“Huy Cận kể chuyện thả diều”




Xóm tôi ở có một bãi cát khá rộng gọi là bãi Giang bên bờ sông La (đoạn sông của xã tôi gọi là sông Ngàn Su) (...)

Cũng trên bãi Giang ấy hồi nhỏ tôi đã đi thả diều với chú tôi. Hai chú cháu hàng ngày trời công phu vót tre làm diều, giã quả cậy để phất giấy bản vào thân diều. Chú tôi là người rất khéo tay, đẽo ba cái ba sáo (sáo diều) rất đẹp và rất kêu. Nhìn cái diều với ba sáo, sáo to ở giữa và hai sáo nhỏ ở hai bên, mường tượng như một chiếc máy bay nhiều động cơ ngày nay. Lại còn làm dây diều bằng tre vót, và luộc cho chín, dẻo. Công phu chuẩn bị chẳng khác nào các nhà du hành vũ trụ ngày nay chuẩn bị đi chinh phục không gian. Mà thật vậy, cũng là một dòng hoài bão làm chủ không gian. Khó nhất và thú nhất là lúc phóng diều lên. Một người phóng diều, người kia cầm dây chạy, khéo chạy, khéo giật đầu dây: như vậy gọi là nuôi gió. Lúc diều lên lại rất nhẹ nhàng. Tay cầm đầu dây mà cảm giác nghe được gió đầu tay, không gian trên cao trở nên rất cụ thể, rất sống, rất nhạy trong tay người thả diều. Tôi và chú tôi thả diều không chỉ ở trên bãi Giang mà còn thả ở trên cánh đồng dưới chân núi Mồng Ga. Có lần tôi mê mải thả diều quên cả về ăn cơm trưa, cha tôi ra bãi tìm thấy, bắt tôi về, tôi nói chưa thu diều về được, thì cha tôi cắt dây diều rơi tận bên kia sông, rồi cha tôi đánh tôi một trận. Tôi nói: “Cha đánh thì cứ đánh, nhưng phải trả diều lại cho con”. Có lần chú tôi và tôi mang cái diều to đi thả, diều lên rất cao, “cao quá mặt trăng”, diều được gió cứ lên cao mãi và tiếng sáo diều kêu vo vo nghe khắp cả một vùng. Tối đến chú tôi buộc dây diều vào một cây duối và cứ thế diều ở mãi trên không suốt đêm. Chú tôi là một tài tử:

Tâm hồn tài tử lâng lâng gió
Làm chiếc diều to ba sáo kêu
Thả tự ban chiều lên quá núi
Sang đêm diều lẫn với trăng cao.


Ôi những trưa hè trời xanh ngắt, vắng bóng mây, hai chú cháu chạy giữa cánh đồng rộng hay trên bãi cát dài ven sông! Có phải đó là những cảm giác không gian đầu tiên, cảm giác bát ngát về sau nó nhập vào thơ tôi thành một thứ ám ảnh, thành một hơi thở tự nhiên trong các bài thơ, cái hơi thở của bát ngát, của mênh mông, của trời đất. Dù sao thì thả diều cũng là một say mê lớn của tuổi nhỏ của tôi. Hiện nay tôi còn giữ được cái miệng một sáo diều, mà chú tôi đã gọt, làm kỷ niệm. Miệng sáo ấy cha tôi đã cất trên giàn bếp, đen mồ hóng. Lúc tôi đậu tú tài, nghỉ hè về thăm nhà, thì cha tôi đưa cái miệng sáo diều ấy cho tôi và nói: “Bây giờ anh có thả diều thì tôi cũng không đánh anh nữa. Nhưng chắc ngày nay anh thích làm thơ hơn là thả diều. Làm thơ cũng là thả diều đó thôi.” Cha tôi nói xong, hai cha con cười với nhau; chú tôi đứng cạnh đó cũng cười theo và nói “Còn chiếc diều to gác bên nhà chú, hay là ta lại ra cánh đồng Cây Tran thả diều!”.

Chú tôi mất đã lâu. Nay ngồi viết mấy dòng kỷ niệm này, tôi tưởng còn chạy dưới cái nắng trưa hè với chú, tai còn nghe tiếng sáo vi vu làm vang động cả bầu trời và sông nước quê nhà.


(
Hồi ký song đôi)