Nguyễn Tuân cũng có lần tùy bút về đò dọc:

“Ấm trà sớm uống trên mặt sông, điếu thuốc lào hút trên mui thuyền, hương vị khác hẳn (...) Kế đến bữa rượu sớm dọn ở đằng sau khoang lái, ăn đến đâu, vứt xương thịt xương cá xuống ngay dòng nước chảy lùi (...) (Ăn xong) nằm phơi mình trên mui thuyền, nép dưới bóng lá buồm (...) hưởng cái gió sông (...) Nhá nhem tối (...) Trời nổi cơn giông rồi mưa. Mưa lộp độp, mưa rào rào, gõ mãi vào mui nan cật, mỗi giọt gieo nặng là mỗi tiếng đánh thức nhiều chuyện (...) của những ngày qua” (trong “Chiếc va-li mới”).

Hai chuyến đi, mỗi chuyến hấp dẫn một lối. Chuyến Thanh Hào, sáng thơ mộng đêm huyền ảo. Chuyến Nguyễn Tuân thì đầy ắp phong vị giang hồ.

Giời ơi, đọc các cụ mà ao ước quá. Làm sao đây để tinh mơ được nhúng một cái khăn xuống “mặt nước còn đượm hơi sương” mà “áp lên mặt cả một vùng sông nước” rồi khoanh chân trên mui đò nâng chén trà khói nóng bốc lên chen vào sương mát, để trong đêm bí mật được nâng thứ chén thơm khác chứa cả bầu trời vằng vặc trăng và lấp lánh sao, để được nằm dưới một mui bồng nghe mưa lộp độp, rào rào, rả rích, mưa không ướt da mà tạt sâu vào đến tận lòng, làm da diết nhớ tri âm cũ… Ờ, có khi ở đâu đó cũng còn thứ phương tiện đường thủy lạc hậu ấy. Nhưng chắc chắn không đâu còn có thể thấy được trên bờ những cô gái giặt lụa cất lời trêu khách rồi cười “làm chòng chành cả con thuyền”, hay những nàng con gái “thương ai nấp bụi, nấp bờ / sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi” nữa…

(Thu Tứ)



Thanh Hào, “Cái thú đò dọc”




Ðò dọc còn là cái thú của khách du (...)

Sáng tinh mơ, trên sông có bao nhiêu chuyện lạ. Người khách trở mình, ngồi dậy, cúi khom lưng bên mạn thuyền, nhúng chiếc khăn xuống mặt nước mênh mông rửa mặt. Cái mát lạnh của sớm mai, mặt nước còn đượm hơi sương (...) ngấm vào khăn, cho khách cái cảm giác được áp lên mặt cả một vùng sông nước, sảng khoái đến lạ lùng. Cả mặt sông là một màu hồng rực rỡ. Mặt trời buổi sớm đỏ như quả cầu lửa. Quả cầu vỡ ra, màu son chói lòa tràn vào sương khói, làm mặt nước cháy lên những ánh lửa liu riu. Những tiếng động hỗn độn trên sông được mặt nước truyền đi, va vào mạn thuyền thành những tiếng ì ào khó tả. Thỉnh thoảng tiếng trục bánh lái lại cọ vào đuôi thuyền két két khẽ như tiếng cánh cửa bức bàn của nhà nàng yếm thắm mà khách mong cặp bến. Khách nhoài mình ra khỏi khoang thuyền, ngồi trên mui, hưởng cái không khí hơi lành lạnh, thả tầm mắt ngắm nhìn đôi bờ đang từ từ chạy lại phía sau. Những cô gái giặt lụa, đập xuống mặt nước cả tấm lụa gấp nhỏ, thành tiếng kêu “đùm đụp”, lơ đãng nhìn những người khách trên mui thuyền mà cất lời châm chọc: “Thuyền đi có nhớ bến chăng...” với hàm răng đen nhánh vang lên tiếng cười, làm chòng chành cả con thuyền.

Ðò chiều mang lại cho khách những thú vị khác của hoàng hôn. Buồm căng phồng bộ ngực do gió tạo thành, đẩy con thuyền cưỡi sóng mà lướt (...) Ðôi bờ xanh với những bãi mía, nương ngô, tre, chuối đang chìm dần vào màu da cam rồi chuyển sang màu tím sẫm. Con đò đi trong sự lặng lẽ của sông đêm. Và bóng những con thuyền khác lúc xa lúc gần, khi ẩn khi hiện, đan vào nhau, lờ mờ như những cánh buồm ma. Người lái đò căng mắt nhìn phía trước để tránh những cồn cát ngầm, thỉnh thoảng lại bẻ tay lái, tiếng cót két rít lên khe khẽ ở cuối thuyền. Vầng trăng đã mắc trên đỉnh cột buồm. Chủ đò dọn mâm rượu trên mui để khách vừa uống rượu vừa ngắm cái huyền ảo của sông đêm. Lòng sông như rộng ra, tưởng như mênh mông đến vô cùng, nhưng con đò lại đi trong một khung sông hạn hẹp bởi sự mờ ảo của màn đêm ngăn cản tầm nhìn của người. Ðò đi đến đâu, sông giãn ra đến đấy, chỉ có trăng sao dẫu xa vời vợi lại hóa gần. Trời đêm dù cao đến đâu, mặt nước vẫn là tấm gương khổng lồ in những trăng sao. Sông vàng lên như dãi lụa, những ngôi sao là những chấm hoa sáng long lanh, lấp lóa, kỳ ảo. Chén rượu nhỏ cũng đủ cỡ thu được cả bầu trời. Khách đò nâng chén chúc nhau, trong đáy chén có trăng, có sao, có cả mắt người tri kỷ. Chén rượu mới đặt lên môi mà men say đã ngấm ngây ngất lòng người. Cuộc rượu ngà ngà, những vị khách trên mui làm con thuyền đã vì sóng sông mà nghiêng ngả lại thêm vì người mà nghiêng ngả. Ðò chưa cặp bến thực, ở đấy có nàng con gái “Thương ai nấp bụi, nấp bờ. Sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi...”, nhưng men sông nước đã đưa lòng khách du cặp bến mơ xa...


(Trích từ bài "Ðò dọc" trong tập
Sông Hồng và làng bãi của Thanh Hào (nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2009). Nhan đề phần trích tạm đặt.)