Phạm Thế Ngũ luận về thể thơ song thất lục bát thật rành rẽ, xác đáng. Ðọc đi đọc lại phát biểu của ông, chỉ thấy hơi thắc mắc về đôi chỗ:

Thứ nhất, ông bảo thể bảy-bảy-sáu-tám "không thể dùng (...) để kể chuyện". Ðúng là
Chinh phụCung oán thì không có chuyện, chỉ có tình cảm của người vợ nhớ chồng, của người cung nữ oán vua. Nhưng còn bản dịch Trường hận ca nổi tiếng của Tản Ðà thì sao? Một trăm ba mươi hai câu thơ theo thể song thất lục bát ấy có kể chuyện đấy chứ. Chuyện một ông vua mê gái đến nỗi mất ngai vàng, suýt nữa làm sụp luôn cả một vương triều. Chuyện bắt đầu từ lúc vua chưa tìm ra gái để mê, rồi tìm thấy, rồi bị ăn... bùa của gái mà đổ đốn, rồi có kẻ thấy vua đổ đốn mà làm loạn, chực cướp ngôi, rồi vua dắt gái chạy trốn, rồi gái bị tướng của vua đem treo cổ v.v. Bạch Cư Dị kể mãi kể mãi, kể đến lúc vua mất ngôi được tin nhắn của gái (đã hóa tiên) ở trên trời mới thôi. Chuyện thôi là chuyện, mà Tản Ðà chọn dịch bằng thể song thất lục bát vẫn thành công...

Thứ hai, thể lục bát ai cũng biết dùng để kể chuyện thì đúng sở trường. Nguyễn Du kể đời Kiều bằng 3254 câu thao thao bất tuyệt. Nhưng ai thích kể thì kể, còn ai thích ngâm thì vẫn ngâm được tốt chứ. Chưa đọc
Kiều lần nào thì đọc luôn tới câu chót xem phận hồng nhan rốt cuộc ra sao, còn đã đọc đã biết kết thúc rồi thì lần sau giở sách ra tha hồ... bói, gặp chỗ nào ngâm nga ngay chỗ ấy, vẫn sướng miệng chứ!

Nêu thắc mắc như trên không phải là bác ý ông Phạm đâu, chỉ là muốn nhắc rằng nhận xét tinh tế của ông không tuyệt đối. Thì trên đời làm gì có cái gì tuyệt đối.

(Thu Tứ)



Phạm Thế Ngũ, “Thể song thất lục bát”




Quốc văn ta tiến đến đời Trịnh thì thấy thành hình một thể văn có nhiều đặc sắc: thể ngâm. Ngâm là (...) một thể văn vần trường thiên hợp bởi những tứ cú. Mỗi tứ cú gồm có hai câu bảy chữ rồi hai câu sáu tám, thành một chu kỳ cứ nhắc lại mãi.

Thể ngâm đã manh nha trong nhiều áng văn về trước (...) (như) Gia huấn ca của Nguyễn Trãi (...) Nhưng cách sử dụng không được thuần nhất (...)

Ðến cuối đời Trịnh thì (thể ngâm) được đưa vào hai kiệt tác: Chinh phụ ngâmCung oán ngâm.

(...) câu thất ngôn đây (tức trong thể ngâm) (...) khác hẳn câu thất ngôn Ðường luật:

a) Vần (...) Câu thất Tàu chỉ có cước vận (...) Câu thất Việt có yêu vận (khi bằng khi trắc) (...)

b) Nhịp (...) Câu thất Tàu ngắt theo nhịp 4 + 3 hoặc 2 + 2 + 3 (...) Câu thất Việt ngắt theo nhịp 3 + 2 + 2.

c) Thanh (...) Câu thất Tàu theo nghiêm ngặt luật "Nhị tứ lục phân minh" (...) Câu thất Việt không hề theo luật ấy, mà tự có thanh luật mềm dẻo hơn (...)

(...) câu thất ngôn trong thể song thất lục bát (...) bắt nguồn từ văn truyền khẩu bình dân Việt Nam (...) tục ngữ, ca dao (...) có nhiều câu đi vào điệu thất ngôn rõ rệt:

-- Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Cha con còn vui thú đường xa

-- Mưa lâm râm ướt dầm bụi hẹ
Cảm thương nàng có mẹ không cha

Thể ngâm (...) dồi dào về nhạc chất. Một tứ cú song thất lục bát có đến bảy chữ mang vần:

Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây.
Chín lần gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Trong khi bốn câu lục bát liền nhau chỉ có đến sáu chữ và bài tứ tuyệt Tàu tối đa có đến ba chữ. Lại có đủ các kiểu vần: vần trắc (lục bát không có), vần bằng, vần yêu (thơ Tàu không có), vần cước (...) giao hưởng, ứng đáp một cách khăng khít dồi dào hơn tất cả mọi lối thơ. Thế ngâm vì vậy rất thích hợp để diễn tả những tình cảm ảo não triền miên, nhịp nhàng quấn quít (...)

Nhưng nó cũng có chỗ (...) giới hạn (...) Nhất là không thể dùng thể văn này để kể chuyện. Cũng thấy một trở lực như khi dùng thể thất ngôn bát cú để làm truyện vậy. Mỗi tứ cú là một chu kỳ có một kiến trúc trọn vẹn. Dù có được ráp liền bởi sự hiện hữu một yêu vận, các tứ cú ấy theo nhau cũng không có dáng điệu tự nhiên, đường lối xuôi thuận cho việc thuật kể biến cố. Một khúc ngâm dù vài trăm câu đại để cũng chỉ có giá trị và công dụng của một bài thơ luật hay một bài phú, diễn tả một tình cảm, mô tả một trạng thái với ít nhiều tính cách tĩnh (...)

Gọi song thất lục bát là thể ngâm, ấy là nói lên khả năng dồi dào nhạc chất của thể đó (...)


(Phạm Thế Ngũ,
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, nxb. Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961-1965, tập II. Nhan đề phần trích tạm đặt.)