Nam trẻ hơn nữ nên "em em, chị chị", nhưng biết lúc nào hóa "anh anh, em em". Người tục kẻ tu nên "tôi tôi, thầy thầy", nhưng cũng biết lúc nào hóa "anh anh, em em". Cái khả năng biến hóa tiềm tàng làm cho cuộc tiếp xúc hơi căng. Nhờ cái có thể xảy ra đã không, nửa thế kỷ sau, trong ký ức của "tôi", "các chị" ở phòng thuốc chùa Cốc là "vùng sáng mát dịu nhất, thơ mộng nhất". Nếu một chị đã hóa thành "em"...

(Thu Tứ)



Nguyễn Khải, “Ngôi chùa các chị”



1.

Cuối năm 1947, Tỉnh đội Dân quân Hưng Yên cử tôi đi học lớp y tá của Khu. Chuyện tôi được đi học cũng rất bất ngờ. Buổi chiều hôm ấy ông Xưởng là tỉnh đội phó tới kiểm tra trung đội Tự vệ Chiến đấu của thị xã. Trung đội tập hợp thành ba hàng ngang ngay trong sân chùa An Tảo. Tỉnh đội phó mặc quần soọc xanh, chân đi dép, vai khoác cái bị cói nhỏ đi vòng quanh chúng tôi vài lượt, ngắm nghía trang phục và vũ khí của chúng tôi nhưng không nói gì. Trang phục của anh em tự vệ ngày ấy là tự túc, có gì mặc nấy miễn là gọn gàng, sạch sẽ. Vũ khí của trung đội chỉ có mươi khẩu súng trường Nga và Nhật, còn lại là mã tấu cũng buộc dây khoác vai như khoác súng. Tôi cũng chỉ có một thanh mã tấu, đã từng ra mặt trận một lần ở đường Năm. Quân Pháp bắt đầu nổ súng là tôi chạy, chạy không thở được vì sợ quá. Khi tỉnh đội phó hỏi tôi đã đánh được trận nào chưa, tôi trả lời thành thật là chưa. Mới nhìn thấy Tây đã chạy sao gọi là đánh trận! Tỉnh đội phó bảo là do chưa quen, quen rồi sẽ dạn, phụ nữ ở chợ Bần dùng đòn gánh còn đánh chết được lính Pháp thì có gì phải sợ. Trước khi về ông cho gọi tôi và một anh nữa đến gặp ông rồi bảo chuẩn bị đi học lớp y tá do Khu mở. Lớp học mở ở đình làng Tè, thuộc huyện Duyên Hà tỉnh Thái Bình, bên cạnh bệnh viện của Khu, vừa học vừa phục vụ. Học viên đủ loại, một nửa là bộ đội, một nửa là dân. Dân là giáo học, thư ký, có cả mấy ông lý trưởng có biết chút ít chữ Pháp. Mấy ông hương chức đi học đều có tiền, họ ăn cơm riêng do nhà chủ nấu, bữa nào cũng thịnh soạn như ăn tiệc và thường mời các bác sĩ và y tá của bệnh viện cùng ăn.

Tháng giêng năm 48, sau ba tháng học tập, trong số sáu người do tỉnh đội cử đi duy nhất có tôi được cấp chứng chỉ y tá nên tôi được điều về phục vụ tại phòng thuốc tỉnh đội. Phòng thuốc năm ấy do anh Đáo là y tá trưởng phụ trách. Anh đã làm y tá nhiều năm trước cách mạng tại nhà thương của tỉnh. Cùng phục vụ ở phòng thuốc còn có hai chị cứu thương, một chị tên là Thủy, một chị tên là Chính, cả hai ở tuổi hăm ba hăm bốn, là con gái các gia đình buôn bán ở thị xã. Tôi năm ấy mới 18 tuổi, chỉ mới biết lau rửa, thay băng các vết thương và tiêm dưới da, tiêm bắp thịt, còn tiêm vào mạch máu cũng mũi được mũi không. Nhưng tôi lại là y tá, có chứng chỉ của bệnh viện Khu, đứng về nghề mà nói tôi chỉ đứng sau y tá trưởng. Phòng thuốc của tỉnh đội đóng ở chùa Cốc, chùa sư nữ, xa làng nhưng gần đường. Sư cụ nhường chùa cho bộ đội, về ở chùa trong làng, chỉ để lại một sư thầy là sư Huân nhang đèn thờ Phật và giúp các chị cứu thương cơm nước, săn sóc bệnh nhân. Bốn chúng tôi và một sư thầy sống với nhau như anh em trong một gia đình, anh Đáo là anh cả, tôi là em út. Những tối có trăng, chúng tôi và anh em bệnh nhân đã khỏe ngồi ngổn ngang ở sân chùa và thềm hè uống nước chè xanh trong mùi nhang đen tỏa ra từ các góc tối của sân chùa. Cuộc kháng chiến chỉ vừa mới bắt đầu nhưng Hà Nội với đường phố sáng trắng ánh điện như đã thuộc về một quá khứ rất xa. Phố hàng Lọng rất vắng và nóng những trưa hè với những cửa hiệu có mái hiên che bằng vải bạt. Ngõ Hăm Bốn Gian ở phố Huế với hàng phở gánh cuối ngõ đỏ lửa lúc mờ sáng buổi đầu đông. Cửa Ô Quan Chưởng cuối thu hơi se lạnh, hơi hiu hắt, ngào ngạt mùi thơm ngậy của gánh hàng cà-phê sữa nép sau bức tường rêu loang lổ. Ôi Hà Nội !...

Tôi về phòng thuốc đầu tháng giêng năm 48, chỉ còn non một tháng nữa là Tết, Tết Mậu Tý. Ngày 27 Tết, sư cụ từ chùa trong làng ra chùa ngoài trông nom các sư bao tượng Phật, quét dọn tam bảo, ngâm gạo đỗ gói bánh chưng và đóng oản. Các sư và những người trong làng ra làm công quả đứng kín mấy dãy bàn gỗ kê trên niễng cao gói bánh, gói cả trăm cái, là quà Tết của nhà chùa tặng các đơn vị bộ đội đóng quân quanh đó. Sáng mồng một Tết, sư cụ mặc áo cà sa nâu ngồi trên cái chõng tre kê ở hiên để các đệ tử tới lạy mừng. Sư thầy chùa Cốc còn rất trẻ, xinh đẹp như tranh vẽ, da trắng hồng dưới vành khăn nâu buộc chữ Bát, vóc dáng mảnh mai trong cái áo dài nâu, dải thắt lưng nâu, chân đất, tới quỳ trước sư cụ, lạy ba lạy rồi chúc Tết. Trò chúc Thầy pháp thể khang an, Phật quả chóng viên thành. Thầy chúc trò tinh tấn tu hành, công viên quả mãn. Chị Thủy nói với chúng tôi: “Mấy ông cán bộ nằm bệnh xá nhìn sư thầy Huân như thú đói rình mồi”. Mỗi lần bị mấy anh bộ đội trẻ đẹp trai trêu chọc, sư Huân chỉ cúi đầu, niệm: “A di đà Phật”. Gương mặt trái soan nhìn nghiêng, hàm răng đen rất đều và nhỏ, và cái cuống cổ tròn mảnh như cuống huệ đến một thằng trẻ con mới lớn là tôi nhìn thấy cũng xao xuyến. Vậy mà tôi đã có cái may mắn được sư Huân nhờ dạy chữ quốc ngữ sau ngày tôi về phòng thuốc chừng hai tháng. Ngày ấy phong trào xóa mù chữ tại các địa phương rất quyết liệt. Sư Huân đã mấy lần cắp sách bút theo học rồi phải bỏ vì đám thanh niên vây bám quá ráo riết. Tôi được dạy cô học trò đặc biệt cũng lấy làm ngại ngùng vì rất sợ mấy ông bệnh nhân tinh quái dễ đơm chuyện bậy bạ. Y tá trưởng đã lớn tuổi, thuộc loại người nghiêm chỉnh cũng ngứa miệng nói chọc: “Mày dậy sao thì dậy, sư biết chữ lại muốn bỏ chùa theo mày mới thật rầy rà”. Thời ấy ở nông thôn nhan nhản những cặp vợ chồng khấp khểnh, chồng còn là trẻ con, vợ đã là một bà trung niên sắp ngả về già. Vợ y tá trưởng nghe nói cũng hơn chồng khoảng mươi tuổi. Sư Huân là người tu hành lại hơn tôi năm sáu tuổi, là những cái ngưỡng bất khả xâm phạm, nhưng một thằng con trai mới lớn được ngồi cạnh một cô gái đẹp không khỏi có lúc thoáng nghĩ những chuyện vẩn vơ. Vì sư Huân biết nấu nướng, biết khâu vá nên sư cụ buộc phải để đệ tử ở lại chùa ngoài phục vụ bệnh nhân, chứ người đẹp thế, trẻ thế phải sống giữa đám con trai bộ đội, dầu là bộ đội Cụ Hồ cũng không thể yên tâm hoàn toàn được. Tôi dậy cô học trò sau giờ ăn cơm trưa, ngay ở bếp, lấy cái chõng tre làm bàn, trò ngồi một bên, thầy ngồi một bên, công khai, nghiêm chỉnh. Nhưng tới lúc học viết chữ tôi phải ngồi cạnh trò, trùm bàn tay tôi lên tay trò để giặm chữ cho quen. Có một lần sư Huân bất thần nắm lấy bàn tay tôi, bảo: “Bàn tay con trai mà đẹp nhỉ. Tay học trò có khác!” Ngay lập tức cả hai chúng tôi đều rụt vội tay về như những kẻ phạm tội. Gò má sư Huân đỏ bừng, da mặt tôi cũng nóng ran, tôi đứng lên, nói vội: “Thầy cứ ngồi viết tiếp đi, tôi phải đi phát thuốc”. Ngày hôm ấy và cả mấy ngày sau tôi cố ý tránh sư Huân, mỗi lần gặp tôi chỉ cúi mặt, nói lí nhí: “Thầy ôn lại bài cũ đi, mấy bữa nay tôi bận quá”. Sư Huân cũng không nói gì, né người đi thẳng. Nhìn bên ngoài mọi sự vẫn diễn ra rất tự nhiên nhưng hai bà chị ở phòng thuốc vẫn biết. Con gái vốn tinh tế, nhạy cảm, lại hơn tuổi, lại đã ít nhiều từng trải trong tình yêu, ấy là tôi đoán thế, lập tức biết ngay. Họ không nói gì, đến một cái cười đầy ngụ ý cũng không có, nhưng tôi biết là các chị ấy đã biết vừa có một chuyện gì không bình thường đã xảy ra giữa hai chúng tôi. Không cười nhưng vẫn nhìn, cái nhìn nghiêm một chút, đùa một chút nhưng rất rõ cái ý răn đe: “Của cấm đấy! Chớ có đụng vào!”

2.

Tôi ở phòng thuốc được dăm tháng, chỉ có bệnh binh và thương binh nhẹ, những người bị thương ở mặt trận đều được cáng thẳng đến bệnh viện dân y của tỉnh. Bệnh nhân của bệnh xá nhiều lắm chỉ khoảng mươi người, bệnh ghẻ lở, cảm cúm, đau họng, thấp khớp nhẹ, điều trị khoảng một tuần, nửa tháng là trở lại đơn vị. Có mấy ông cán bộ đại đội, trung đội của bộ đội tỉnh vì mê bà Thủy hay bà Chính tạ sự đến bệnh xá nằm dăm ba ngày, đùa phá như giặc rồi lại đi nên cái nghề của tôi không tiến bộ là bao so với những anh em được đi phục vụ tại các bệnh viện lớn. Và mỗi lần đùa cợt các ông anh nham nhở lại lôi tôi ra làm cái bung xung để gây cười. Một buổi chiều anh Đáo và chị Thủy về tỉnh đội họp, ở lại phòng thuốc chỉ có chị Chính và tôi. Nửa đêm chị Chính kêu đau bụng, uống thuốc không đỡ nên chị nhờ tôi nướng gạch với lá ngải cứu để chườm bụng. Sáng sớm hôm sau một ông bệnh nhân là đại đội trưởng hỏi bâng quơ lúc tôi tiêm thuốc cho anh: “Đêm qua chị em mày làm gì lục cục ở trên ấy thế?” Tôi thành thật nói chuyện nướng gạch với lá ngải cứu cho chị Chính. Anh ta nheo mắt, nói ỡm ờ: “Chỉ có thế thôi à?” Tôi nhìn anh, mặt nóng bừng, nói gắt: “Không chỉ như thế thì còn là thế nào?” Anh ta nín lặng một lát rồi vừa cười vừa bảo: “Lần sau có phải nướng gạch thì mày gọi tao nhá!” Chưa hết. Tới giờ ăn cơm trưa, chả rõ ông đại đội trưởng nói gì với chị Chính rồi nghe ông ta cao giọng chẳng ra dạy dỗ chẳng ra bỡn cợt: “Nó còn là trẻ con, cô mà làm hư nó là có tội đấy!”

Tôi ở phòng thuốc đã được nửa năm thì anh Đáo phải về tỉnh họp đảng vài ngày, bàn giao phòng thuốc cho tôi phụ trách vì tôi là y tá. Vào lúc gần tối ngày thứ hai có hai người cáng một anh du kích ở Yên Mỹ tới. Anh bị thương vào vùng bụng từ trưa, lúc mở cáng khiêng anh ra người đã vàng khè, hơi thở rất mỏng nhưng còn tỉnh. Nếu anh được đưa đến bệnh viện, được phẫu thuật kịp thời thì vẫn hy vọng sống. Nhưng với một bệnh xá không có bác sĩ, không có dụng cụ mổ xẻ thì không thể làm gì hơn được. Đưa đi tiếp thì anh sẽ chết dọc đường, ở lại với chúng tôi anh cũng không qua khỏi đêm nay. Tôi cứ đứng mà run vì phải đối mặt với một trường hợp có quan hệ đến tính mạng của đồng đội. Một thằng y tá mới ra lò thì biết gì mà giải quyết nên càng run. Chị Thủy phải hỏi tôi trước vì tôi là người thay mặt y tá trưởng khi anh vắng mặt nhưng liền sau đó chị nói ngay: “Theo tôi nên để anh ấy ở lại bệnh xá, đi hay ở đều không cứu được anh vì vết thương đã quá nặng. Nhưng chết trên đường đến bệnh viện thì địa phương nào sẽ đứng ra mai táng cho anh”. Tôi chỉ còn biết theo ý kiến của chị. Ngay lầp tức chị Chính đã vào trong làng để bàn bạc với ủy ban Kháng chiến xã, với Hội Liên Việt và Hội Mẹ Chiến sĩ chuẩn bị vải liệm, áo quan, nơi mai táng và tổ chức tang lễ. Các bệnh nhân đã khỏe xúm lại dọn dẹp một góc chánh điện để anh nằm. Tôi và chị Thủy lau vết thương cho anh, lau mặt và tay chân, tiêm thêm một mũi thuốc giảm đau. Sư Huân nấu vội cơm cho những người cáng và thu xếp chỗ ngủ cho họ. Người bị thương sau mũi tiêm đã bớt rên nhưng hơi thở yếu lắm. Cái chết đã chờn vờn đâu đó trong hốc mắt trũng sâu, hai gò má nhô cao và đôi môi vàng héo. Anh còn trẻ lắm, chỉ khoảng tuổi tôi chứ không hơn, chân tay dài gầy của một cơ thể đang phát triển với đôi vai rất rộng. Cái cổ mảnh dẻ non nớt hơi nghiêng về một bên nhìn rất tội nghiệp. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến những giây phút hấp hối của một người với tất cả sự trang trọng và thiêng liêng của nó. Năm 45 người chết xếp ngổn ngang ở vỉa hè, góc đường, gầm cầu thò những cặp chân đen đủi, khô đét ra khỏi những manh chiếu đắp không gây cho đồng loại bất cứ cảm xúc nào. Cái chết của con người đã hóa ra tầm thường, nhàm chán, đã bị cái đói vùi xuống thành xác những con vật. Chúng tôi đã lớn lên từ những nhục nhã ấy. Đĩa đèn dầu lạc đặt trên bệ thờ Đức Ông chiếu leo lét lên mặt người hấp hối mỗi lúc như nhỏ lại, như mơ hồ thêm, như không còn có thật. Tôi dựa đầu và lưng vào một góc tường, một bàn tay vẫn nắm lấy mấy ngón chân đã lạnh ngắt của anh rồi thiếp đi lúc nào không biết. Anh du kích chắc là đã mất ít phút sau đó. Chị Thủy và chị Chính liệm anh ngay trong đêm. Sư thầy Huân đã lập bàn thờ, ngồi đọc kinh nhưng không gõ chuông mõ để các bệnh nhân khác không mất giấc ngủ. Lúc tôi chợt bừng tỉnh, mở mắt nhìn ngơ ngác thì mọi sự đã xong xuôi. Tôi cúi mặt nói ấp úng: “Em xin lỗi, các chị không gọi em...” Chị Thủy chỉ nói nhỏ: “Em đi ngủ đi, ở đây đã có mấy chị rồi. Ngày mai còn nhiều việc lắm đấy.”

Kể từ cái đêm lần đầu tiên tôi được chứng kiến cái chết của một đồng đội, tới nay đã vừa tròn nửa thế kỷ. Tôi đã sống sau anh ấy lâu quá, dài quá. Nhiều người cùng lứa tuổi tôi đã chết năm họ mới mười chín, đôi mươi. Cuộc đời ngắn ngủi của họ chỉ là những cuộc hành quân, những trận đánh với một chút vui, một chút buồn, một chút nhớ thương có liên quan đến một bà chị, hai bà chị, ba bà chị ở một làng quê xa lạ nào đó. Ví thử tôi phải chết từ cái năm đã rất xa ấy thì tôi đã có gì đâu, không có một cái gì thật gắn bó để phải lưu luyến lúc hấp hối ngoài mẹ và mấy bà chị ở phòng thuốc chùa Cốc. Là các bà chị thật, là một sư thầy thật nhưng có hề chi, với tôi họ vẫn là một vùng sáng mát dịu nhất, thơ mộng nhất khiến tôi muốn đắm mình trong sự yêu thương đó mãi mãi.


10 - 1997