“Suốt từ Át-xam (Ấn-độ), trải qua miền Hoa Nam, cho đến Nam Dương quần đảo, người ta nhận thấy những di tích (...) của một nền văn hóa chung rất xưa”.

Chủ nhân của nền văn hóa ấy, theo Bình Nguyên Lộc, là những người “Mã Lai”. BNL cho rằng người Dravidian - chủ nhân văn minh Indus - cũng là “Mã Lai”. Nếu vậy, địa bàn của chủng tộc này về phía tây xa hơn Át-xam nhiều.

Đất rộng thênh thang giờ chỉ còn là lãnh thổ khiêm tốn của ASEAN. Ngay trên “vùng định mệnh” (xem Phạm Việt Châu), kẻ thù truyền kiếp cũng đã nhan nhản gần khắp nơi rồi. Trong các nước ASEAN, Việt Nam có nền kinh tế ít bị thế lực Hoa kiều ảnh hưởng nhất và là nơi nhân dân có tinh thần chống Tàu mạnh nhất. Đất nước ta chính là mặt trận cuối cùng của một cuộc tử chiến bắt đầu cách nay hơn 3000 năm. Ta mà thua, là xong đời “Mã Lai” đấy, ta ơi!
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Nền văn hóa chung rất xưa”




Chúng ta đã đoán rằng ở thời nhà Chu, suốt miền lưu vực sông Dương Tử, từ miền Vạn Huyện ở Tứ Xuyên đến biển, là địa bàn (...) của một giống người (...) gọi là Việt tộc (...)

(...) theo những điều thư tịch xưa chép (...) thấy người Hán tộc (*) (...) xem họ là một giống người khác hẳn, không thấy có mảy may điều gì tỏ rằng hai giống ấy có thể là bà con xa. Ở đây chúng tôi không thể dẫn hết những đoạn sách ấy, chỉ xin lược cử mấy điều đại cương. Người Hán tộc xem tục cạo tóc xăm mình là cái dấu hiệu đặc thù nhất để phân biệt người Man Di hay người Việt với họ. Về ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể bằng vào thư tịch xưa, như sách Phương ngôn của Dương Hùng thời Hán, mà biết rằng ngôn ngữ của người Việt là hoàn toàn khác ngôn ngữ của người Hán. Ðể chỉ cuộc sinh hoạt của người “Sở Việt”, người Hán tộc nói rằng “họ ăn cơm nếp, canh cá (...) cày bằng lửa (đốt rẫy) (...) bừa bằng nước (để cho nước ngâm lũn cỏ (...)) (...) không đợi mua mà có đủ đồ dùng; địa thế nhiều đồ ăn, không có nạn cơ cận nên người ta ăn xổi ở thì, không lo chứa cất”(1) (...)

Bị người Hán tộc ở phương Bắc áp bách xuống, người Việt tộc đã phải di cư xuống phương nam. Những nhóm người ở về miền hạ lưu sông Dương Tử, trong đất các tỉnh Giang Tây, Giang Tô, và Chiết Giang, thì đi theo đường đông nam, đã lập thành nước Việt và các nhóm Bách Việt. Những nhóm ở miền trên, trong khoảng các tỉnh Hồ Nam và Tứ Xuyên, thì đi theo đường tây nam xuống các miền Quí Châu, Vân Nam, thành những bộ lạc mà các sử sách Trung Hoa gọi là Di Việt hay Tây Nam Man.

Một phần lớn các nhóm Việt tộc ấy đã đồng hóa với người Hán tộc, song có những phần tử lưu lạc vào các miền rừng núi và đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên những phương thức sinh hoạt xưa, tức là một số những bộ lạc thiểu số hiện chiếm ở một phần những miền đồi núi trong các tỉnh Quảng Ðông và Quảng Tây, xen lộn với những bộ lạc thiểu số thuộc giống Mán và giống Thái, tất cả các bộ lạc ấy làm thành một mớ bòng bong khổng lồ cho các nhà nhân chủng học.

Trong khi một nhánh Việt tộc, người Lạc Việt, từ miền Phúc Kiến di cư đến miền trung châu Bắc bộ, thì nhiều bộ lạc Thái cũng tự miền Quảng Tây và Vân Nam di cư đến miền núi cao phía bắc và phía tây Bắc bộ. Người Thái là một chủng tộc lớn, vốn xưa cũng ở miền lưu vực sông Dương Tử như người Việt tộc, nhưng về phía tây, và cũng vì sự áp bách của người Hán tộc ở phương bắc mà phải di cư về miền tây nam Trung Hoa và tây bắc Ấn Ðộ Chi Na. Tại Bắc bộ, nói rộng ra là bắc Việt Nam, người Lạc Việt từ miền dưới và người Thái từ miền trên, tiếp xúc với giống người thổ trước mà các nhà tiền sử học và khảo cổ học cho là thuộc chủng tộc In-đô-nê-di. Di duệ của giống người này hiện nay còn sót lại ở Trường Sơn là người Thượng và ở Nam Dương quần đảo là người Batak và người Coradja.

Các bộ lạc ở miền tây nam Trung Hoa và tây bắc Ấn Ðộ Chi Na, mà phần lớn là giống người Thái, thì các nhà nhân chủng học gộp vào một tên chung là giống Tạng Diến.(2)

(...) Leroy Gourhan (...) một nhà nhân chủng học (...) Pháp nói rằng: “Những điểm khác nhau về nhân loại học giữa người In-đô-nê-di ở Ấn Ðộ Chi Na và người Tạng Diến rất mỏng mảnh (...)”. Dựa vào ý kiến ấy và đi tới một bước nữa, chúng tôi phỏng đoán rằng, người Tạng Diến và người In-đô-nê-di ngày nay hẳn là hai ngành của một gốc chung.

Ðối với các bộ lạc thiểu số ở miền đông nam Trung Hoa và ở Bắc bộ (...) Theo nhà sử học Trung Hoa là Từ Tùng Thạch, tác giả sách Việt giang lưu vực nhân dân sử (...) những nhóm dân tộc thiểu số ở lưu vực sông Tây giang là các giống Chuỳnh, Dao, Xa, Ðản, Lê, Lái đều là di huệ của Việt tộc. Chúng tôi tưởng rằng giống Học Lão ở miền bờ biển Phúc Kiến và Quảng Ðông, và giống Khách Gia ở lưu vực Tây Giang, cho đến cả các bộ lạc Lê, Lái và Sai ở Hải Nam, các bộ lạc gọi là Sinh Phiên ở Ðài Loan cũng đều là di huệ của Việt tộc cả, vì xét phong tục và sinh hoạt của họ so với các giống trên không khác mấy là so với người Bách Việt xưa thì lại có rất nhiều chỗ tương đồng.

Ðem so sánh các nhóm ấy với các nhóm Tạng Diến thì người ta thấy văn hóa hai bên rất gần nhau, mà cái tục xăm mình thì hầu như là cái đặc điểm chung của tất cả các nhóm. Theo sự nhận xét ấy (...) chúng ta có thể nói rằng những giống người mà chúng ta nhận là di huệ của Việt tộc ở miền đông nam (Trung Hoa) đó cũng là chung một gốc với các nhóm Tạng Diến ở miền tây nam.

(...) Ðến đây chúng ta có thể (...) ức đoán rằng ở thời viễn cổ, tổ tiên của giống In-đô-nê-di ở lưu vực sông Hằng Hà (Ấn Ðộ) với người Thái ở thượng lưu sông Dương Tử và người Việt tộc ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử (...) là ba ngành lớn có quan hệ rất gần gũi với nhau về chủng tộc cũng như về văn hóa. Ức thuyết ấy hợp với những điều nhận xét của nhiều nhà bác học ngày nay cho rằng suốt từ Át-xam (Ấn Ðộ), trải qua miền Hoa Nam, cho đến Nam Dương quần đảo, người ta nhận thấy những di tích (...) của một nền văn hóa chung rất xưa.

Ba ngành (...) lớn ấy, không hẹn mà nên, đã đều theo một luồng di động chung mà đi dần từ miền lục địa châu Á ra miền biển ở đông nam, dưới sự áp bách của giống Arian ở phía Ấn Ðộ và của giống Mông-gô-lích (Hán tộc) ở phía Trung Hoa. Di duệ của họ hiện nay là tất cả các dân tộc ở miền đông nam châu Á, từ Diến Ðiện, qua Ấn Ðộ Chi Na, đến Phi Luật Tân và Nam Dương quần đảo, cùng là các dân tộc thiểu số ở Hoa Nam.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)


Chú thích của ĐDA:
(1)
Sử ký, “Hòa thực liệt truyện”.
(2) (...) Leroy Gourhan nói rằng: “Những di tích cư trú của người Tạng Diến còn có thể thấy được ở giữa Hoàng Hà và Dương Tử Giang”.











_______________
(*) Người Tàu hay tự xưng là người Hán vì họ hãnh diện về đời Hán. Nhưng xét nội dung đang bàn, tưởng đây nên gọi họ bằng tên của cái chủng tộc chính ở phương bắc là Hoa tộc. Hơn nữa, đã đến đời Hán đâu! (TT)