“Nhớ lại một thời”




Các lối ăn xin một thời, chắc nhiều người còn nhớ.

Dòng xe đang bon thẳng xuống dốc cầu Lê Văn Sỹ đến chỗ ấy bỗng ẹo qua một tí như gặp… ổ voi. Không phải hang hố gì cả, mà là một “hình thù” ghê gớm đang lúc co quắp lúc nghều ngào giữa lòng đường.

Chợ Bến Thành phía bán thịt cá rau quả, lúc nào nền chợ chẳng như trát một lớp bùn vừa móc dưới kênh Nhiêu Lộc. Lăn lộn trên bùn ấy một hình thù khác.

Phố Hàng Bè, Hà Nội, một tấm các-tông lớn đang được lôi xềnh xệch giữa phố. Nó chở một người trông mong vào lòng từ thiện của du khách…

*

Qua rồi. Mà nhớ lại một thời, song song với những cái muốn quên lại có những hình ảnh làm phấn khởi.

Cô gái ấy cụt cả hai chân trên đầu gối, hình như một tay cũng bị thương tật. Cô ngồi ở vỉa hè phố Bà Triệu, trước mặt bày một rổ nhiều món nho nhỏ, có lược, gương. Ði qua, chậm bước. Cô ngửng lên, vén tóc, mặt tự nhiên. Có ai xin đâu mà cho, mua gì đây, khoảnh khắc phân vân ngớ ngẩn, cái rổ và đôi mắt bình thản đã ở phía sau...

Loanh quanh xem sách ở Tràng Tiền, tạt vào Bách Hóa, ghé vài nơi triển lãm tranh, tình cờ về gần chỗ cũ. Chợt thấy cô gái lúc nãy đang lết ra gần lề đường, giơ tay vẫy xích-lô.

- Anh cho em ra ga Hàng Cỏ.

Anh xích-lô đưa xe vào sát, nhảy xuống, chẳng nói chẳng rằng nhanh nhẹn xốc nách cô gái đặt lên xe, bê rổ hàng đưa cho cô, trở lên yên đạp thẳng. Anh trông thản nhiên lắm, để ý mới thấy ánh mắt ái ngại, mới biết động tác rất gọn chứa lòng trắc ẩn. Còn cô gái, cô ngồi thẳng lưng giữa lòng ghế, lại đưa tay vén tóc, mặt tươi tỉnh nhìn ngay phía trước.

Còn những người đã sát đất rồi mà tinh thần vẫn sừng sững, còn những kẻ lao động cơ cực mà vẫn bền lòng nhân ái, có sợ gì thách đố, quê hương ơi.



Thu Tứ
Viết năm 2007 hay 2008