“Hồ vẫn đợi chờ”




Mùa xuân xưa, Quang Dũng đã lênh đênh trên hồ mới Thác Bà trong một cái nhà bè của đội cá. Nhà thơ cùng các bạn đã say sưa với giấc mơ biến hồ thành một đặc khu kinh tế độc đáo: nuôi cá và xây nhà máy chế biến cá, dĩ nhiên, nhưng còn nuôi cả nhiều loại chim thú và trồng nhiều loại cây quả trên vô số đảo vốn là đỉnh núi đang lô nhô khắp mặt hồ.(1)

Sáng nay, trông những hòn đảo trước mặt mà băn khoăn. Sao lại chỉ rặt một thứ cây công nghiệp (?) gì thế kia? Ðâu rồi những rừng bưởi Ðoan Hùng, những rừng hồng Hạc, những vườn cam Bố Hạ? Chuyện gì đã xảy ra làm mơ không hóa thực, hay rừng ấy vườn ấy ở góc khác của hồ?

Những bưởi, hồng, cam viễn ảnh tươi đẹp một thời không phải chực rơi xuống đảo từ óc tưởng tượng của nhà thơ đâu, mà chúng chính từ đáy hồ muốn trồi lên đấy. Hai bên bờ con sông Chảy xưa kia từng có những vườn cam cứ đến tháng chạp thì quả “đỏ chĩu cành như những đốm lửa báo hiệu mùa xuân”. Chẳng qua là người ta định “vớt” vườn lên. Còn hồng với bưởi mọc không xa đây, đem trồng đây hợp và tiện. Có mơ mộng gì nhiều lắm đâu...

*

Ðò máy chạy mãi mà cái núi đá Mông Sơn trắng xóa nom vẫn xa tắp. Từ đây đến quả băng sơn đi lạc kia liệu còn bao nhiêu ki-lô-mét đường hồ.

- Ðộng kìa, các chị ơi.

Ðộng Thủy Tiên, trên một hòn đảo um tùm cây cối. Nàng “tiên nước” nào đó chắc chắn chỉ mới giáng trần trong vòng mấy chục năm qua. Thời chiến tranh đảo còn là núi, cơ quan đầu não của tỉnh từng làm việc trong một cái hang to dưới chân núi. Trùng điệp non xanh, bom địch tìm sao ra một cái cửa hang. Bây giờ lịch sử đã nằm yên dưới năm bảy mươi mét nước.

Các chị leo giỏi như... dê. Những lưng thẳng, những chân đi giày gót cao bước thoắt trên lối dốc làm cái dáng lom khom của mấy đấng nam nhi trông càng khó coi. Ai ngờ con đò thủy điện dậy sớm đưa mình ngang hồ đến Bến Cảng rồi con xe ôm hộc tốc cõng mình trèo núi lên Khu Du lịch Sinh thái là để kịp ghép mình vào đoàn tham quan hồ của CLB Nữ Doanh nhân Yên Bái! Chà, “doanh nhàn” chăng mà các “nhân” đi chơi nhởn vô tư thế này?

Thực tình khi mới lên đến bờ hồ ở Khu Du lịch thì chưa để ý đến đoàn nào cả. Bởi sững sờ trước cảnh vừa vụt hiện ra trước mắt. Nước bát ngát mênh mông không một gợn sóng. Xa xa trong sương khói mơ hồ chập chờn ẩn hiện những dáng đảo xanh um. Nhìn từ góc này, hồ lớn và đẹp quá. Trông gần lại, thấy ở ngay bên mình có đám cờ lau đang dập dờn rất nhẹ, thấy dưới bến có ngôi thủy tạ xinh xắn, thấy một con đò mui xanh. Lần mò xuống bến thăm đò, gặp... duyên kỳ ngộ.

Nói thì ra lời phàm tục, nhưng ngại gì. Nhớ mãi ơn của cái chị tử tế ngồi đằng sau lưng đã nghe lọt lời than của anh em mà duyên dáng ban ngay cho mấy chiếc bánh mì kẹp giò. Thật hơn cả gói khi no.

“Bèo dạt mây trôi...”, giọng oanh vừa cất đã bị đám bạn nghịch hơn học trò trêu cho im bặt.

*

Ngẫu nhiên khi tan cuộc lại được chị tử tế tình nguyện đèo xuống núi. Ðược nghe kể chút ít về lịch sử gần đây của Yên Bái. Vừa nghe vừa nhớ hình ảnh một cái khung nhà khá đồ sộ gần đỉnh núi. Cốt sắt rồi, bao giờ mới bê-tông? Xương chừng đã bắt đầu han gỉ, bao giờ mới đủ thịt, da?

Cũng như rất nhiều nơi khác trên quê hương, Yên Bái đang ráo riết biến những giấc mơ đẹp thành hiện thực. Chúc những người con xứ Ðại Hồ chóng thấy kết quả của những cố gắng của mình. Hẹn Ngã Ba Cây Chín ngày trở lại trèo non lên thăm nước!



Thu Tứ
Thăm hồ T.B. năm 2007
Viết năm 2008






















__________
(1) Quang Dũng, “Ngày đêm và mùa xuân trên Ðại Hồ”,
Nhà đồi, nxb. Văn Học, 1983.