Chiếm xong nước Việt ở ngay phía nam Trường Giang, người Hoa nhìn tiếp xuống, thấy vô số nhóm cư dân. Tại sao họ gọi chung những nhóm ấy là Bách Việt? Hẳn bởi dù thuộc nhóm nào thì dân trông cũng giống như dân của cái nước Việt mà họ vừa chiếm. Hóa ra đất phương nam đầy “Việt”, hoặc đã dựng nước hoặc chưa. (Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Cái tên Bách Việt”




Chúng ta đã biết rằng hơn trăm năm sau Câu Tiễn, nước Việt bị nước Sở diệt. Sở chiếm đất Ngô Việt đến miền Chiết Giang. Từ đó người Việt lìa tan xuống miền nam, tộc trưởng các thị tộc tranh nhau tự lập, kẻ làm vương, kẻ làm quân, giữ miền bờ biển ở Giang Nam mà thần phục nước Sở. Sử sách gọi chung những nhóm Việt tộc ở Giang Nam và Lĩnh Nam là Bách Việt, kỳ thực không rõ số các nhóm Việt tộc ấy là bao nhiêu (…)

Từ thời Chu về trước, người Việt tộc ở rải rác khắp trong miền lưu vực sông Dương Tử từ Tứ Xuyên đến biển (...) trước áp lực của người Hán tộc (*) (...) người Việt tộc (...) đã phải tràn (...) xuống miền Giang Nam và Lĩnh Nam (...) Cái tên Bách Việt đã được người Hán tộc dùng để chỉ những bộ lạc Việt tộc ấy từ thời Chiến Quốc. Sử ký chép rằng đời Chu An vương, Sở Ðiệu vương sai Ngô Khởi đánh dẹp Bách Việt ở miền nam. Ðến sau khi nước Việt bị nước Sở diệt, thì người nước Việt ly tán xuống miền nam, họ đã gặp ở đó những người Việt tộc chiếm ở miền ấy từ xưa.

Trong các thị tộc của nước Việt, có những thị tộc (...) dùng thuyền mà xuống miền Phúc Kiến, Quảng Ðông và Bắc bộ, hoặc (đi đường bộ) qua dãy núi Nam Lĩnh mà sang miền tây Quảng Ðông và miền Quảng Tây. Có lẽ cũng có nhóm ra các đảo Ðài Loan, Hải Nam và Nam Dương quần đảo. Ở miền nam, các tù trưởng (...) gặp được những người Việt tộc cũ. Một số tù trưởng (...) tập hợp người mới và người cũ thành từng bộ lạc hay bộ lạc liên hiệp, tự xưng quân trưởng hay là xưng vương. Một số bộ lạc ở lại miền Chiết Giang hẳn là phải thần phục nước Sở, song những bộ lạc ở xa tại miền Phúc Kiến, Quảng Ðông, Quảng Tây và Bắc bộ thì hẳn là không có quan hệ với nước Sở. Mặc dầu từ đầu thế kỷ thứ IV nước Sở đã sai Ngô Khởi đi bình Bách Việt, phạm vi thống trị của Sở chỉ đến phía nam các đất Hồ Nam và Giang Tây mà thôi.

Chúng ta biết rằng các nước Việt tộc ở lưu vực sông Dương Tử là Sở, Ngô, Việt đã dần dần đồng hóa theo văn hóa Hán tộc (...) Ở phía Tứ Xuyên thì sau khi nước Tần chinh phục được nước Thục và nước Ba, người Việt tộc ở miền ấy cũng bị hấp thu vào văn hóa Trung Nguyên. Ðến thời Chiến Quốc thì chỉ đất Bách Việt là còn ở ngoài phạm vi ảnh hưởng của Hán tộc.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)




















____________
(*) Người Tàu hay tự xưng là người Hán vì họ hãnh diện về đời Hán. Nhưng xét nội dung đang bàn, tưởng đây nên gọi họ bằng tên của cái chủng tộc chính ở phương bắc là Hoa tộc. Hơn nữa, đã đến đời Hán đâu! (TT)