Ðồ gốm sứ Lý-Trần có giá trị tiêu biểu cho một quan niệm riêng về cái đẹp. Cốt lõi của quan niệm ấy là tinh thần mềm, dẻo. Thể hiện thành công nhất có lẽ là những hoa văn trang trí trên các lọ, bình, chậu v.v. đời Trần. Chỉ vài nét đơn sơ, chỉ một màu men nâu bình dị, mà ưa nhìn thế!

(Thu Tứ)



Hoàng Quốc Hải, Gốm sứ Lý - Trần



(...) Các giá trị về kỹ năng chế tác như xương, men, nghệ thuật nung và đặc biệt là phong cách tạo dáng, vẻ đẹp của hoa văn trang trí, giới khoa học và mỹ thuật nước nhà từ lâu khẳng định rằng gốm sứ thời Lý - Trần đã đạt tới trình độ tuyệt hảo.

Những nhà sưu tầm gốm sứ sành điệu của Nhật Bản, từ những thế kỷ trước đã rất ưa chuộng đồ gốm sứ Lý - Trần của Đại Việt. Hiện được biết, trên thế giới không một nước nào có bộ sưu tập gốm sứ Lý - Trần – Lê hoàn hảo như của người Nhật Bản. Ngay ở nước ta, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, cũng chỉ có được những mảnh vụn của dòng văn hoá vật thể này.

Từ những viên gạch lát nền, lát thềm, gạch xây tường, ngói lợp mái, ngói ống, ngói nóc tới các đầu rồng, đầu phượng, các linh thú, các thạp, thố, bình, ấm, chén, bát, đĩa v.v. (...)

(...) Tất cả những sản phẩm trên (ý nói đồ gốm sứ Lý -Trần) về mặt tạo hình đều in đậm nét văn hoá Đại Việt, dường như không có dấu ấn Trung Hoa.

Ta cứ hình dung trên nóc điện hoặc nóc đình chùa, tại hai đầu mút có hai cái đầu rồng (Lý) hoặc đầu phượng (Trần), chầu vào một lá đề lớn đặt chính giữa nóc mái với họa tiết rất tinh tế, và chạy dọc nơi mái là những ngói úp nóc cũng hình lá đề nhỏ (...) cái đẹp thuần Việt biết chừng nào. Cách trang trí này sang thời Lê - Nguyễn là lưỡng long triều nhật hoặc triều nguyệt (hai rồng chầu mặt trời hoặc mặt trăng). Đây là lối trang trí ảnh hưởng nặng nề phong cách Trung Hoa. Sự ảnh hưởng nặng nề đó, không chỉ riêng về kiến trúc mà còn thể hiện trên nhiều bình diện xã hội khác. Sở dĩ có tình trạng này là bởi các triều đại Lê, Nguyễn đã để mất đi tính độc lập của Việt nho mà lấy nho giáo Trung Hoa, cụ thể là Minh nho, Thanh nho làm hệ qui chiếu.


(Trích từ bài Thành Xưa In Dấu viết ngày 11-1-2004. Nhan đề phần trích do người chọn tạm đặt.)