“Một chết, hai hóa”




Cái quán nhỏ xíu, “thiết kế nội thất” dưới mức sơ sài, vậy mà đông khách.

Tới đây, dân nhậu chánh gốc Nam bộ tha hồ thoải mái. Bia “dô” rồi là bia nói, nói lớn mệt nghỉ. Quán có mấy cái bàn nhỏ kê sát sạt, lưng ghế cục kịch đụng nhau hoài, ai ngồi yên chỗ người đó mà không ai sợ nghe sót một câu tâm sự của ai! Ồn, nhưng nhậu phải ồn mới “dui”.

Người ở bển qua, vô quán thấy quen mắt quen tai, nhưng liệu lai rai ba sợi... Bud rồi gắp xài thử miếng mồi dê nướng, thấy có quen miệng không?

Cách nướng mồi ở “Dê Quán” này chắc chắn xuất xứ bên kia biển. Năm nào nó dông khỏi cái đất sinh ra nó, rồi nó cứ vậy sống suốt từ bấy tới nay mà không thay đổi chi hết. Nó giống như một cây kiểng phun hóa chất, dòm tươi tốt nhưng không mọc lá rụng lá, không lớn thêm, già thêm gì hết trơn. Lớn, già tức là sống, mà nó sống làm sao được. Rễ của nó thôi nằm trong lòng đất cũ, còn cái đất mới đang bao xung quanh thì lại thiếu chất bổ dưỡng cần thiết, tức thiếu những lớp người ăn mới. Nó sẽ tươi tốt y nguyên cho tới ngày không còn đủ tri kỷ. Lúc đó nó sẽ được cất vào ký ức của một số người, trong một thời gian...

Ở đất cũ, cách ăn thịt dê tà tà thay đổi theo ý thích của các thế hệ thực khách kế tiếp, nên không còn giống cái cách đã lìa nguồn. Người Sài Gòn Lớn qua Sài Gòn Nhỏ du lịch, nhai thử miếng dê, hồi lâu có thể chợt nghe phảng phất mùi... quá khứ. Ờ, ngon, nhưng mà... hết thời rồi. Dê lìa quê hương, bao năm giữ mình “trong trắng”, gặp lại người quê...

*

Món ăn Việt Nam ra nước ngoài có hai số phận.

Những món không được người nước ngoài (1) thưởng thức như thịt dê thì số phận như vừa nói trên.

Còn những món có được người nước ngoài thưởng thức như phở, chúng sẽ sống nhưng chúng sẽ bị hóa. Phở qua Mỹ, chẳng hạn, rồi sẽ bị Mỹ hóa thành “pho”, khác phở...

Chết như thịt dê, hóa Mỹ như phở, buồn ngang nhau. Món ăn món uống còn buồn, nữa là món văn hóa gì khác.

“Thôi con còn nói chi con...”.(2)



Thu Tứ
Viết năm 2007 hay 2008














__________
(1) “Người nước ngoài” đây ý nói con cháu của Việt kiều. Họ trông giống hệt người Việt Nam, nhưng về văn hóa là người Mỹ, người Úc v.v.
(2)
Truyện Kiều, câu 889.