“Lên khuôn”… Không có khuôn thì chỉ có bột bánh chứ không có bánh. Không hệ thống hóa, khái quát hóa, điển chế hóa, thì chỉ có “tục thờ” chứ không có “đạo”. Nhưng có khuôn mà không có bột bánh thì cũng không có bánh. Ðạo giáo Tàu nếu khi qua ta không gặp tục thờ Mẫu thì cũng không có đạo Mẫu ra đời.

Tại sao bột bánh ta dễ dập vào khuôn Tàu? Có phải bởi khuôn Tàu được chế ra để dập thứ bột na ná như bột bên ta? Có phải những tín ngưỡng dân gian làm nên Ðạo giáo cơ bản giống những tín ngưỡng dân gian làm nên đạo Mẫu? Chợt nhớ Hoa Nam vốn là đất của Việt tộc…
(Thu Tứ)



Ngô Đức Thịnh, “Ðạo Mẫu và Ðạo giáo”




Từ tục thờ Nữ thần, Mẫu thần phát triển lên thành Ðạo Mẫu Tam phủ - Tứ phủ (...) ảnh hưởng của Ðạo giáo Trung Quốc có vai trò quan trọng (...) những ảnh hưởng này, một mặt giúp Ðạo Mẫu "lên khuôn", hệ thống hóa và bước đầu mang tính phổ quát nguyên lý Mẫu - Mẹ, nhưng mặt khác cũng làm tăng thêm tính ma thuật, phù thủy mà vốn trong dân gian đã từng tiềm ẩn.

Như vậy trên cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian, với những ảnh hưởng Ðạo giáo Trung Quốc, đã hình thành và định hình Ðạo Mẫu Tam phủ - Tứ phủ (Tam tòa Thánh Mẫu), một thứ Ðạo giáo dân gian đặc thù của Việt Nam (...) có thể gọi một cách ngắn gọn (...) Ðạo Mẫu.


(Ngô Đức Thịnh, “Ðạo Mẫu ở Việt Nam”, trong
Ðạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, nxb. Khoa Học Xã Hội, 2004)