“Phùng Cung - Lời cuối của Quê”




“Sợi tơ trời
Nghiêng bay trong nắng
Hoa gạo bên sông đỏ thắm
Ðợi chuyến sang
Lúng liếng mây trôi dải yếm
Mái tóc em đẹp gió bến đò”
(“Bến xuân”),

“Sông đẹp dòng
Ðò vui rời bến
Cô lái vươn mình
Trôi dáng nhạn
Gió ngỡ buồm quen...
Vạt áo nâu non khép vội tà”
(“Dáng nhạn”).

Sông quê, bến đò, hoa gạo, và cô lái nữa, mới mẻ gì đâu. Ca dao, thơ Nguyễn Bính, Ðoàn Văn Cừ, Hồ Dzếnh v.v. đó. Vậy mà đọc hai bài trên, vẫn thấy không phải thơ... thừa. Nhắc sông, chợt nhớ muốn sang có khi phải gọi đò:

“Ðêm về khuya
Trăng ngả màu hoa lý
Tiếng gọi đò
Căng chỉ ngang sông”
(“Ðò khuya”).

Trong thơ Việt Nam, từng có tiếng gọi đò này chưa?

*

Bây giờ nhắc ao chuôm, chắc nhiều người trẻ ở miền Bắc bỡ ngỡ, kể cả những người đang sống ngay trên đất quê. Do những thay đổi trong nếp sống, các xóm làng nơi châu thổ sông Hồng đã đua nhau lấp ao từ khá lâu. Thanh niên bây giờ mắt không thấy bao nhiêu ao, mà óc cũng không chứa kỷ niệm gì đáng kể về ao. Nhưng có lẽ đa số còn nhớ mấy câu “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo...” học trong giờ văn. Sau đây là mấy bài thơ ao mới hơn thơ Nguyễn Khuyến:

“Trở dậy gặp thu / Không gian ngập mùi ổi chín / Mùi năm ngoái / Ðáy nước ao bèo / Mây trắng lênh đênh / Bâng khuâng mình tự hỏi mình / Trời thu thả nắng / Giếng đình vắng ai” (“Gặp thu”), “Trăng đến ao thu / Cá thổi khuyên vàng lay mặt nước / Cành khế chua / Chọn giờ đeo ngọc / Tiếng dế long lanh / Bên gốc hoàng tinh / Con giun đất mạ vàng” (“Bờ ao thu”), “Lá súng lát mặt ao đếm ngọc / Con sộp phùm vỗ hão bóng hoa lay / Lá tre rụng / Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch / Tiếng cuốc bèo da diết gọi ngày mai” (“Ao con”), “Trắm chép đi đâu / Ðể ao lặng ngắt / Lộng trời xanh / Con rắn nước vẽ bùa” (“Ao xanh”), “Gió khách đến / Hoa lộc vừng hoạt bút / Mặt nước xanh đen / Vẽ - xóa - vẽ / Những gì bí ẩn / Khuya khoắt bờ ao / Con đom đóm soi đèn / Tìm dấu hoa văn” (“Ao đêm”).

Ngoài bến đò với ao, Phùng Cung còn thơ những món quê gì nữa chăng? Nhiều lắm. Nào “con cò cói giật mình giũ lụa”, “chổi mo ngật đầu hè ngáng lối”, “gà rình mổ hạt nắng non”, “hoa chuối tiêu lầm lũi tím Tam giang”, “phận lấm, tối ngày đào khoáy, lưng nắng vẽ hoa văn tiền sử” (cua đồng!). Nào “sông chảy bồn chồn hoa nắng”, “vườn dâu đòi xanh biển, con chim chích buông cành bay liệng, vẽ vòng sóng vỗ xa xưa”, “bát gà uống đựng chút trời nghiêng ngả”, “chuối con gái vội hong búp lụa”, “nắng thắm quết trầu dốc bến”

Ðọc Xem đêm, như dạo một cảnh quê. Dạo cảnh này, nhớ cảnh kia cảnh nọ. Những bài Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm cũng thật tuyệt vời. Mỗi quê một vẻ. Quê Cung là quê trong cái khung đời Cung nên cảnh rất thật, rất rõ. Do thêm kích thước lịch sử, kích thước thời gian, do bắt đầu “tuần du” từ thời... Thánh Gióng, cảnh trong Quê Cầm có chất huyền thoại, mơ hồ, lãng đãng. Quê Cung cảnh luôn bình dị và thường thiếu bóng người (gần như chỉ thi thoảng thấp thoáng Em). Quê Cầm cảnh có lúc hoành tráng và lúc nào trong cảnh cũng có người, cảnh làm nền cho người... Thế “Cầm”, “Cung” so với “Bính”, “Cừ” trước kia thì thế nào? Thơ Hoàng Cầm gần với thơ Nguyễn Bính, vì cảnh Quê Bính cũng cơ bản đóng vai nền. Hoài Thanh có lần nhận xét: “Nguyễn Bính (...) chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê”.(HT) Nhà thơ có nhắc đến hoa chanh với cau liên phòng với giầu không với giậu mồng tơi v.v., nhưng đó chẳng qua do em, do nàng, do cô, do cô em nào đó mà thôi (tình quê vốn rộng, man mác, đây dồn cả về nơi các gái quê!). Trong khi thơ Phùng Cung vừa giống thơ Ðoàn Văn Cừ vì cũng lấy cảnh quê làm chính, lại vừa khác vì Quê Cung vắng người hơn hẳn Quê Cừ.

*

Suốt mấy nghìn năm người Việt sống trong cảnh quê. Ta “quê” lâu đến nỗi mới cách nay sáu bảy chục năm Hoài Thanh còn thấy “trong mỗi chúng ta một người nhà quê”.(HT) Hết rồi. Từ sau ngày đất nước Đổi Mới, cảnh quê Việt Nam đã thay đổi với tốc độ siêu thanh. Nơi nơi quê co rút, nhường chỗ cho tỉnh. Nơi nơi quê biến dạng, xa lạ với quê. “Hương đồng gió nội bay đi nhiều nhiều”…(NB)

Phùng Cung chắc chắn là nhà thơ quê lớn cuối cùng. Thơ Phùng là lần xuất hiện rực rỡ sau chót của những hình ảnh suốt bao nhiêu thế hệ từng hết sức gần gũi với tâm hồn Việt Nam. Vậy hãy kiên nhẫn tiếp tục lắng nghe thêm chút ít nữa cái tiếng đã gần thành dư âm.

Tỉnh không biết màu gì, còn quê thì nhất định màu xanh: “Lúp xúp quê xanh / Dải yếm bắc cầu một thuở…”, “Làng tôi xanh / Xanh kép xanh đơn...”. Quê buổi sáng vui nghiêng trời đất: “Chưa bảnh mắt / Chích chòe ríu rít / Ong thợ tất tưởi…”. Nếu là sáng hè, thì càng rộn ràng: “Hè về thì thầm ven làng / Trong sớm tinh mơ / Tu hú trên ngọn sung chùa / Giật mình, xổng giọng…”. Ðến trưa, ai có bổ cau, ra đón “nắng bổ cau” mà bổ. Còn không, đợi chiều. “Mảng rêu chiều nắng ghé mênh mông / Con dế loanh quanh / Tìm lại tiếng mình đêm trước…”, “Gió khỏa vườn xoan / Hoa cải lạnh màu trăng khuyết (…) Chiều vời vợi ráng son”, “Bò rống vợi chiều…”, “Lộng ráng hoa hiên / Ruột tằm quằn quại…”. Ráng thôi rồi, bò thôi rống rồi, con dế đã tìm lại được tiếng mình... Ðêm đã về, nhưng khoan hẵng xem đêm, nghe đêm vội, hãy đợi cho đêm khuya, mới thấy, nghe được nhiều điều thú vị. “Chó sủa dông dài / Gió chuyển canh / Trái thị cuối thu / Thơm mùi trăng úa / Ao khuya nước thở thì thầm”, “Chim lợn xổ giọng hãi hùng…”, “Hoa đèn loe mũi lợn…”, “Khuya khoắt tròng trành võng nứa / Giọng khê khàn / Bôi bác điệu tình ru”… Nước thở, chim lợn kêu, sông rần rật lửa, hoa đèn loe, chó sủa mím mõm, điệu tình ru bôi bác, chao ơi, cái đêm Phùng! Ngoài những thứ dính liền với đất, đêm khuya còn vài món tự trời rơi xuống. “Chút bụi trăng vương theo lá rụng…”, “Trăng tà / Trĩu ánh / Sương rơi / Đong trăng lá lạnh / Đầy vơi bao lần”, “Trăng lững thững (…) vọng xuống (…) giọng đức cuội trời”… Ngắm món nọ món kia rơi, rồi sực ngẩng nhìn lên: “Sóng trăng nhẹ / Bờ mây ngấn cát khuya dạt cánh cò…”, “… Lác đác bên trời / Ngọc úa sao khuya”

*

Thăm Quê Cung, ta không gặp những đám đông tưng bừng, náo nức, xôn xao kéo nhau đi chợ Tết, đi xem hội… Cũng không thấy ong bay tới tấp, bướm lượn dập dìu quanh… hoa chanh. Nhưng Quê Cung vẫn có người, những người hầu hết rất thân, xuất hiện một mình, thường chỉ thấp thoáng, có khi chỉ qua dấu chân, lại có khi đã “đi” rồi: “Sương chiều nghe lạnh bước chân / Khách áo cũ / Tìm về bạn cũ / Ai đốt rác lá tre bên ngõ / Lối đi đầy mùi khói cuối năm”. Tìm bạn, gặp khói, rồi không biết có gặp bạn không. Còn tìm em, thì chỉ gặp mùi: “Tìm về gặp em / Em đã đi / Vách, giường thơm lạnh / Mùi khăn áo cũ / Đêm nghiêng gió chập chờn, mưa gõ lá…”. Em đã đi với em từng mặc tấm áo này là một hay hai: “… Tấm áo nâu / Đã ngả màu bã điếu / Hanh heo về / Xót ruột lắm không em”

“Người” chính trong Quê Cung là Em. Vậy hãy đọc kỹ những dòng thơ có Em.

Nguyễn Bính và Hoàng Cầm chẳng những có Em mà còn có Chị. Phùng Cung đỡ rắc rối hơn, chỉ toàn Em thôi. “Trên bến đợi đò / Em ý tứ soi gương đáy nón / Tôi nhận ra ngay / Em gái vùng soi bãi / Trên sông láy tháy mưa mòi / Lũy tre bên ấy / Ngả màu xanh rau khúc / Em mau mắn cười / Nheo mắt đầy sông nước / Tay run run khẽ chỉ / Giọng hẹp dần / Làng em đấy - quê khoai” (“Quê khoai”), “Em là người làng / Hay khách lạ thăm ai / Em ngơ ngác lá xuân lặng gió / Dáng em mềm xóm ngõ / Tôi muốn vay em một chút dịu dàng” (“Vay”)…

Dịu dàng vẫn là đặc trưng của các “em gái miền quê” một thời. Em lá xuân, Em quê khoai của Phùng Cung không khác những cô gái trong khung cửi, cô hàng xóm cách giậu mồng tơi v.v. của Nguyễn Bính. Sống ở đời, người ta có thể dịu dàng mà vẫn cương quyết đấu tranh với số phận, nhưng Em của Phùng thì nhẫn nhục, yên phận, như sẽ thấy. Nhưng trước khi xem đến đoạn cuối cuộc đời Em, hãy xét thêm chút ít đoạn đầu, cùng cái cách “tôi” đã yêu Em. “Ðêm vắng / Buồng thơm / Em soi gương trộm / Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng” (“Buồng thơm”). Làm dáng trong đêm, làm dáng thầm, vậy thôi. Không mớ ba mớ bảy, “yếm thắm”, “lụa hồng” tưng bừng, chói lọi như những cô nàng “Bên kia sông Ðuống” của Hoàng Cầm. Em kín đáo, thầm lặng, rồi “tôi” yêu Em cũng rất ít hở, chỉ có đại khái nhớ hóa “tưởng”, nhớ bắt kiếm cớ bước nhẹ qua ngõ để nhìn thoáng mà bối rối, mà đứng đội mưa: “Tưởng em đi đâu / Chợt tiếng cười khúc khích hiên sau / Hàng râm bụt gió lay nắng tía” (“Nắng tía”), “Qua ngõ khẽ nhìn / Chẳng thấy em / Sân mưa bụi / Dây phơi xâu hạt nước / Khói bếp ngẩn ngơ đầu giàn bí / Thoáng bóng em / Tôi bối rối / Mưa bắt đầu nặng hạt” (“Khẽ nhìn”).

Những “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”(TL) tất nhiên không thể kéo dài. Nên có Em về với “tôi”. Em lam làm, chịu đựng: “Em vất vả / Tối ngày tất tả / Lưng áo em / Ngoang vôi trắng xóa / Cái trắng này / Vắt tận trong xương” (“Mồ hôi xương”, đề tặng vợ). Ðược vợ ngoan, nên vắng thì hỏi thầm ngay: “Dưa héo sào phơi / Em đi đâu / Chĩnh nước gốc cau / Ôm khoanh trời cũ / Lá bưởi đầu hồi / Loáng thoáng phân chim” (“Vắng”), thì thấy nhà không còn ai cả: “Cau gãy bóng chân thềm / Vắng em nhà vắng / Ðồng cấy quá giang / Hoa khế đỏ màu cua chết nắng / Vườn thoáng chim bay” (“Nhà vắng”) (Ơ, cái con chim chỉ được cái bay qua bay lại!). Có Em thành vợ. Có Em khác vô duyên với đời, cắt tóc lên chùa, khi gặp lại đã thành sư: “Tình cờ gặp em / Em đã là sư bác / Nhìn trước nhìn sau / Em khẽ khóc / Mái tam quan / Thánh thót tiếng chim rơi / Ngại đường tu dang dở / Em vội lau nước mắt / Vạt áo nâu đẵm màu cát bá ngày xưa / Trót nhớ mãi / Một chiều nghiêng lụy / Nước mắt em sư / Lã chã trăng Kiều” (“Nghiêng lụy”). Vừa sư vừa Em, đường tu khỏi sao trắc trở: “Cổng phật chuông lay hoa rụng / Mõ dẫn kinh ruổi nhịp luân hồi / Vướng lụy hương bay đứt nối / Cành sương trăng níu giọt nguyên tiêu” (“Ðêm Nguyên Tiêu”). Ngoài Em vợ, Em sư, Phùng Cung còn một loại Em nữa: “Bàn tay em biết nói biết cười / Chiếu hát đêm nay / Ðầy đò giang mưa gió / Lỡ tay trong không / Ðổ vỡ cũng trong không / Tôi trộm nghĩ / Chẳng có chân trời em ạ” (“Bàn tay”). Em ở chùa và Em có bàn tay biết cười chắc ít lội bùn, nên dấu chân Em mà “tôi” có lần va phải chắc là của Em “tối ngày tất tả”: “Lỡ đò khuya mới về làng / Ngõ quen bước vội / Va dấu chân em / Khô bùn để lại / Ao tím hoa bèo / Ngóng giọt trăng khuya” (“Làng khuya”).

Em của Phùng, sao mà thương thế. So với đa số hình ảnh người yêu nhan nhản trong thơ, Em đây như chiếc bóng.

*

Những bài trong tập Xem đêm chứa toàn những hình ảnh cũ kỹ diễn bằng một thứ lời không cũ chút nào! Câu, khi hai chữ, khi ba chữ, khi bốn chữ, khi chín chữ. Vần, bài có bài không, khi có khi không. Rõ ràng ngoài luật đổi thanh quá căn bản (HT), khi sáng tác Phùng Cung không quan tâm đến bất cứ ràng buộc hình thức nào. Rõ ràng ông có ý tạo cho mỗi bài thơ của mình một thứ nhịp điệu riêng. Không khỏi nghĩ đến thơ tự do.

Hãy ôn lại vài phát biểu. Năm 1949, Xuân Diệu định nghĩa: “Tự do là mình đặt kỷ luật cho mình, một kỷ luật linh động, tùy theo mỗi trường hợp, nhưng luôn luôn có kỷ luật (...) Làm thơ tự do tức là mỗi đề tài lại tự tạo ra một điệu riêng cho thích hợp (...) Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm”.(XD) Năm 1959 Hoàng Cầm Về Kinh Bắc, làm được nhiều thơ hay, rồi tâm sự: “Thơ của tôi (...) không hề (...) chịu sự ràng buộc (...) của phép tắc (...) Tôi (...) khổ công tu luyện (...) tạo ra điệu riêng từng bài”.(HC) Nghĩa là phép tắc chung thì không có, chứ phép tắc riêng cho từng bài thì nhất định có! Chế Lan Viên lúc nào đó viết: “Tự do quá cũng giết chết thơ như gò bó / Kỷ luật bắt ta tìm vàng ở ngay trong đất thó / Còn tuyệt đối tự do thì biến hoa thành ra cỏ / Bởi xô bồ”.(CLV) Ý Xuân Diệu và ý Hoàng Cầm là một, là định nghĩa thơ tự do rộng rãi nhất. Còn ý Chế Lan Viên, nếu căn cứ vào sáng tác của chính ông thì thấy đa số thơ vẫn có một thứ kỷ luật chung, là vần; có thể tạm gọi đây là thơ “tự do có vần”. Không phải hễ có ý thức về tự do là nhất định sẽ chọn tự do. Xuân Diệu tuyên ngôn tự do dõng dạc xong, bèn... quên, thơ ông sau đó cơ bản vẫn tiếp tục bay nhảy trong cái “lồng” thơ Mới! Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Phùng Cung, mỗi người rồi sáng tạo ra cả một... thế giới tự do. Thơ Chế rõ ràng nhiều tứ mới lạ, nên mang dáng tự do có lẽ ít lạ. Còn thơ Hoàng với thơ Phùng nội dung có vẻ hoàn toàn truyền thống, thế mà cũng chọn tự do, thậm chí tự do hơn cả thơ Chế!

Huy Cận bảo: “Không phải tứ thơ nào cũng có thể khuôn vào bất cứ hình thức, thể loại nào”.(HC)

Thế. Nhưng quê vốn “khuôn vào” lục bát rất vừa vặn, tại sao những bến đò, ao, Em, cò cói, ong xanh, chuối tiêu, cua đồng, chim chả, chim chích, chào mào, hạt mồng tơi, quết trầu v.v. của Phùng Cung lại không chịu vào thứ khuôn quen thuộc ấy? Bến đò mà lại không ưng lục bát? Nhé, xưa thơ: “Trăm năm đành lỗi hẹn hò / Cây đa bến cũ con đò khác đưa”, nay lại thơ: “Sợi tơ trời / Nghiêng bay trong nắng / Hoa gạo bên sông đỏ thắm…”. Cùng về cái nơi người đưa người sang sông mà thơ nay nhịp điệu khác hẳn thơ xưa...

Không có gì lạ cả, nếu nhớ rằng thơ làm là để diễn cảm xúc của thi sĩ về cái gì đó chứ không phải để tả chính cái đó. Vẫn bến đò, nhưng do cảm xúc của Phùng Cung không giống cảm xúc của người trước và do thơ diễn cảm xúc chủ yếu bằng chất nhạc riêng của thơ, Phùng Cung tự nhiên “hát” lòng mình lên thành thứ thơ không phải là lục bát. Tuy vẫn còn hết sức gắn bó với quê, nhưng tâm hồn Hoàng Cầm, Phùng Cung đã khác tâm hồn của thế hệ “trăm năm đành lỗi hẹn hò”. Người trước sống theo một nhịp điệu chung nhất định. Người sau đã thoát ly cái nhịp điệu cũ mà chưa ổn định trong nhịp điệu mới nào, vì họ sống “tự do” nên thơ họ cũng tự do… (Dĩ nhiên ngay trong thế kỷ 21 vẫn có sáng tác mới bằng thơ lục bát, ấy bởi thể thơ truyền thống này có tính linh động kỳ lạ.)

Nghĩ chẳng ngộ sao: bao nhiêu người theo đuổi một hình thức thơ mới mẻ, rút cuộc thành công nhất lại là đôi thi sĩ chuyên ngắm những cảnh cũ rích! Cho hay hướng lòng mình về cái gì thật là quen thuộc với mình vẫn dễ làm nẩy những tứ có chiều sâu vốn là một điều kiện cần thiết để sáng tác thơ thành công.

Trở lại với Phùng Cung không làm thơ lục bát. Nhìn kỹ, thỉnh thoảng có, chẳng qua câu chữ trình bày nom lạ mắt. Thì một chút cho gọi là “còn vương tơ lòng”, tưởng chỉ càng thêm đẹp tình quê.

*

Miên man thơ Quê Cung, rồi bỗng nhớ tranh Phố Phái. Quê dĩ nhiên “cổ”, còn phố đây cũng chẳng mới gì. Cảnh quen ơi là quen, nhưng dưới con mắt của hai nghệ sĩ xuất sắc, hóa lạ cách kỳ thú. Cảnh thì mượn vải sơn mà hiện thành tranh, cảnh mượn chữ mà hiện thành thơ…

Ðã dài dòng lắm về Xem đêm. Xin thêm lời nữa cho trót. Hẳn những bài thơ quê tuyệt diệu ấy đã bắt đầu với vẻ đẹp của tơ trời, hoa gạo, dải yếm, tóc em v.v., nhưng thơ càng làm thì cái đẹp của lời thơ càng thay tơ, thay hoa, thay dải yếm, thay tóc mà trở thành đối tượng thực sự của thi sĩ:

“Sợi tơ trời
Nghiêng bay trong nắng
Hoa gạo bên sông đỏ thắm…”


Dễ dàng hình dung Phùng Cung đang vừa nhẩm đọc mấy câu thơ mới chào đời của mình cách say sưa, ve vuốt, vừa loay hoay tìm cách cho ra thêm mấy câu đáng say đáng vuốt nữa. Thi sĩ say vẻ đẹp của lời. Lời phải thế nào mới được say chứ! Văn hóa phải thế nào mới có được thứ lời thế chứ! Thơ quê của Phùng Cung là những đóa lời rực rỡ nở ra từ cái bề sâu thăm thẳm của văn hóa Việt Nam truyền thống. Nó chắc chắn cũng là những lời đẹp chót của Quê.



Thu TứViết năm 2008
Sửa mới nhất 10-2022




















_________
Tất cả thơ Phùng Cung dẫn trong bài này đều lấy từ tập
Xem đêm (nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 1995).
CLV: Chế Lan Viên, bài “Tự do và thơ”.
HC:
Hoàng Cầm tác phẩm – Thơ, nxb. Hội Nhà Văn, 2003.
HCN: Huy Cận, báo
Văn Nghệ, 3-2005.
HT: Hoài Thanh,
Thi nhân Việt Nam, 1941.
NB: Nguyễn Bính, bài “Chân quê”.
TL: Thế Lữ, bài thơ “Lời than thở của nàng Mỹ Thuật”.
XD: Xuân Diệu, báo
Văn Nghệ, số 13, tháng 6/1949 (theo Nguyễn Hưng Quốc)