Đào Duy Anh, “Giao Chỉ, Man, Việt”




Chúng tôi đã đoán rằng thư tịch xưa của Trung Hoa dùng chữ Giao Chỉ để phiếm chỉ những người nhóm người sinh tụ ở miền hạ lưu sông Dương Tử từ thời nhà Thương trở về trước. Từ thời nhà Chu trở xuống thì không thấy có tên Giao Chỉ nữa mà chỉ thấy những tên Kinh Man, Sở Man, Man Di hay Di Việt dùng để phiếm chỉ những nhóm người ở miền đất châu Kinh và châu Dương, tức là miền hạ lưu sông Dương Tử.

Sử ký (q. 31) chép rằng người Kinh Man, cũng gọi là Sở Man, có tục cạo tóc xăm mình, chúng tôi đã đoán (...) rằng họ cũng làm nghề đánh cá và thờ giao long làm vật tổ, hay ít ra là còn giữ di tích của chế độ tô-tem xưa lấy giao long làm vật tổ. Phân tích chữ Man, chúng tôi thấy bộ trùng của nó có thể hàm một ý nghĩa tô-tem, mà tô-tem ấy có thể là một giống rắn hay rồng gì.(1) Chúng tôi đoán rằng những nhóm người mà người Hán tộc (*) gọi là Man ở thời nhà Chu, cũng vẫn là một giống với những nhóm người mà họ gọi là Giao Chỉ ở thời trước, vì xét lịch sử dân tộc Trung Hoa, trong khoảng thời gian ấy chưa có một giống người nào khác di cư đến miền ấy.

Ðến thời Xuân Thu thì người ta thấy trong thư tịch xưa lại xuất hiện một tên mới là Việt, tên ấy dần dần át hẳn tên Man để chỉ những người ở miền lưu vực sông Dương Tử. Cái tên Việt được thông dụng là từ khi Câu Tiễn chấn hưng nước Việt ở miền Chiết Giang để xưng bá ở Giang Ðông. Cứ sách Trang Tử và sách Sử ký mà chúng tôi cũng đã dẫn ở chương trên thì người Việt vốn có tục cạo tóc xăm mình cũng như người Kinh Man.

Nhưng tên Việt không phải chỉ dùng để chỉ người miền Chiết Giang thuở ấy mà thôi. Ðem đối chiếu câu sách Thế bản (2) nói rằng: “Việt là họ Mi cùng tổ với Sở Vương” và câu sách Quốc ngữ (3) nói rằng: “Nước Quỳ Việt họ Mi”, chúng ta có thể đoán rằng các vua nước Sở (Hồ Nam, Hồ Bắc), nước Việt (Chiết Giang), nước Quỳ Việt (Tứ Xuyên) đều cùng một họ Mi. Chung Ðộc Phật, trong sách Việt tỉnh dân tộc khảo nguyên (4), thì cho rằng cả miền đất châu Kinh (đất nước Sở), châu Dương (đất nước Việt) và châu Lương (đất nước Quỳ Việt), nghĩa là tất cả lưu vực sông Dương Tử từ Vạn Huyện (ở Tứ Xuyên) trở xuống, đều là người giống Việt ở cả.

Sách Hoa dương quốc chí, thiên “Nam Trung chí” nói rằng miền Nam Trung (chỉ miền Quí Châu, Vân Nam ngày nay) là đất Di Việt xưa. Ðất ấy gồm có hơn chục vương quốc như Ðiền Bộc, Cú Ðinh, Dạ Lang, Diệp Du, Ðồng Sư, Việt Tủy. Theo điều ấy mà suy thì thấy địa bàn giống Việt xưa mà tác giả chép là Di Việt có thể gồm cả miền trung lưu của sông Dương Tử chứ không phải chỉ là miền hạ lưu mà thôi, đó là một tá chứng cho chủ trương của Chung Ðộc Phật mà chúng tôi nhận là xác đáng. Vậy thì chúng ta có thể đoán rằng chữ Việt là chữ người Hán tộc dùng để chỉ các nhóm người ở miền lưu vực sông Dương Tử, về miền Ðông Nam, trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng như họ dùng chữ Hồ để chỉ tất cả các nhóm người tiếp giáp với họ ở miền Tây Bắc, trong vùng thượng lưu sông Hoàng Hà.

Tất cả những nhóm người ấy mà chúng ta có thể gọi chung là Việt tộc đều có cái tục chung là cạo tóc xăm mình và có lẽ đều có kỷ niệm chung về chế độ tô-tem xưa thờ giao long làm vật tổ. Những người Việt tộc ấy, trước thời Câu Tiễn quật cường, nghĩa là trước khi cái danh hiệu Việt được thông dụng, người Hán tộc vẫn thường gọi là Kinh Man, hay Sở Man, hay Man Di, hay là Man không. Cái tên Man là cái vòng ở giữa để nối cái tên Giao Chỉ ở thời trước và cái tên Việt ở thời sau.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957).)

Chú thích của ĐDA:
(1) Theo nguyên tắc hội ý của chữ Hán, thì chúng ta có thể đoán rằng có lẽ người Hán tộc đặt ra chữ Man để chỉ một giống người mà họ cho là thờ giống rồng rắn làm vật tổ, và nói tiếng rối rít như tơ. Theo sách
Phương ngôn của Dương Hùng thì người Hán tộc cho rằng người Việt nói tiếng thường dính nhiều âm với nhau.
(2) Một bản sách xưa, Tư Mã Thiên từng dùng làm tài liệu. Câu này do L. Aurousseau dẫn trong bài
La Première conquête...
(3) Cũng là một bản sách xưa, đã làm tài liệu chủ yếu cho Tư Mã Thiên.
(4) Do La Hương Lâm dẫn ở bài “Cổ đại Việt tộc khảo” (...)











_________
(*) Người Tàu hay tự xưng là người Hán vì họ hãnh diện về đời Hán. Nhưng xét nội dung đang bàn, tưởng đây nên gọi họ bằng tên của cái chủng tộc chính ở phương bắc là Hoa tộc. Hơn nữa, đã đến đời Hán đâu! (TT)