Khuyết danh, “Báng kinh hay báng Phật”




Thiền sư Thanh Biện (...) Năm 11 tuổi theo học Phổ Quang Pháp Ðăng. Ðăng sắp sửa tịch, sư hỏi: “Hòa thượng đi rồi thì đệ tử nương tựa ai?”. Ðăng đáp: “Ngươi chỉ cần “sùng nghiệp” là đủ rồi.” Sư sửng sốt không hiểu rõ ý. Sau khi Ðăng diệt rồi, sư bèn chuyên trì kinh Kim Cương (...) Một hôm có người thiền khách đến thăm và hỏi: “Kinh này Tam thế Phật (1) đều không, thế nào là Phật không có nguyên lý?”. Sư nói: “Xưa nay tụng niệm mãi mà chưa biết được nghĩa kinh” (...) vái mà hỏi cách có thể tấn tới. Khách bảo tới sư Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp (...) Sư vụt tỉnh ngộ (...)

Nghiêm than rằng: “Ngươi quên hết rồi, không nhớ rằng kinh nói Tam thế Phật và phép giác ngộ chân chính, đúng mực, cao nhất của các Phật đều từ kinh này mà ra, há đó chẳng phải là Phật không có nguyên lý là gì?” (...) Nghiêm lại hỏi: “Kinh này do ai thuyết?”. Sư đáp: “Chẳng phải Như Lai thuyết đó ư?”. Nghiêm nói: “Kinh có câu “Nếu bảo Như Lai có thuyết pháp thì là báng Phật”. Ấy là người ta không giải thích được ý nghĩa câu nói trong kinh. Ngươi hãy nghĩ kỹ: nếu bảo kinh không phải lời Phật thì là báng kinh, nếu bảo lời Phật thì lại là báng Phật, vậy ngươi bảo thế nào? Nói mau! Nói mau!”. Sư định mở miệng thì Nghiêm đã lấy phất trần bất thình lình vụt vào giữa mồm. Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ (...)


(
Thiền uyển tập anh, không biết ai là tác giả, nguyên tác chữ Hán (...) ghi sự tích và danh ngôn của các nhà sư ở nước ta từ đời Trần trở về trước, gồm tất cả 42 bài, in lại trong Truyện ngắn Việt Nam, tập 1, nxb. Văn Học, 1998, trích trên đây là từ bài “Nhà sư đời thứ tư” do Nguyễn Ngọc San dịch. Nhan đề do người chọn tạm đặt.






____________
(1) Ba đời Phật, gồm quá khứ Phật, hiện tại Phật và vị lai Phật.