“Bắc cầu về lại ngàn lau...”




Cầu, bắc thường là để nối hai bờ.

Bắc một nhịp hay “mười hai nhịp” cầu (1), có khi chỉ tốn ít tre, gỗ, có khi tốn không biết bao nhiêu sắt thép, xi-măng, lại có khi tốn... quạ: mỗi năm, ngày mồng 7 tháng 7, cả họ nhà quạ phải ngậm đuôi nhau làm cầu bắc ngang sông Ngân cho Ngưu Lang, Chức Nữ sum họp.

Vô lý, nhắc chuyện cầu quạ trên trời bỗng dưng nhớ một loại “cầu ván đóng đinh” dưới đất, trong Nam. Cầu khá lớn bắc qua sông cho xe hơi chạy, chớ không phải thứ cầu nhỏ xíu bắc qua rạch để áo bà ba ra ngồi thả chưn đung đưa cho mát đâu. Không nhớ chính xác ở miệt nào, chỉ nhớ thấy hồi nhỏ trong những lần vào dịp nghỉ hè cha đi công tác dẫn đi theo chơi. Sợ lắm. Cầu gì mà mỗi lần có xe chạy lên là ván sàn kêu lọc cọc rầm rầm như bao nhiêu đinh sắp long ra hết trơn! Sợ nhứt là mặt cầu cong như cầu vồng, xe lên dốc dòm không thấy phía bên kia! Dĩ nhiên sở dĩ miệt đó có thứ cầu rùng rợn là do sông khác nào đường, dưới sông um sùm ghe thuyền xuôi ngược, chở đủ thứ hàng nhiều khi chất cao nghệu, nên cứ hễ xây cầu là phải xây đủ cao cho ghe qua.

Cầu cao mà không ván, nhớ cầu Tân Cảng trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Ðối với một thằng nhỏ, cây cầu này thiệt là “vĩ đại”, lên đó như để lên... trời! Hễ xe tới đỉnh, thế nào nó cũng cố ghé dòm xuống để thấy sông Ðồng Nai thăm thẳm bên dưới.

Lớn lên, rất nhiều năm sau, y vẫn còn đôi lần chiêm bao ác mộng thấy ngồi xe lên những chiếc cầu vồng chỉ có một nửa!

*

Cầu bắc mà không để nối, không đưa người lên cầu tới đâu hết, có mấy loại. Một loại đã kể khi cà kê chuyện xưa trên bờ kênh Nhiêu Lộc.(2) Loại thứ hai là cầu tàu, cầu để tàu cập vô cho hành khách, hàng hóa lên xuống. Loại nữa là cầu ao.

Mặt cầu ao: hai cây cau, một tấm ván, có khi nắp một cái “áo” lúc cất lên gỗ còn tốt. Chân cầu: mấy chiếc cọc tre. Bậc cầu: có khi một cái cối đá thủng trôn. Người Việt Nam lớn tuổi nào sinh trưởng ở thôn quê nơi châu thổ Bắc bộ mà không có hình bóng một cái cầu ao khắc sâu vào tim. Có phải phụ nữ nhiều kỷ niệm với nó hơn cánh đàn ông? Vì công việc nội trợ, hình như cũng vì những lần cô gái đã ra đấy mà không phải để làm việc gì.

Cầu ao, biết bao lần, có khi nhớ rõ nhất lại là những lúc “mờ mờ trong sương sớm”.

Cầu trong sương xưa, nay bắc vào phần ký ức sương bay lãng đãng...

*

Chế Lan Viên có mấy câu thơ:

“Xao xác ngàn lau, ngàn kỷ niệm bạc đầu, bạt ngàn xao trong gió
Miền hoa lau ấy là miền xưa, miền quá vãng, đến làm chi?
Tất cả những nơi cư trú khi người không về đấy nữa
Thì biến thành rừng hoang kỷ niệm, hóa lau le”.


Làm chi, không biết, mà ai nấy đều thỉnh thoảng “lén” về thăm cái chỗ “ngàn lau” kỷ niệm của mình. Ðây về đấy cách một dòng sông đã bao nhiêu nước chảy. Muốn qua sông, phải bắc cầu. Cầu là gì, hãy nhắm mắt lại mà nhìn, cho dễ thấy.



Thu Tứ
Viết năm 2008






















__________
(1) Ca dao: “Cầu Trường Tiền sáu vày mười hai nhịp / Anh qua không kịp, tội lắm em ơi!”.
(2) Xem bài “Nhà bờ kênh”.