“Rày đã nên bể...”




Hồ Ba Bể có một sự tích ly kỳ. Ngày xửa ngày xưa, một con giao long đã hiện thành một bà lão ăn mày để thử lòng người. Bà lão lê lết đến hội cúng Phật, ai nấy trông hình thù lở lói gớm ghiếc, ngửi mùi hôi thối nhức óc, cho là hủi, đều lảng xa, sau hương lý còn sai đánh đuổi. Rút cuộc, chỉ có hai mẹ con tốt bụng kia cho bà ăn cơm, ngủ nhờ. Tối hôm sau, bất chợt khắp nơi đất nứt, nước vọt lên, giây lát nhà cửa ruộng vườn chìm nghỉm trong hồ bể mới thành, trừ nhà của hai mẹ con tử tế cứ cao lên theo với nước dâng…

Năm 1921 Hoàng Văn Trung viết Ba Bể du ký, có chỗ kể lại lời quan châu Chợ Rã: “Nguyên dải sông Năng (…) chảy qua châu Chợ Rã (…) Năm Thái Hòa Lê Nhân Tông (1442-1443) chẳng may hai quả núi đá bích lập ở thượng lưu lở xuống, lấp dòng (…) nước chảy đến đấy mắc nghẽn, dồn trở lại theo dòng suối con chảy qua làng Nam Môn là chỗ đất thấp (…) Nhà cửa, ruộng nương đều bị ngập lụt (…) Nước không có lối thông, tích lại lâu ngày thành ra hồ Ba Bể”.(1)

*

... Trưa nắng gắt, ngồi nghỉ chân ăn cơm. Bờ hồ cao, cây rậm, mặt nước thấp thoáng từng mảng vàng rưng rưng. Nhẩn nha tước ống cơm lam, nhẩn nha ăn, lắng nghe từng tiếng lụa tre vỡ rất khẽ trong miệng, ngẫm nghĩ về cái mùi vị phơn phớt đan quyện vào mùi vị nếp. Ăn xong, tiện tay vớ một hòn đá, ra chỗ trống vung ném… Sực nhớ lời quan châu Chợ Rã: “Ðến ngày nay, một đôi khi, trời quang mây tĩnh, thiên thủy một mầu, nhìn xuống đáy hồ còn trông thấy mập mờ những di chỉ cửa nhà và lò ngói”. Khéo đá quăng vô tình đã rơi xuống sân nhà ai!

*

Theo các nhà khoa học, hồ Ba Bể khoảng hơn 200 triệu tuổi!



Thu Tứ
Viết năm 2008





















________
(1) Đăng trên
Nam Phong, in lại trong Du ký Việt Nam, nxb. Trẻ, 2007.