“Ơ hay, sim tím...”




Y gặp ngoại chỉ mấy lần, trong óc bây giờ mơ hồ một ông cụ mặt mũi hiền lành với nụ cười hơi móm...

Ngoại từng “xôi kinh nấu sử” ra tận Huế ứng thí. Áo dài khăn đóng xuống thuyền bầu từ Bình Định đi Đà Nẵng rồi không biết vượt đèo Hải Vân bằng phương tiện gì. Đó là kỳ thi chữ nho cuối cùng và ngoại đã rớt ngay trường nhất! Sĩ tử lạc đệ có mua lưu niệm một cái tráp, về làng rồi khi làm ông lý, dùng cũng tiện.

Ấy là má y nghe kể lại. Má nhớ ngoại trực tiếp, chẳng hạn: “Sáng mùng một, ngoại sai má đi súc bình để ngoại pha trà cúng. Má mang bình xuống bếp, sớn sác, bình đụng cột nhà sứt mất vòi! Ngoại chỉ mím môi. Ngoại hiền lắm, con à, không phải đầu năm thì cũng không rầy má nhiều đâu”. Và chẳng hạn: “Ngoại cưng má lắm, năm nào tết nấu bánh tét ngoại cũng dặn gói riêng cho má mấy đòn nhỏ xíu. Còn hễ nhà mình chằm áo tơi là thế nào má cũng có một cái nhỏ xíu mặc thiệt vừa”. Cần câu nhỏ xíu, chuồng heo nhỏ xíu, ông táo nhỏ xíu v.v. nữa. Những cái “nhỏ xíu” xa tận “chân trời cũ” vẫn rõ mồn một trong trí nhớ một bà cụ…

*

Cô cậu, anh em ra nghĩa trang. Cậu N. cỡi xe máy chạy trước.

Nghĩa trang ở chân núi. Tuy hoàn cảnh khó khăn, mộ ngoại cũng xây lâu rồi. Đơn giản, bia không có ảnh.

Thắp hương xong, mọi người đứng nhìn quanh. Cái gì đằng kia? Một nấm đất nhỏ hơn cái nón lá nằm giữa hai ngôi mộ bình thường. Ai đó chôn nhờ một xác trẻ em? Cũng có nắm chưn nhang…

*

Mười sáu năm. Dưng y nhớ cái ngày đi thăm mộ ngoại. Nhớ đủ hết, cả chi tiết vô nghĩa. Trưa đó, hiên nhà cậu N. có người đàn bà gánh sim đi bán ghé vô ngồi đụt nắng. Y bước ra ngắm sim, mua sim, “mở” sim ra coi vì từ lâu đã quên.

Nhớ sim trừng trừng, rồi bỗng nhớ câu thơ kỳ dị: “Ơ hay, sim tím tròng con mắt”.(1)



Thu Tứ
Về Qui Nhơn năm 1992
Viết năm 2008




















________
(1) Thơ Trần Vấn Lệ.