Quả thực, sống mà cứ ngày nào mở mắt mở mũi mở tai ra cũng chỉ thấy được ngửi được nghe được những cảnh những mùi những tiếng y như đã thấy ngửi nghe hàng nghìn lần rồi thì chán lắm!

Ði cho xa để ngủ cho ngon và để thức dậy cho ngon!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Cái thú bỡ ngỡ” (trích “Cửa Đại”)



Ðêm đầu của tôi ở Phố, tôi ra ngắm bóng trăng thanh rọi xuống mặt sông Hội An. Trên mặt sông, thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm dây thừng. Bấy nhiêu nét đen sắc đều nhấp nhô lay động theo mực nước thủy triều đang dâng lên rất mạnh. Ánh trăng bị dầm tan trong lòng con sông mà nước ngọt đang bị bể ngoài pha rót vào bao nhiêu là muối chát mặn.

Bên bờ xa kia là làng Cẩm Phô, một cái làng rất giàu có mà sớm mai tới đây người ta sẽ đem sang bên này bờ bán cho tôi những con hến luộc nhỏ xíu dùng làm đồ ăn điểm tâm với bánh tráng.

Tôi bước chân xuống thuyền.

Ðêm nay, tôi ngủ trên mặt sông. Gió sông rộng có cả sức tò mò của một trận gió vàng. Mỗi đợt gió lọt vào khoang thuyền là một sự tọc mạch đến chuyện riêng của lòng. Tôi trằn trọc, thèm muốn một tấm chăn đơn.

Sớm tinh mơ, tôi đã trở dậy để nhìn cảnh sắp nhộn nhịp trên sông. Nước bể rút xuống lúc khuya còn để lại nơi gờ bến xây si-moong những ngấn rêu và bùn nhầy nhụa. Một vài ngọn lửa lập lòe nơi mũi mấy chiếc ghe bầu bụng chửa, mình to, có những con mắt thao láo ở đầu mũi. Mụ chài chỉ tay vào giữa đám ghe bầu, bảo cho biết rằng đấy là những bất động sản của mấy ông bá vùng đây chuyên nghề làm thuyền. Thật là những cái cơ nghiệp nổi.

Gió sớm thổi mạnh. Một chiếc ghe bầu trương buồm nhổ neo. Buổi sớm khởi hành của cánh buồm căng thẳng, bao giờ cũng là vui mắt. Tôi muốn tôi mãi mãi được là một lá buồm căng thẳng như thế, mỗi lúc có gió sớm nổi dọn đường cho một mặt trời mới nhô lên sau ngấn nước bể Ðông.

Mụ chài chỉ tay đuổi theo ghe từ từ ra cửa sông xa vời:

- Ngày xưa, chủ ghe đó cũng xầm xì làm đò như bọn tôi. Từ ngày đi bạn ghe với ông Bá bên Cẩm Phô, lão ta vớt được ở giữa khơi một tảng long diên hương to bằng trái dừa Bình Ðịnh, về bán cho khách trú, được cơ man nào là bạc. Bây giờ chủ ghe đó hễ nghe thấy tin cá ông lụy bất cứ ở nơi nào, là lão cũng tới để góp phần làm ma với dân chài lưới sở tại. Ông trời mà thương tới, chả mấy chốc mà nên cơ đồ, thầy ạ.

Tôi đổ bộ, rất ngờ nghệch với cái sinh hoạt của buổi mai ở Phố. Người ta đang gỡ những tấm cửa lùa để bày mặt hàng tạp hóa. Những tấm cửa lùa này lùa theo một chiều dọc! Nghênh ngang giữa phố Chùa Cầu - một cái phố cấm xe hơi đi qua - hai ba người khiêng một cái bàn độc, ở trên đó, nằm phủ phục một con heo quay đã mất đầu và hai chân. Bọn người đi bán thịt lợn quay một cách ngộ nghĩnh như thế đã chui lọt vào một con đường kiệt. Từ con đường kiệt đó lại ló ra một thiếu phụ mặc áo lụa trắng, tay xách một cái soong to, mỗi lúc ngừng kéo hơi điếu thuốc lá Cẩm Lệ thì mồm lại rao: “Ai ngầu mạc nạm không?” Ở người một gã lữ thứ, tôi cho không cái bất thình lình nào thú bằng cái việc đi tới một xứ lạ vào lúc đêm hôm để sớm mai được hoàn toàn bỡ ngỡ trước những cái phô phang đầu tiên của một trạng thái sống mới lạ, sau một giấc ngủ đích đáng của đường trường. Ði tới một nơi lạ, tiếng rao của bọn người bán quà rong có những thổ âm riêng, đã làm cho tôi cảm động hơn hết mọi cái gì của một vùng ấy. Những chiếc xe tay có lục lạc đồng kêu loong coong như tiếng nhạc ngựa của một thầy chánh tổng vùng quê xứ Bắc, lại càng gợi lòng vui của tôi. Có lẽ mai mốt đây, nếu tôi cứ phải nấn ná ở đây, những thứ tiếng hoạt động này sẽ trở nên tầm thường và lại còn khó chịu nữa; nhưng ở giờ phút này, những âm thanh đó tạc sâu vào thính giác tôi. Nhớ được cái mùi của một nơi, người ta rất còn nên nhớ tới một cái tiếng của một nơi nữa.


(Trích từ bài "Cửa Ðại" trong tập
Tùy bút. Nhan đề phần trích tạm đặt.)