷ và tha nhân v.v. Nghĩa là chỉ có hoặc những đấu tranh, hoặc những ra rít, chỉ có người và người quần với nhau. Khắp cùng, mọi cái nhìn đều châu hướng về cuộc sống xã hội, về con người. Họa hoằn mới bắt gặp trong nghệ phẩm một khung cửa mở về hướng thiên nhiên. Hoàng Ngọc Tuấn là trường hợp họa hoằn như thế.

Bóng dáng thấp thoáng mơ hồ của chàng trai cùng cô bé Thùy một buổi sớm mai chờn vờn ẩn hiện trong màn sương mù trên khu rừng cao nguyên (Mùa Xuân Cuối Cùng) chắc chắn sẽ cùng với bóng dáng của hai chị em Hàn Mặc Tử thuở nào chơi giữa mùa trăng kết thành những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà văn chương hiện đại có thể lưu lại.

Rừng sương cao nguyên đẹp lắm, con đường Sơn Cúc ở sườn non ven biển rất đẹp v.v. Nhưng có khi không cần đến những cảnh đẹp như thế. Mặc ba chiếc áo sơ-mi thật dày chồng lên nhau, trùm một chiếc mũ to tướng của ông cậu lên đầu, rồi đi lang thang với một gã lớn tuổi dưới trời đông lạnh buốt, trao đổi với nhau những câu nói lạc mất trong tiếng mưa, đòi hút cho được điếu thuốc cay xè thuở mười lăm tuổi trong lúc mắt nhìn ra ngoài trời mờ mịt (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ), đó không phải là một cách thưởng ngoạn thiên nhiên vô cùng ý vị sao? Không có cái thiết tha đối với từng biến chuyển của tiết trời, không thấu triệt ý nghĩa thâm thúy của từng tiếng gió trận mưa, nhất định không sao có thể đốt được những điếu thuốc một cách hợp thời hợp cảnh như thế.

Thiên Nhiên đâu có cần luôn luôn xuất hiện trong những màn trình diễn huy hoàng? Kẻ gắn bó bằng mối thâm tình thật sâu xa có những lối tiếp cận Thiên Nhiên giản dị mà thân mật thấm thía, với một khói thuốc, một ngụm cà-phê vào đúng lúc, đúng nơi.

Hoàng Ngọc Tuấn đối với Thiên Nhiên chắc chắn cũng tương đắc thân thiết như người Bạn Nhỏ đối với người Bạn Lớn vậy.

Người Bạn Lớn gửi một lá Thư về đường Sơn Cúc. - Ðường ấy ở đâu vậy? Có con đường ấy chăng? Có loài hoa ấy chăng? - Xin nhớ truyện vốn dĩ là bịa! Mặt khác, độc giả có thắc mắc cũng bình thường, vì cái thực tại mà truyện bịa nên thường rất giống thật, trong khi bản tính ngông nghênh của Hoàng Ngọc Tuấn làm cho “thực tại bịa” trong truyện ông nhiều khi trông là lạ. Cái ngông khiến cho hành tung cô Bạn Nhỏ ở đây bị đẩy xa ngoài cõi truyện mà vào cõi thơ huyền ảo, khiến cho cảnh sương mờ cao nguyên ngày nào nhuốm vẻ hư hư thực thực, khiến cho bao nhiêu nhân vật (nhất là những nhân vật phái nữ, được tác giả cưng nhất) và bao nhiêu tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đều mang những tên gọi thật ngộ nghĩnh.

Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, ông Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Ông vừa ngông, lại vừa nghịch. Vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên ông quyến rủ vô tả.

*

Tất nhiên, tuổi trẻ sẽ giành Hoàng Ngọc Tuấn cho Hôm Nay. Sẽ giải thích sự thành công của ông (vì quả thật ông là một thành công rực rỡ, một tài năng xuất sắc và độc đáo bậc nhất trong lớp cầm bút trẻ lúc này) bằng tính cách thích hợp với khát vọng, với tâm tình của giới trẻ hôm nay.

A, cái tình yêu người, yêu thiên nhiên, cái thi vị trong lành, cái ngông và cái nghịch ấy, người của “hôm qua” cũng thấy thích hợp với mình lắm chứ. Chẳng những thế, những cái đó dường như còn muốn đối nghịch với một xã hội hỗn loạn, một tình thế bi thương, một cuộc chiến ác liệt.

Sáng tác của Hoàng Ngọc Tuấn mà phản ánh hoàn cảnh ấy ư? Nếu muốn đề cập đến Hôm Nay, có lẽ bất quá chỉ có thể nói tác phẩm của ông như một bông hồng gửi đến cho Hôm Nay. Một bông hồng rạng rỡ cho Hôm Nay tối tăm.

*

Bông hồng rạng rỡ, rồi có mong manh chăng?

Thú thực, tôi thường đọc Hoàng Ngọc Tuấn với cảm tưởng lo lắng.

Người ta hay nói đến việc xây dựng một tác phẩm tiểu thuyết, nào thai nghén cốt truyện, nào đi vào thực tại khách quan, nào nghiên cứu tâm lý nhân vật v.v. Nghề văn không thư thái như nghề thơ. Nhưng Hoàng Ngọc Tuấn thì không bao giờ giống một tay nhà nghề. Ông không có vẻ làm nghề, dù là nghề văn. Các sáng tác của ông không có vẻ là loại công trình xây dựng như vừa nói, mà tuồng như chúng tuôn ra ngay từ cuộc sống của người viết. Tuôn thẳng một mạch.

Liệu một người có thể đem cái tâm tình riêng của mình mà viết như thế được mãi chăng? Không lo lắng sao được.

Nhưng có lẽ chính niềm lo lắng ấy cũng tăng thêm ý vị cho sự thưởng ngoạn. Bởi vì từ tác phẩm nọ sang tác phẩm kia, cùng với sự khoái thích ta còn được mỗi lúc một dịp ngạc nhiên mừng rỡ.

Có thể cứ thế mãi mãi cho đến tận cùng cuộc đời sáng tác của ông...


2 - 1972

(Đây là lời tựa tác phẩm
Thư về đường Sơn Cúc của HNT.)